Mới đây, thí sinh Jie Ding (Trung Quốc) mặc bộ trang phục gần giống áo dài Việt Nam trình diễn phần thi Tài năng khiêu vũ dành cho thí sinh thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2020. Hiện chưa có thông tin chính thức về bộ trang phục này trên website của ban tổ chức.
Chưa rõ lý do vì sao Jie Ding lại chọn trang phục này, nhưng nhìn thí sinh Trung Quốc tự tin khoe dáng, biểu diễn trong thiết kế truyền thống, cơ bản nhất của áo dài Việt, tự hỏi, có bao nhiêu thí sinh Việt đã mang chiếc áo dài trắng tinh khôi này lên đấu trường nhan sắc quốc tế?
Câu trả lời là còn quá hiếm hoi.
Hầu hết trang phục áo dài được các người đẹp mang đi dự thi đều là những bộ áo dài được thiết kế cầu kỳ, cách điệu, biến tấu. Có lúc, trang phục được "sáng tạo" đến nỗi không thể nhận ra đó là áo dài Việt Nam.
|
Trang phục dân tộc của người đẹp Phan Thị Mơ tại cuộc thi Hoa hậu Đại sứ Du lịch Thế giới 2018 khiến người ta liên tưởng đến... sườn xám |
Từng có những thiết kế trang phục áo dài tại những cuộc thi nhan sắc khiến công chúng băn khoăn, thậm chí gây tranh cãi và bị dư luận phản ứng. Như trường hợp Hoa hậu Phan Thị Mơ từng trình diễn trang phục dân tộc tại cuộc thi Hoa hậu Đại sứ Du lịch Thế giới 2018. Bộ trang phục cầu kỳ muốn giới thiệu cả di tích Chùa Một cột, nhưng chiếc áo có phần thân trên khiến người ta liên tưởng đến áo sườn xám và phần thân dưới khá ngắn, đi kèm đôi bốt cao quá gối.
Hay bộ trang phục của á hậu Kiều Loan lấy cảm hứng từ Chùa Cầu và đêm Hội An huyền diệu ở cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế - Miss Grand International 2019 với thiết kế phần thân trên giống áo dài, nhưng phần thân dưới ngắn không kém bộ trang phục của Phan Thị Mơ trước đó.
Không chỉ vậy, trên phần đuôi chiếc áo dài của Kiều Loan còn được đính 2.000 bóng đèn LED (mô tả đêm Hội An lung linh kỳ ảo), phụ kiện đi kèm là chiếc mấn mô hình Chùa Cầu và đôi bốt cao đến gối. Hoa hậu Thúy Vy, ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2011 mang lên sân khấu bộ áo dài bị chê rối rắm, lòe loẹt với hàng ngàn chiếc lông công. Đình đám nhất phải kể đến trang phục "Bàn thờ" dành cho Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019...
Trong hành trang lên đường tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế, chiếc áo dài Việt Nam là trang phục không thể thiếu. Nhiều thí sinh Việt Nam cũng chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc. Các nhà thiết kế cũng luôn cố gắng sáng tạo những trang phục "đỉnh cao" cho áo dài Việt. Nhưng vì sao áo dài Việt Nam vẫn chưa đủ sức để lại ấn tượng cho bạn bè quốc tế?
Không phủ nhận thí sinh Việt Nam vẫn có những bộ trang phục tạo được ấn tượng, thậm chí đoạt giải cao, nhưng rất hiếm bộ trang phục trong số đó thể hiện được cái đẹp và dấu ấn đặc trưng của áo dài Việt Nam. Đáng tiếc hơn khi chiếc áo dài mang dấu ấn cung đình, áo dài mang vác trên thân áo hình ảnh non nước, bản sắc Việt... được sáng tạo quá đà khiến không còn giữ được bản chất vốn có của áo dài Việt: đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế và sang trọng, mang hồn dân tộc.
|
Có thấy được "tâm hồn quê hương" trong những thiết kế áo dài như thế này? |
Đành rằng, theo tiêu chí của các cuộc thi, trang phục dân tộc phải thể hiện sự độc đáo trong sáng tạo và sáng tạo là không giới hạn. Vì lẽ đó, các nhà thiết kế luôn có nhiều ý tưởng sáng tạo quốc phục để thí sinh Việt tham gia các cuộc thi hoa hậu thế giới, với đích nhắm là đoạt giải cao nhưng dường như đôi khi lại quên một trách nhiệm còn thiêng liêng hơn: trong các cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế, áo dài truyền thống có ý nghĩa lớn trong việc giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam và được xem là con đường ngắn nhất để đưa áo dài Việt, văn hóa Việt vươn ra thế giới.
Áo dài là biểu tượng văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc Việt Nam. Hiếm có trang phục nào trên thế giới giản dị, kín đáo nhưng vẫn toát lên sự gợi cảm, quyến rũ đến lạ kỳ như áo dài Việt. Cho dù được thiết kế cách tân, sáng tạo thêm bao nhiêu kiểu dáng thì hình ảnh chiếc áo dài truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị, là tâm hồn, văn hóa Việt.
|
Chiếc áo dài trắng tinh khôi trong đêm Bán kết Hoa hậu Việt Nam 2020 |
"....Đẹp xiết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa/Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó/Em ơi..." - hai nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng đã cùng viết nên những ca từ tuyệt vời dành cho vẻ đẹp của áo dài Việt. Nhưng trên các đấu trường nhan sắc quốc tế, làm sao để người Việt bốn phương thấy được "tâm hồn quê hương", bạn bè quốc tế được chiêm ngưỡng đúng vẻ đẹp tinh tế, nguyên bản nhất của chiếc áo dài Việt Nam dù đã được sáng tạo, biến tấu để giúp thí sinh nổi bật hơn? Điều này phụ thuộc không nhỏ vào tài năng và bản lĩnh của các nhà thiết kế.
Trong đêm Bán kết Hoa hậu Việt Nam 2020 mới đây, các thí sinh đã cùng trình diễn bộ sưu tập trang phục áo dài trắng (của NTK Phạm Sĩ Toàn-Huỳnh Bảo Toàn và áo dài La Sen Vũ). Sự thật không thể phủ nhận: áo dài truyền thống tinh khôi vẫn nổi bật nhất, đẹp nhất so với những thiết kế biến tấu, cách điệu khác trên cùng một sân khấu trình diễn.
Chúng ta có được quốc phục truyền thống với vẻ đẹp rất riêng, tựa vào di sản ấy để sáng tạo, nhưng đừng sáng tạo quá đà mà khiến áo dài Việt trở nên xa lạ, lạc lõng giá trị. Giới thiệu trang phục dân tộc ở các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng là cách nhanh nhất lan tỏa vẻ đẹp của áo dài Việt; là diễn ngôn văn hóa mạnh mẽ khẳng định giá trị của quốc phục và giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.
Lục Diệp