PNO - Từ Đông sang Tây, ở nền văn hóa nào, người già cũng vẫn lệ thuộc con cái nếu còn trẻ không tích lũy, về già không có lương hưu hay bảo hiểm xã hội. Tuổi già nặng nhọc đương nhiên sẽ tạo áp lực cho thế hệ sau.
Chị Lan lẫn em gái (Bà Rịa - Vũng Tàu) đều kết hôn ở tuổi ngoài 30. Thế nên, khi cha mẹ chị mắc “bệnh già”, các cháu ngoại của ông bà vẫn nhỏ dại. Nhà chỉ 2 chị em gái, ai sẽ nuôi cha mẹ, thay phiên hay “ôm sô”, ban đầu tưởng 2 đứa con hiếu thảo sẽ thu xếp ổn thỏa. Thế nhưng, khi kinh tế ngày một khó khăn, cha mẹ ngày càng nhiều bệnh nặng, các cô con gái bắt đầu than thân trách phận. Cuộc đùn đẩy trách nhiệm còn có sự tham dự của các con rể vì họ cũng có trách nhiệm nuôi ông bà nội.
Ban đầu, chị Lan nhận nuôi ông bà, thậm chí nhận lo liệu hết tài chính nhưng mẹ chị lẫn, thường xuyên chửi bới, than mất tiền, đánh người giúp việc… nên không ai có thể trụ lâu. Vừa đi làm vừa chăm mẹ, chị vừa xoay như chong chóng đưa đón 2 con. Nhiều lúc chị stress, kiệt sức. Chồng chị yêu cầu chuyển mẹ sang nhà em gái nhưng em chị chối đây đẩy, viện cớ nhà cửa chật chội, kinh tế eo hẹp, con cái nheo nhóc… Trước sức ép của anh chị, cô em cũng nuôi mẹ được 3 tháng nhưng người chồng không chịu được mùi người già và tính khí thất thường của bà ngoại, ra điều kiện: đưa bà về lại nhà chị Lan hoặc vợ chồng họ chia tay, mỗi người nuôi 1 con và tự làm tròn chữ hiếu đối với cha mẹ mình.
Sau khi chuyển mẹ cho em gái, chị Lan như trút gánh nặng. Chị nói từ nay chia đều, chị nuôi mẹ 2 tháng, em nuôi mẹ 2 tháng. Không ra được thỏa thuận, chị em giận dỗi, từ mặt nhau. Cuộc chiến chị em căng thẳng lây lan sang 2 chàng rể. Trước đây, họ thân thiết, giờ hở một chút là hục hặc. Gia cảnh lục đục khiến công việc của 4 người con cả ruột lẫn rể và việc học của 4 đứa cháu cũng bị ảnh hưởng.
Người già ở một viện dưỡng lão Đà Nẵng lục tục xách đồ về tá túc người thân khi cơ sở này khó khăn về mặt bằng (ảnh: Tiền Phong)
Không khó để thấy quanh chúng ta, rất nhiều cảnh nhà rối tung vì phải đồng thời nuôi người già và trẻ nhỏ như nhà chị Lan. Trên mạng xã hội, có rất nhiều hội nhóm mang cụm chữ sandwich generation (tạm dịch thế hệ bánh mì kẹp). Người chia sẻ thở than cũng từ đủ các quốc gia nhưng đông nhất có lẽ là khối các nước Đông Nam Á. Do đặc điểm văn hóa tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường và do đây là các nước nghèo, chế độ an sinh cho người già và trẻ em chưa tốt nên gánh nặng kinh tế, thời gian đè nặng lên vai lứa tuổi trung niên.
Dở dang sự nghiệp để chăm lo gia đình
Khái niệm bánh mì kẹp dành cho độ tuổi 40-60 và xuất hiện ở các nước phương Tây đã lâu, do trước đây thanh niên các nước Âu, Mỹ kết hôn muộn hơn thanh niên châu Á.
Ở thế kỷ XIX, XX, do lập gia đình sớm, tới độ tuổi 40-50, tại Việt Nam, Trung Quốc và hầu hết các nước châu Á, cha mẹ đã có thể ngồi sui, chuẩn bị phụ giúp con chăm cháu nhỏ…
Nhưng nay, chuyện ấy có lẽ chỉ còn ở các vùng quê. Sự dịch chuyển Đông - Tây và các trào lưu xã hội, các vấn đề liên quan tuổi lao động, tuổi kết hôn, chế độ lao động, thu nhập… cùng áp lực học hành, kiếm tiền đã khiến thanh niên châu Á ở các đô thị ngày càng kết hôn muộn.
Tuổi xuân kéo dài đồng hành các xu hướng sống tự do, sống cho mình, “đế chế độc thân”, “hôn nhân không thể vội”… tạo ra một thế hệ giỏi giang, hiện đại nhưng lơ là trách nhiệm với gia đình. Tới khi lứa tuổi thanh xuân qua đi, rất nhiều cô gái tuổi 30 giật mình đi tìm bạn đời.
Sinh con đầu lòng vào độ tuổi sau 30, tới 40, chị em ở thành thị mới sinh con thứ hai. Kết quả, khi tóc cha mẹ đã bạc, đứa con nhỏ chưa xong tiểu học. Trong khi đó, thời điểm này, ông bà nội ngoại của đứa trẻ đã bước vào vòng “bệnh - tử”.
48 tuổi, chị Linh vừa xin việc trở lại sau 4 năm nghỉ việc, ở nhà chăm sóc mẹ và đưa đón con gái học cấp I. Mẹ chị Linh 80 tuổi, bệnh nặng đã lâu, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Ban đầu, 3 anh chị em góp tiền thuê người giúp việc nhưng bà càng bệnh nặng thì lương giúp việc càng cao và khó kiếm người làm bền. Con gái chị Linh còn nhỏ, cần người đưa đón vì ba của bé làm việc ở các công trường. Vì vậy, chị Linh đành từ bỏ vị trí trưởng phòng kinh doanh của một tập đoàn bất động sản. Từ làm việc với các dự án hàng trăm tỉ đồng, một ngày của chị sau đó quay cuồng với việc cơm nước, dọn rửa, cho mẹ ăn… Chị già và mập nhanh chóng, đồng nghiệp tới thăm không hình dung nổi đây là người đẹp năng động năm nào.
Chị Phấn tốt nghiệp loại giỏi Đại học Ngoại thương và Đại học Luật. Chị vào đời suôn sẻ với những vị trí hàng đầu của khối kinh doanh ngành xuất bản phẩm. Trên đỉnh cao sự nghiệp, ở tuổi gần 40, chị mới kết hôn và sinh con. Con chưa kịp lớn thì mẹ chị bị tiểu đường, suy thận còn cha chị mắc chứng Alzheimer nên phải có người trông chừng ngày đêm.
Đóng cả trăm triệu đồng nhưng các cụ già ở một viện dưỡng lão bất ngờ bị mời về vì nơi này… hết hợp đồng thuê nhà (ảnh: Trường Trung)
Suốt 10 năm, chị ở nhà chăm sóc mẹ. Khi bà ra đi, chị cũng vừa chớm tuổi 55, tức tới tuổi nghỉ hưu. Không thể tìm việc, chị mở một sạp báo trước nhà, pha ít ly cà phê, bán mỗi sáng cho hàng xóm trong hẻm và dồn sức đưa đón, chăm sóc 2 con. Ít ai biết bà chủ xe cà phê tất tả ly muỗng từng là một nữ giám đốc kinh doanh lẫy lừng.
Ở lứa tuổi trung niên, nhiều chị em từng phải chọn sự nghiệp hay gia đình. Họ bỏ qua các cơ hội nghề nghiệp tốt, làm “nhân viên làng nhàng” để có thời gian chăm con, chăm cha mẹ.
Vấn đề cốt lõi: kế hoạch tài chính
Chiếu theo định nghĩa của nhà xã hội học người Mỹ Dorothy Miller, một trung niên sẽ không bị kẹp 2 phía nếu giải phóng được 1 phía: không phải nuôi cha mẹ hoặc không nuôi con hay cả 2.
Việt Nam là quốc gia đang chịu nhiều tác động của việc già hóa dân số. Số người già Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp hiện là 65%.
Tổng điều tra dân số năm 2019 cho biết tỉ lệ dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) ở Việt Nam chiếm khoảng 45%. Trong khi đó, dân số trong độ tuổi thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) ở Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Dự báo, 20 năm nữa, cứ 4 người trong tuổi lao động phải “gánh” 3 người khác.
Tại Việt Nam, số người không chịu áp lực “bánh mì kẹp” rơi vào nhóm cha mẹ giàu có hoặc chính họ đạt tới ngưỡng tự do tài chính. Có tiền mới có thể nghĩ tới các dịch vụ giúp giải phóng mình như đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, thuê người giúp việc/người chăm sóc người già, thuê bảo mẫu chăm con, thuê người đưa đón con…
Ở các nước có chế độ an sinh tốt, người lao động không quá chật vật với các nhu cầu sống cơ bản, thiết yếu. Nếu có sinh con trễ, sự khó khăn chủ yếu tới từ vấn đề sức khỏe, tâm lý. Vậy nhưng ở các nước nghèo, lại chịu hệ quả từ những năm dài tuân thủ việc sinh đẻ có kế hoạch, gánh nặng nuôi cha mẹ già sẽ dồn hết lên vai đứa con một.
Ai cũng là con và nếu sinh con, ai cũng sẽ thành cha mẹ. Hiệu ứng domino của áp lực thế hệ “bánh mì kẹp” hôm nay sẽ khiến nhiều người không dám sinh con vì sợ con khổ hoặc sinh ít con để giảm tải việc nuôi nấng, chăm sóc. Tuy không rầm rộ nhưng cũng lác đác xuất hiện xu hướng không sinh con ở những người trẻ vì họ lo không thể cho con đời sống, điều kiện giáo dục, y tế, tinh thần… tốt. Điều này gỡ khó cho họ ở hiện tại nhưng 20-30 năm nữa sẽ tạo thành một thế hệ người già.
Ở góc độ phụ huynh, nếu không muốn sau này “làm phiền” con cái, bạn buộc phải lao động tích lũy đủ cho tuổi già. Đây là một cách thương con cụ thể nhất.
Ở góc độ con cái, không nên nhìn sang nhà hàng xóm để ước ao. Hãy xoay xở để chăm sóc cha mẹ trong điều kiện có thể. Đừng vội nghĩ tới việc sống chậm, sống cho mình, sống hưởng thụ mà hãy có kế hoạch tích lũy, đầu tư khôn ngoan để mỗi năm có được khoản tiền tiết kiệm.
“Trẻ không có tích lũy - già nghèo khó, làm khổ con cái” là vòng lẩn quẩn khó gỡ nếu không có kế hoạch tài chính, hoạch định cuộc đời.