Áo rách khéo vá…

13/05/2024 - 14:13

PNO - Trong khi nhiều người than họ bội thực với trào lưu “chữa lành” và cho rằng xu hướng kịch tính hóa mọi chuyện đang tạo nên một thị trường thu lợi với giá cả vô chừng, không có tiêu chí để đánh giá hiệu quả dịch vụ, chính những người chi trả cho dịch vụ ấy lại không hề phàn nàn. Chữa lành có hiệu quả không, chỉ những người biết việc đó thực sự cần cho mình mới đánh giá được.

Ai cần được chữa lành?

Dĩ nhiên là những người bị tổn thương. Mức độ tổn thương ra sao thì người xung quanh rất khó đoán.

Những người mắc chứng trầm cảm, có bệnh lý tâm thần thực sự được coi là bệnh nhân và thực hiện phác đồ điều trị cùng bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý là đối tượng cần được chữa lành - điều đó ai cũng biết. Còn rất nhiều người chịu đựng những cú sốc lớn, đứng bên bờ vực mất cân bằng, như:

Một cô thực tập sinh bị sếp hoặc đồng nghiệp quấy rối.

Một thanh niên cùng lúc mất việc và phát hiện bị người yêu “cắm sừng”.

Một cô bé hay cậu bé tuổi teen hoang mang về giới tính.

Một nam sinh trung học hay bị chế giễu vì gương mặt quá nhiều mụn.

Một bà mẹ nhận ra con gái mình thường xuyên nói dối, chơi bời lêu lổng và đã “bay lắc” cùng đám bạn nhiều lần.

Một chủ doanh nghiệp trên bờ vực phá sản…

Thất vọng, bất an, lo lắng, sụp đổ… nói như ngôn ngữ của giới trẻ là họ “tự thấy mình rất nát” nhưng vẫn cố gắng cho người đối diện thấy mọi việc vẫn ổn. Sẽ rất đáng mừng nếu những người này biết cần tìm cách chữa lành cho chính mình. Bản năng muốn vượt qua, kiên cường đối diện và tìm cách tháo gỡ, xử lý tất cả thử thách ấy sẽ giúp họ tìm được lối thoát.

“Miễn là tồn tại, tất cả rồi sẽ ổn, theo cách của nó” - câu thần chú này chỉ có tác dụng với những người tin vào sự cố gắng và nỗ lực của chính mình, tin vào sự tử tế và công bằng của cuộc sống.

Cô thực tập sinh phải tìm được cách lên tiếng để bảo vệ mình.

Mất việc này thì tìm việc khác; hết duyên thì đường ai nấy đi, chia tay sớm khỏi đau khổ!

Cô bé hay cậu bé, miễn là tính tình dễ thương, lễ phép, tài năng… thì giới tính là gì đâu quá quan trọng.

Nếu đã hết lòng vì con, bà mẹ sẽ đến lúc hiểu rằng con gái sẽ phải học bằng những trải nghiệm của chính con chứ mẹ không thể học thay con.

Phá sản vẫn có thể làm lại nếu doanh nghiệp vẫn còn uy tín, chủ doanh nghiệp vẫn còn sức khỏe…

Người được chữa lành tìm được sự cân bằng, bình tĩnh, khoan hòa, vững vàng và tự tin.

Đáng ngại hơn là những người luôn sống với thành kiến cực đoan hung hăng, mất kiểm soát hành vi hoặc bi quan cùng cực với lo lắng, hoang mang, sợ hãi khiến cho những người xung quanh căng thẳng, bấn loạn, mất cân bằng theo nhưng lại không nhận ra mình là đối tượng cần được cân bằng, chữa lành.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi bạn tôi - một phụ nữ sắp lên chức bà nội - hỏi thăm, xin đường link về những bản nhạc, bộ phim để chữa lành, tham khảo những địa chỉ cung cấp dịch vụ cần cho người cha chồng 80 tuổi của cô, cả nhóm đã cười giễu cô “đu trend” nhưng tôi tin bạn mình đang chia sẻ rất thật. Cô kể rằng ông cụ suốt một đời gia trưởng, quyền thế, luôn “nói có người nghe, đe có người sợ”, bảo thủ và đầy thành kiến.

Trải qua những năm tháng cạnh tranh khốc liệt ở thương trường, về hưu, ông chuyển hết sự đa nghi, hằn học sang con cháu. Ông bắt ne bắt nét từ con dâu, con rể đến con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại… khiến mọi người trong nhà đều ngột ngạt. Mọi chuyện ai làm cũng không vừa mắt ông; cất lời lên là ông chỉ trích, từ nhẹ nhàng mỉa mai sâu cay đến ầm ầm quát tháo. Các con hiếu thảo, lễ phép, lại thêm tâm lý chiều người già, biết ông chẳng còn sống được bao lâu nhưng các cháu thì không. Sự độc lập về cả tài chính lẫn quan điểm sống đã khiến lũ trẻ can đảm công khai sự phản đối của mình với ông nội. Đỉnh điểm, cả 3 đứa cháu nội - con của bạn tôi - cùng thông báo sẽ thuê nhà ở riêng vì muốn chủ động có cuộc sống tích cực và lạc quan, rằng gần ông nội sẽ khiến chúng căng thẳng và mất đi niềm vui khi trở về nhà.

