Áp dụng một thời gian, nếu bất hợp lý sẽ đề xuất bỏ phạt đèn vàng

08/08/2016 - 19:40

PNO - Theo thiếu tướng Trần Thế Quân từ trước tới nay vẫn xử phạt đèn vàng, từ ngày 1/8 có nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ.

Liên quan đến quy định về việc xử phạt vượt đèn vàng đang gây tranh cãi, trao đổi với báo Tiền Phong, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, Nghị định 46/2016 do bên Bộ GTVT soạn thảo chứ không phải bên công an.

Theo thiếu tướng Trần Thế Quân từ trước tới nay vẫn xử phạt đèn vàng, từ ngày 1/8 có nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ. Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực ngã tư thì được đi tiếp. Có người cho rằng, cứ đèn vàng phải dừng là hiểu chưa đúng.

Ap dung mot thoi gian, neu bat hop ly se de xuat bo phat den vang
Xử phạt khi vượt đèn vàng gây tranh cãi. Ảnh: Tri Thức Trẻ

Theo thiếu tướng Quân, quy định về xử phạt vượt đèn vàng cứ áp dụng một thời gian xem thế nào, nếu bất hợp lý sẽ đề xuất bỏ.

'Một số ý kiến cho rằng, bỏ đèn vàng, như vậy từ đèn xanh chuyển sang đèn đỏ dễ húc vào đít nhau', thiếu tướng Quân nói.

Trước đó Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã nhận được phản ánh của bà Đặng Thu Phương (Hà Nội) về một số bất cập trong quy định xử phạt khi vượt tín hiệu đèn vàng theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8.

Theo ý kiến của bà Đặng Thu Phương, quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về việc người điều khiển phương tiện vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền ngang bằng hành vi vượt đèn đỏ là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

Hành vi vượt tín hiệu đèn vàng khi đang tiếp tục di chuyển khác về tính chất, mức độ khác với việc vượt đèn đỏ. Người tham gia giao thông vượt đèn tín hiệu vàng có thể do vô ý, nhưng ngược lại, hành vi vượt đèn đỏ thường là lỗi cố ý. Đồng thời, tín hiệu đèn vàng thường xuất hiện nhanh nên khó xác định được thời điểm đã qua trước vạch dừng hay chưa. Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ như vậy là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng.

Xử phạt nặng lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ còn gây khó khăn cho người thực thi vì khó xác định được bằng mắt thường nếu người điều khiển phương tiện vượt qua vạch khi có tín hiệu đèn vàng, dễ gây tranh cãi giữa người thực thi công vụ và người tham gia giao thông.

Từ các căn cứ trên, bà Phương đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quy định này để bảo đảm sự đồng thuận của người dân khi thực thi.

Hải Dương (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI