|
Vợ chồng ảo thuật gia Thanh Tâm biểu diễn tại vùng quê Cái Hố, tỉnh An Giang |
Gần 23g, khán giả vẫn còn nán lại hội chợ lô tô ở vùng quê Cái Hố (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) để chờ xem ảo thuật. Trên sân khấu, đôi ảo thuật gia (ATG) vẫn say mê biểu diễn.
Tiếng máy cưa xè xè, cắt ngọt cành cây khiến ai nấy đều hồi hộp khi họ biểu diễn tiết mục “cưa người”. Từng nhát cưa cắt rời chiếc tủ chứa người trong sự nín thở của khán giả. Vậy mà, chỉ sau vài câu thần chú, chiếc tủ được ghép lại và cô gái bật dậy nguyên vẹn. ATG nắm tay cô gái chào khán giả trong nụ cười rạng rỡ. Đó là vợ chồng ATG Thanh Tâm - hội viên Hội Ảo thuật quốc tế I.B.M. Gần 30 năm qua, anh chị đã trao nhau niềm đam mê nghề nghiệp và truyền lửa, lan tỏa hạnh phúc đến mọi người.
Đèn sân khấu tắt. ATG Thanh Tâm (sinh năm 1970) và vợ - chị Hồng Trang (sinh năm 1975) - tất bật bưng bê đạo cụ ra xe. Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM và vợ chồng ATG nổi tiếng khắp miền Tây này diễn ra khi đồng hồ đã sang ngày mới.
Người ta làm được, mình làm được
Phóng viên: Là ATG nổi tiếng, từng đoạt Huy chương Vàng Liên hoan ảo thuật trẻ TPHCM năm 2016, Top 4 cuộc thi Kỳ tài lộ diện năm 2018, Cúp Vàng do Liên minh Ảo thuật Việt Nam trao tặng… nhưng lại biểu diễn ở một sân khấu đồng quê vắng người như thế này, cảm xúc của anh chị ra sao?
ATG Thanh Tâm: (cười) Mơ ước của tôi là được biểu diễn trên sân khấu. Vì vậy, chỉ cần có khán giả xem là chúng tôi biểu diễn, cống hiến hết mình; chứ vợ chồng tôi không chê sân khấu lớn hay nhỏ, thành phố hay nông thôn, khán giả nhiều hay ít… Chỉ cần có 1 khán giả xem, tôi cũng biểu diễn. Được đứng trên sân khấu là may mắn của người làm nghề. Dĩ nhiên, nếu khán giả đông thì mình sẽ vui hơn.
* Được biết, gia đình anh chị có truyền thống làm thợ bạc. Cơ duyên nào đưa anh chị đến với bộ môn ảo thuật?
Chị Hồng Trang: Tôi bị chồng “dụ” theo nghề. Ngày xưa, mỗi chiều là tôi cầu trời mưa để anh Tâm không đi diễn được. Vì thấy chồng quá vất vả, đi về đêm khuya nguy hiểm, ngày phải luyện tập, nhưng thù lao không bao nhiêu. Nhưng không gì ngăn được đam mê của anh. Thêm nữa, chồng nhiều lần bị bạn diễn “lật kèo” không tới, khiến anh không diễn được nên tôi học nghề chỉ vì thương chồng và muốn hỗ trợ chồng. Vậy mà giờ đây, không được đi diễn là tôi thấy trong người khó chịu, bứt rứt lắm.
ATG Thanh Tâm: Hè năm lớp Chín, tôi từ An Giang lên Sài Gòn thăm chị gái và được chị dẫn đi chơi Thảo cầm viên. Tại đây, tôi được xem tiết mục ảo thuật chặt đầu, cưa người. Vừa xem mà tôi vừa niệm Phật vì hồi hộp và quá hấp dẫn. Khi thấy cô gái từ trong tủ lành lặn bước ra, tôi nghĩ: “Phải học ảo thuật. Người ta làm được thì mình làm được”. Từ đó, tôi vừa học văn hóa, vừa học ảo thuật với thầy Tony Quang, thầy Bảo Thu… và cả tự học. Sau đó, tôi biểu diễn trong trường học, xin diễn đám cưới, sân khấu lô tô (miễn phí). Tôi đi xe máy, chở thùng đồ nghề mà khán giả tưởng tôi bán kẹo kéo. Nhiều lần, tôi đợi ca sĩ diễn xong, đến lượt mình thì đêm đã khuya; vừa lên sân khấu, khán giả bỏ về hết nên tôi khóc luôn. Thế nên với tôi, được diễn, dù ở sân khấu nào cũng đều hạnh phúc.
* Trong cuộc thi Kỳ tài lộ diện, anh đã trình diễn màn thôi miên làm cô gái bay, xiên 3 cây kiếm qua người cô gái… thật hoành tráng khi kết hợp âm nhạc, ánh sáng, vũ đạo trên sân khấu lớn khiến giám khảo khen ngợi hết lời và nhận đến 98% bình chọn của khán giả. Làm thế nào một người tay ngang như anh có thể trở thành “phù thủy” của làng ảo thuật Việt?
ATG Thanh Tâm: Vì đam mê và tôi muốn vượt qua giới hạn bản thân, cũng như muốn góp phần nâng tầm ảo thuật Việt. Nhiều người thắc mắc sao ảo thuật Việt Nam chỉ có hóa bồ câu, lật bài. Thật ra, ATG Việt Nam làm được rất nhiều trò lớn. Nhưng 1 sô diễn, thù lao của chúng tôi chỉ khoảng 1 triệu đồng, không đủ chi phí thuê xe tải chở đồ nghề đi diễn. Vì vậy, khi có sân chơi, có cơ hội thì chúng tôi thể hiện hết mình nên mọi người thấy lạ, chứ trình độ của ảo thuật Việt Nam hiện nay cũng làm được nhiều tiết mục mang tầm quốc tế.
* Cũng vì đam mê mà anh “chơi lớn”, thuyết phục vợ vay tiền mua luôn xe tải để thỏa sức làm nghề?
ATG Thanh Tâm: Đúng vậy. Hơn 10 năm trước, tôi thuyết phục bà xã vay tiền mua chiếc xe tải. Lúc đầu vợ tôi không đồng ý, bởi số tiền quá lớn (gần 10 cây vàng). Tôi nói với vợ: “Nếu không thành công, anh sẽ chạy xe tải thuê”. Thấy tôi quyết tâm nên vợ đồng ý. May mắn, sau khi có xe nhà chở đồ nghề, tôi biểu diễn những màn ảo thuật lớn, hoành tráng, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tôi nhận nhiều sô hơn, trả hết nợ, sống ổn với nghề.
* Cảm xúc của anh chị khi đứng trên sân khấu với người bạn đời bên cạnh?
ATG Thanh Tâm: Rất vui, rất an tâm và tiện lợi (cười). Tôi làm việc luôn giữ chữ tín nên khi vì lý do nào đó bạn diễn không tới hay tới trễ làm mình bể sô, tôi luôn lo. Từ khi có bà xã diễn cùng thì an tâm hẳn. Bà xã đặt để từng món đồ đúng vị trí và vợ chồng phối hợp rất tự nhiên, ăn ý. Không chỉ trên sân khấu mà sau sân khấu vợ chồng tôi cũng vậy. Trước đây tôi đi diễn một mình, về khuya, buồn ngủ, nên sợ xảy ra tai nạn. Tôi thường phải dừng xe dọc đường chợp mắt một chút. Từ khi có vợ đồng hành, bà xã đã học lái xe, làm tài xế cho chồng. Chúng tôi đổi tài qua lại. Vì vậy, việc đi diễn thuận lợi hơn. Trung bình 1 tháng, chúng tôi diễn 25-26 sô.
|
Vợ chồng ảo thuật gia Thanh Tâm và 2 con |
"Bí quyết" hạnh phúc
* Chị vốn là fan của chồng - cả khi anh chưa có thành tựu nổi bật. Điều gì ở nhà ảo thuật đã thu hút chị? Và điều gì ở nữ khán giả này khiến anh nhận ra đó là “mẹ của các con mình”?
Chị Hồng Trang: Ngày xưa, anh Tâm hay diễn ở Cao Lãnh, gần nhà tôi. Tôi thấy anh dễ thương, biểu diễn quá hay nên làm quen. Quan hệ ban đầu cũng chỉ là người hâm mộ và thần tượng; nhưng khi tiếp xúc nhiều, tôi thấy anh rất hiền, điềm đạm, khiêm nhường và rất nghị lực nên anh chưa “cưa” thì tôi đã “đổ” rồi.
ATG Thanh Tâm: Khi mình chưa có gì mà có khán giả hâm mộ, làm quen nên ấn tượng liền. Trò chuyện qua lại, tôi thấy cô ấy rất hiền, hiểu chuyện, đúng mẫu là… mẹ của con mình nên tôi “cưa” luôn. Sau 1 năm yêu nhau, năm 1995 chúng tôi cưới khi tôi 25 tuổi, còn vợ 20. Vợ chồng tôi có 2 con: MC Vĩnh Bảo Trân và con trai Vĩnh Bảo Linh đang học lớp Mười hai.
* Nhắc đến anh chị, người quen, bạn bè đều xem 2 người là kiểu mẫu gia đình hạnh phúc. Bí quyết nào để anh chị giữ lửa hạnh phúc?
ATG Thanh Tâm: Thực sự chúng tôi không có bí quyết mà sống tự nhiên khi luôn nghĩ cho nhau và hiểu nhau. Khi tôi chưa có thành tựu gì, muốn làm những trò ảo thuật lớn, phải đầu tư, làm đạo cụ nhiều tiền; dù gia đình khó khăn, vợ luôn ủng hộ, cho tôi thỏa sức sáng tạo và đam mê. Chính cuộc sống gia đình bình yên, vui vẻ giúp tôi thăng hoa trên sân khấu. Còn tôi hiểu được tấm lòng của bà xã nên không bao giờ làm điều gì có lỗi, kể cả trong suy nghĩ thoáng qua. Thật ra, cũng có lúc tôi lớn tiếng với vợ vì để đồ diễn không đúng vị trí. Nhưng chỉ nói 1-2 câu “sao em để đồ không đúng?” thì dừng, vì vợ cứ cười hoặc nhỏ nhẹ “thì để em sửa lại” nên vợ chồng không gây nhau được.
Chị Hồng Trang: Vợ chồng tôi có gì không hài lòng là nói ra chứ không giữ trong lòng. Khi chồng nổi nóng, tôi không bao giờ nói lại; tôi cười hoặc bỏ đi chỗ khác, vì tôi hiểu tính chồng cầu toàn, chỉ khó tính trong nghề nghiệp. Chúng tôi cũng luôn hài lòng với điều mình đang có. 29 năm qua, vợ chồng tôi sống bằng sự thấu hiểu và nghĩ cho nhau. Cứ vậy mà cuộc sống trôi qua rất nhẹ nhàng, kể cả khi nghèo hay khi ổn định.
* Xin cảm ơn anh chị.
Được đồng hành cùng chồng, ở đâu tôi cũng thấy vui và cảm giác đó nhân lên khi lên sân khấu. Chồng đã truyền cho tôi niềm đam mê nghề và việc diễn cùng anh cho tôi cơ hội hiểu và thương, ngưỡng mộ chồng nhiều hơn. Chị Hồng Trang - vợ ảo thuật gia Thanh Tâm |
Thùy Dương