Tại sao giới trẻ là nhân tố chính của trào lưu?

Chữa lành là thuật ngữ mô tả sự hàn gắn, phục hồi cho cảm xúc, tâm hồn cũng như thể chất của các cá nhân. Như vậy, thực chất những tổn thương chính là sự mất cân bằng mà người trẻ, ở độ tuổi chưa nhiều trải nghiệm, dễ lâm vào và cũng chật vật hơn khi thoát ra.

Nhóm trung niên khắt khe thường cho rằng giới trẻ hay làm quá những nỗi đau, kịch tính hóa tổn thương. “Thời xưa ba mẹ đâu có nhiều điều kiện như các con bây giờ” là câu thường được phụ huynh nói với con. Họ quên rằng cuộc sống, xã hội đã có quá nhiều sự thay đổi. Ngay cả sự phát triển của công nghệ mà thế hệ Z được cho là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất cũng khiến thế hệ này bị mất cân bằng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thế giới 1 chạm chỉ cần ngón tay cái lướt lên là được mở ra, thay đổi từng phút, quá nhiều, quá nhanh, quá nguy hiểm… chính là tác nhân mang lại nỗi lo lắng cho thế hệ Z vì những bấp bênh của kinh tế toàn cầu, nỗi hoang mang vì không nhận ra mình là ai, không biết thực sự mình có đam mê và khả năng gì nổi trội nhưng lại không muốn theo sự sắp đặt của ba mẹ, ông bà, muốn tự mình tìm lối đi riêng, muốn tìm biết chính mình… Hoàn cảnh ấy tạo nên đặc tính của thế hệ Z - dễ bị tổn thương, dễ lao theo trào lưu.

Và cũng dựa vào internet mà thị trường chữa lành phát triển. Đã có cầu thì sẽ có cung!

Chỉ là những cách mô tả khác

Nếu đủ tỉnh táo, ta sẽ nhận ra những phương thức và biện pháp cụ thể để chữa lành (từ vật lý trị liệu đến những niềm tin tâm linh) đều hướng đến sự chia sẻ và đồng cảm, điều mà ai cũng có thể tự làm cho mình.

“Người cần được chữa lành trả phí cho nhiều giờ tham vấn chuyên gia chữa lành, mua các gói tư vấn, tham gia các lớp học online và onsite nhưng đa phần không để lắng nghe mà để trải lòng, đó đã là thành công đáng kể vì họ trút được mọi sự bất an, bất mãn, khiếp sợ, chán nản. Với chúng tôi, họ chịu nói đã là đi được 70% quãng đường” - A.V. - lãnh đạo của một trong những nhóm “điều hành cảm xúc” có hàng trăm thành viên - cho biết.

Điều này thực chất có giống việc gọi điện thoại lên tổng đài 1080, gửi thư cho chị Hạnh Dung, anh Bồ Câu trước đây không? Có khác chăng chỉ là các lo lắng, bức xúc, căng thẳng, tổn thương giờ không chỉ còn gói gọn trong tình yêu, trong các mối quan hệ gia đình mà đã lan rộng hơn, phong phú hơn.

Một trong những cách chữa lành rất phổ biến khác là tìm và xây dựng niềm tin tâm linh. Trải bài tarot, tìm kiếm và tham gia các khóa thiền, tu tập, không bàn đến chuyện đúng sai, mù quáng hay không (vì đây cũng thuộc về quan điểm cá nhân), việc tìm một cái neo kìm sự bấp bênh là giải pháp có thể thực hiện nhanh nhất và hiệu quả.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Thực hành tâm linh, tin vào các năng lượng của vũ trụ, tìm kiếm những xác lập bên ngoài, trên cao về chính bản thân và đoán định con đường mình có thể đi cũng là một cách tự điều trị, tương tự như một liều giảm đau ngắn hạn để cắt cơn. Bạn thấy nó có giống với những điều hàng triệu người phương Đông đã làm từ nhiều thế kỷ trước?

Dù làm lành các vết thương trong tâm hồn hay thể xác thì nội dung chính vẫn là chủ động chăm sóc, yêu thương bản thân. Chỉ cần trồng một cái cây, thầm thì với nó những âu yếm mỗi ngày sẽ tạo ra sự hài hòa và cân bằng trong những ngày nắng nóng, khiến ta bình tĩnh lại. Có khó khăn gì đâu mà không thử trước khi lao đi tìm?

Mỗi lần nghe cụm từ chữa lành có thể nhớ đến câu “Áo rách khéo vá hơn lành vụng may” để nhắc mình. Suy cho cùng, lành hay nát chính chúng ta là người hiểu rõ và biết rằng nên vá víu hay vứt bỏ mà thôi!

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI