Áo vỏ cây, báu vật cổ truyền của người Hà Lăng

17/05/2014 - 22:55

PNO - PNO - Xem những bộ y phục bằng vỏ cây là báu vật cổ truyền, biểu tượng linh thiêng, người Hà Lăng ở làng Đăk Ôn (thuộc xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) ra sức giữ gìn và bảo vệ như chính tài sản riêng của mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nâng áo như nâng trứng mỏng

Nghe tin làng Đăk Ôn còn gìn giữ quần áo bằng vỏ cây chúng tôi quyết tâm vượt hơn trăm cây số đến tận nơi để mục sở thị những bộ y phục những tưởng chỉ có trong truyện cổ tích. Tìm đến nhà thôn trưởng A Mâm (nơi cất giữ những bộ y phục quý giá), thấy có người lạ vào nhà, ông Mâm dò hỏi: “Cô chú đi mua Kong Kơ Pong hả? Cô chú về đi, làng mình không bán đâu”.

Ao vo cay, bau vat co truyen cua nguoi Ha Lang

Đến các ngày lễ lớn người dân làng Đăk Ôn mới được mặc Kong Kơ Pong

Theo lời ông Mâm, cách đây vài ngày có một đoàn người từ TP.HCM đến gạ gẫm hỏi mua áo với giá cao nhưng ông nhất quyết không bán. Ông rành rọt: “Đây là báu vật cổ truyền của dân tộc mình, giá nào mình cũng không bán đâu, bán là có tội với Giàng, phải chịu tội với dân làng đấy”.

Những bộ y phục bằng vỏ cây này được người dân nơi đây gọi là áo Kong Kơ Pong. Được biết, cách đây khoảng 10 năm, áo Kong Kơ Pong còn khá nhiều nhưng do dân làng không biết, thấy ít sử dụng nên đem bỏ. Thời gian gần đây, biết đây là đồ cổ truyền đang bị mai một nên dân làng đã tự nguyện đem y phục vỏ cây đến cho trưởng thôn giữ gìn và bảo quản. Đến nay, làng Đăk Ôn còn lưu giữ được 9 áo vỏ cây nguyên vẹn.

Những chiếc áo Kong Kơ Pong màu vàng rươm được ông Mâm xếp gọn gàng, ngăn nắp trong một chiếc hộp lớn rồi cất kĩ trong tủ gỗ có ổ khóa chắc chắn. Biết chúng tôi chỉ có ý định tìm hiểu ông mới miễn cưỡng nâng niu từng chiếc áo, bày ra để chúng tôi xem. Ông cho biết, đồ này chắc, bền và ấm nhưng lại rất dễ cháy, hơn nữa nếu để ngấm nước lâu sẽ bị mục. Sau lễ cồng chiêng chào mừng ngày thành lập Tỉnh vừa rồi, ông Mâm và dân làng giặt áo sạch sẽ, phơi hơn 3 nắng cho khô giòn rồi mới đem vào tủ cất. “Dân làng mình rất quý áo Kong Kơ Pong, nó là niềm tự hào của dân tộc mình đấy. Được dân làng tin tưởng, giao cho việc giữ gìn nên mình luôn cẩn thận, nâng niu mấy cái áo này như trứng mỏng vậy, nó mà hư hay mất là mình bị phạt đấy”.

Nhờ được bảo vệ và “chăm sóc” kĩ lưỡng nên những chiếc áo vỏ cây vẫn rất mới dù đã trải qua hơn thế kỉ.

Có nguy cơ mai một

Theo những người già trong làng Đăk Ôn, ngày xưa để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây, các thiếu nữ trong làng phải vào tận những cánh rừng già nguyên sinh để tìm cây L’oongKaPoong (một loại cây giống cây mít rừng) có bán kính tầm 20x25cm. Tìm được cây rồi họ đem về, đập dập lớp vỏ bên ngoài, lột lấy lớp vỏ phía trong rồi đem phơi khô. Tiếp tục lấy những lớp vỏ khô cho vào nước sôi, nấu lên, đập lại một lần nữa mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.

Tìm cây L’oongKaPoong để làm “vải” đã khó, tìm cây PaSănLaPần để làm chỉ khâu lại càng khó hơn vì loại cây này ít, lại mọc rải rác trong những cánh rừng già. Lấy cây về phải cặm cụi chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp, nướng càng lâu thì sợi chỉ càng bền. Được biết phải dùng đến 5 cây L’oongKaPoong và 1cây PaSănLaPần mới làm được một bộ đồ có chiều dài từ 1,2-1,5 mét. Thông thường áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn còn mặt ngoài sần sùi hơn.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông A Đàng (70 tuổi) lo lắng: “Ngày xưa mẹ mình hay làm áo vỏ cây nên mình hiểu rất rõ các công đoạn nhưng khi làm thử lại không được, khó lắm. Ở cái làng này bây giờ không có ai biết làm đâu, nếu 9 cái áo này mà mất là coi như hết thôi”.

Vì không còn ai làm được áo vỏ cây, hơn nữa sợ 9 chiếc áo bị hư hỏng nên phải đến những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ hội đâm trâu, các thành viên trong đội cồng chiêng của làng mới được vinh dự khoác những chiếc áo quý giá của dân tộc. Chỉ cho chúng tôi những tấm hình đội cồng chiêng mặc Kong Kơ Pong đi thi, ông A Sen, trưởng ban Mặt trận làng Đăk Ôn phấn khởi: “Nhờ những bộ đồ này mà chúng tôi được đi thi cồng chiêng ở huyện, có lần còn được đi xuống Đăk Tô để tham dự, mà từ lúc mặc những bộ đồ này lần nào làng mình cũng “rinh” giải về hết. Mới đây đồn Biên Phòng 673 có mượn bộ áo để đi hội thảo dưới Gia Lai. Vậy là áo Kong Kơ Pong được nhiều người ngoài Tỉnh biết đến rồi. Chúng mình sẽ cố gắng gìn giữ để báu vật của dân tộc còn mãi và được nhiều người biết đến”.

HOÀI TIẾN 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI