Một buổi sáng tháng Mười hai Nam Cali se lạnh, tôi cùng người bạn rủ nhau ra quán Starbucks gần công ty mua cà phê. Quán cà phê đông chật người và râm ran tiếng cười nói dù mới chỉ hơn 7g. Bạn nói: “Ở đây, bây giờ muốn tìm không khí tưng bừng nhộn nhịp của Sài Gòn chỉ có cách ra Starbucks”.
Tôi chợt nhớ lời một cô gái Mỹ khi nói về Sài Gòn: “Tôi thích cuộc sống ở đây, nơi mà mọi thứ cứ ào tới, ập vào mình, nơi mình không vươn tay ra cũng có thể chạm vào cuộc sống. Nó không khép kín và khoảng cách như đời sống Mỹ”.
Khi đó tôi mới 23 tuổi và thật sự không hiểu được ý của cô gái Mỹ muốn nói gì. Không hiểu thế nào là “ào tới, ập vào, chạm đến”. Không hiểu thế nào là “khép kín” và “khoảng cách”.
Thực sự, với một người phần lớn trải qua tuổi trẻ sôi nổi bồng bột của mình ở Sài Gòn và chưa hề có một kinh nghiệm sống nào về một nơi chốn khác biệt hẳn Sài Gòn, thì mọi lời lẽ và giải thích cũng chỉ là lớp vỏ vô hồn.
Tôi có thể nghe, gật gù, mỉm cười, nhưng không hình dung được gì cả.
Rồi thời gian thấm thoắt trôi. Bảy năm ở Mỹ trôi qua như giấc mộng. Bây giờ nhắm mắt lại tôi cũng có thể mường tượng ra “khoảng cách” nơi một xã hội mà mọi thứ đã được sắp xếp theo thứ tự, lớp lang, trong một trật tự bình ổn.
Một xã hội nơi mà dù đứng nói chuyện với một người thân thiết, ta cũng phải tôn trọng “không gian cá nhân” của mỗi người, sao cho người kia không nghe thấy hơi thở hay mùi nước hoa của mình quá mạnh. Một xã hội nơi mà những riêng tư của đời sống cá nhân được tôn trọng, giữ kín và con người đối xử với nhau tuy thân thiện, lịch sự nhưng luôn giữ khoảng cách cho nhau.
Nếu thế, thì nhớ về Sài Gòn là nhớ về những con người tự nhiên, chân thật, cởi mở và phóng khoáng.
Sinh ra và lớn lên ở Huế, một thành phố nhỏ tĩnh lặng với lối sống thiên về nội tâm, khép kín, tuổi 18 và Sài Gòn ập đến với tôi như một cuộc phiêu lưu kỳ thú đầy háo hức khám phá của tuổi trẻ.
Sài Gòn, với những khách sạn lớn xây hiên ngang kiêu hãnh ngay trên mặt tiền đường, những quán cà phê nhạc rock mở cửa từ 10g tới nửa đêm về sáng với những bản nhạc hot nhất thế giới, những hộp đêm với những tên gọi kỳ ảo thay phiên nhau mở đóng như những buổi tiệc tùng miên man và phù phiếm...
Sài Gòn, với những gánh bún bò Huế, bánh canh, hủ tíu... chỉ dọn lên vào một giờ nhất định trong ngày rồi tan biến như một giấc mơ.
Buổi sáng đầu tiên tới Sài Gòn, tôi được dẫn tới đường Pasteur ăn phở Hòa. Ấn tượng về Sài Gòn trong tôi khi đó cũng như bao người khác, là Sài Gòn cái gì cũng to một cách bất thường - từ cọng ngò gai, húng quế, lát thịt nạm bò dày cộm, cái bánh xèo to bằng cái mẹt, đến những ổ bánh mì nở bung phóng túng, những tô bún bánh “tàu bay, xe lửa”...
Có phải do thời tiết khí hậu thuận lợi, hạt thóc hạt mầm nào gieo vào đất cũng nhanh chóng nảy nở sinh sôi dễ dàng, nên tính cách người Sài Gòn cũng thoải mái, rộng rãi và hào hiệp như thế?
Sài Gòn với tôi là mối duyên không hề định trước. Ðến với Sài Gòn để làm sinh viên, thành phố không ngủ đó đã thỏa mãn những phút giây ngẫu hứng bốc đồng và đầy ý thích khám phá tò mò của tuổi trẻ. Nơi một cơn mưa chợt đến rồi chợt đi cũng có thể kéo đôi chân vọt ra đường lúc nửa đêm, mò tới một quán bar lập lòe ánh đèn cầy và bập bùng giai điệu flamenco vui tươi sôi nổi.
Tuổi trẻ thường ít ngủ, nên chúng tôi được chứng kiến những khuôn mặt khác nhau của Sài Gòn trong một ngày: buổi tinh mơ mờ sáng của những con người cần lao đang hối hả, tất bật chở hàng ra các chợ đầu mối; buổi trưa thanh lịch của dân văn phòng trong các quán cà phê biến thành nhà hàng để tăng thêm lợi nhuận; buổi chiều nhộn nhịp các gánh hàng rong bên vỉa hè, và đời sống về đêm hào nhoáng lung linh khi nhiệt độ trở nên mát dần như một đốm sáng rực rỡ tạo nên một phần tính cách của Sài Gòn. Ở đó, con người đến gần nhau hơn có khi chỉ bằng một câu chào, một tiếng cười...
Thời sinh viên thường thiếu thốn tiền bạc, nhưng nhìn lại những năm tháng ở Sài Gòn, lang bạt từ quận số sang quận chữ, ít khi tôi thấy buồn. Có lẽ sự vô lo và hăng hái kiếm tìm, trải nghiệm của tuổi trẻ, đã khiến tôi hào hứng tận hưởng từng ngõ ngách Sài Gòn, không phân biệt dù đó là khu trung tâm hoa lệ hay những vùng ven ngoại ô thanh bình làn khói thơm mùi rơm rạ.
Chạm mặt và tan loãng trong Sài Gòn những năm tháng của tuổi 20, thành phố đó đã thay đổi nhiều tính cách của tôi, từ một cô gái rụt rè, nhút nhát thành một con người tự tin, cởi mở, tự do trong suy nghĩ hay cách bày tỏ cá nhân mình, vui vẻ hòa đồng và hầu như không mang giữ bất kỳ định kiến nào.
Sài Gòn sẵn sàng đón nhận và chấp nhận sự khác biệt.
Dù bây giờ không còn là cư dân của Sài Gòn, tôi vẫn biết thành phố đó đã ghi dấu ấn trong tôi. Sài Gòn đã xóa tan những tò mò về đời sống ban đêm của một đô thị lớn.
Nơi đây, Cali “nắng ấm tình nồng”, cái nắng óng vàng ngọt ngào như mật rót quanh năm dễ làm người ta lầm tưởng đời sống về đêm ở đây cũng sẽ nhộn nhịp và hừng hực sức sống như Sài Gòn. Thực tế, ban đêm ở đây rất lạnh nên những cuộc vui không thể dài hơi và dễ chịu như ở Sài Gòn.
Và dù đi bất cứ nơi đâu, tôi biết là Sài Gòn sẽ luôn rộng mở đón tôi trở về để sống lại những tháng năm tuổi trẻ vô tư, bạt mạng và phóng khoáng. Tôi có thể già đi, còn Sài Gòn thì sẽ luôn trẻ mãi. Vì đó là tính cách của Sài Gòn.
Âu Lan