Sôi động đời sống ảo thuật
TP.HCM hiện không còn nhiều sân khấu dành cho ca nhạc tạp kỹ, nhưng ảo thuật vẫn hiện diện khắp nơi - từ những bữa tiệc sinh nhật, cưới hỏi đến sân khấu các công viên văn hóa hay những sự kiện của các trung tâm thương mại, doanh nghiệp.
|
Mới 17 tuổi, Vũ Lộc Tiến đã có 5 năm theo đuổi đam mê ảo thuật
|
Chưa có thống kê về số ảo thuật gia ở TP.HCM, nhưng theo nghệ sĩ Kao Long - Chi hội trưởng chi hội Xiếc Ảo thuật TP.HCM - có thể bắt gặp các ảo thuật gia trong đội ngũ sinh viên ở nhiều trường đại học và không hiếm sinh viên hiện đang kiếm thêm thu nhập từ biểu diễn ảo thuật.
Tùy theo tính chất của sự kiện, chương trình ảo thuật được xây dựng đa dạng: đơn giản với hoa, khăn, chim bồ câu hay những màn biểu diễn đòi hỏi kỹ năng cao với sự kết hợp của âm nhạc, ánh sáng, những màn biểu diễn cắt người, người bay, đâm kiếm… đều có.
Những năm gần đây, nhiều lớp dạy ảo thuật đã được mở ở các trung tâm văn hóa. Với học phí trung bình 500.000 đến 700.000/khóa, học viên có thể nắm nguyên tắc cơ bản của ảo thuật và diễn những trò đơn giản với khăn, giấy, dây, đồng xu, bong bóng - đủ để trổ tài trong những buổi họp mặt, tiệc tùng. Thậm chí, chỉ cần mua dụng cụ ảo thuật (giá có khi chỉ vài chục ngàn đồng), khách hàng sẽ được người bán hướng dẫn biểu diễn kèm cam kết “không thực hiện được không lấy tiền”.
Tiết mục ảo thuật Nuốt kim xâu chỉ của thí sinh Kỳ tài lộ diện:
Tuy nhiên, rất hiếm học viên từ các khóa đào tạo này tiếp tục đeo đuổi nghề. Đa phần những người trẻ đang theo đuổi ảo thuật chuyên nghiệp đều bắt đầu “mê” ảo thuật từ khi còn nhỏ, tò mò muốn khám phá rồi lần mò tự học. Họ học từ các DVD hướng dẫn, qua clip của các ảo thuật gia quốc tế. Nhiều tên tuổi ảo thuật gia thành tài qua con đường tự học như Hoàng Nghiêm, Vương Lập Hòa, Nguyễn Phương, Ricky Nguyễn…
Con đường không dễ dàng
Tự học ảo thuật không khó, nhưng để theo đuổi đến cùng đam mê lại không dễ. Làm theo hướng dẫn từ băng đĩa, internet chỉ là học mót, ít sáng tạo. Để thành công, các ảo thuật gia phải biết chọn lọc khoảng 50% - 70% kỹ thuật từ clip hướng dẫn, từ đó “pha trộn” với vốn liếng, kinh nghiệm của bản thân để sáng tạo ra tiết mục của riêng mình.
Trung bình, để có thể ra mắt một tiết mục không quá phức tạp, một ảo thuật gia chuyên nghiệp phải luyện tập ít nhất hai tuần. Hầu hết các ảo thuật gia đều cho rằng, để trở thành nhà chuyên nghiệp, phần luyện tập chiếm 80%, năng khiếu chỉ 20%.
Nhưng dù đã biểu diễn nhuần nhuyễn, dù được khán giả khen ngợi, các ảo thuật gia tay ngang vẫn âu lo. Vương Lập Hòa - một trong những ảo thuật gia tự học và trở thành thành viên Hiệp hội ảo thuật quốc tế IMS khi mới hơn 20 tuổi - chia sẻ: “Vì tự học nên ngay cả khi đã biểu diễn thành thạo, được khen, tôi vẫn chưa xác định liệu kỹ thuật mình thực hiện có chính xác”.
Một tiết mục ảo thuật rót nước ngược vào bình:
Các tiết mục ảo thuật ngày nay thường dàn dựng theo hướng kết hợp thành một câu chuyện có nội dung. Thần thái và khả năng diễn xuất của ảo thuật gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vũ Lộc Tiến - ảo thuật gia tuổi 17 với “thâm niên” 5 năm theo đuổi ảo thuật - cho biết: “Thần thái, phong cách biểu diễn khó hơn kỹ thuật nhiều. Động tác kỹ thuật có khi chỉ cần một tuần tập, nhưng thần thái, tác phong thì phải tập hàng tháng mà nhiều khi lên sân khấu vẫn cứ mắc lỗi”.
Loay hoay tự học, các ảo thuật gia chỉ mới dừng ở những màn khéo tay chứ chưa dám chạm đến lĩnh vực ảo thuật đồ lớn, với những màn biểu diễn có thể làm người xem kinh ngạc như di chuyển đầu người, người bay, cắt người làm ba… Ngoài yếu tố về kinh phí mua đạo cụ, luyện tập, biểu diễn với ê-kíp… lý do khiến nhiều ảo thuật gia ngần ngại là nguy cơ gặp tai nạn. Làm sao để không gây thương tích cho bạn diễn là câu hỏi không được các clip hướng dẫn.
Một nền ảo thuật phát triển không thể thiếu ảo thuật đồ lớn, nhưng với điều kiện hiện tại, các ảo thuật gia đành bất lực. “Chúng ta không thiếu người tài, không thiếu đam mê, nhưng ảo thuật lại chỉ đang phát triển theo hướng tự phát và gần như chưa có sự quan tâm nào về mặt quản lý. Đó là thiệt thòi lớn cho những người trẻ đam mê ảo thuật và cả của ảo thuật Việt Nam” - nghệ sĩ Kao Long - Chi hội trưởng Chi hội Xiếc - Ảo thuật (Hội Sân khấu TP.HCM) băn khoăn.
“Đa phần các ảo thuật gia trẻ hiện nay chỉ mới biết “photocopy” những tiết mục nổi tiếng mà chưa tạo được dấu ấn riêng. Số lượng các ảo thuật gia trẻ thì nhiều nhưng các tiết mục cứ giống nhau và lập đi lập lại, thiếu sự trau chuốt, thiếu tác phong chuyên nghiệp và cả thần thái cần có của một ảo thuật gia”.
Ảo thuật gia K Tay
(Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ảo thuật ATG)
|
Thảo Vân