Áo dài Việt: Cơ hội định vị ở các cuộc thi nhan sắc quốc tế

16/10/2020 - 18:21

PNO - Áo dài đã đồng hành cùng không ít người đẹp Việt ra quốc tế nhưng có thể chưa để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Sáng tạo trong thiết kế áo dài: Một bài toán khó

Vài năm gần đây, thí sinh Việt Nam có xu hướng chọn những mẫu thiết kế mới lạ cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Một số thí sinh vẫn chọn áo dài, nhưng cách điệu. Năm ngoái, Á hậu Tường San được trao giải Trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu Quốc tế với chiếc áo dài cách điệu màu vàng rực rỡ mang tên Rồng chầu mặt trời

Thái Lan, Indonesia, Philippines đều có trang phục truyền thống đặc trưng nhưng trang phục đoạt giải tại các cuộc thi đều được cách điệu, sáng tạo mới mẻ. Điều ban tổ chức (BTC) các cuộc thi này tìm kiếm không hẳn là một loại trang phục bất kỳ, mà chính là sự sáng tạo để thấy được nét đa dạng văn hoá của mỗi quốc gia.

Bộ áo dài cách tân của Tường San tại Hoa hậu Quốc tế 2019
Bộ áo dài cách tân của Tường San tại Hoa hậu Quốc tế 2019

Các nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Trần Thiện Khánh đều đồng tình với xu hướng chung này. Nhưng với áo dài, cũng cần có những lưu ý nhất định trong quá trình sáng tạo. NTK Sĩ Hoàng nhấn mạnh “hoà nhập nhưng không hoà tan, vẫn phải giữ được tinh thần của áo dài”.

NTK Trần Thiện Khánh chia sẻ: “Hình dáng cơ bản của chiếc áo dài phải được giữ nguyên, gồm hai tà, mặc chung với quần. Trên nền gốc đó, chúng ta tiếp tục phát triển, có thể cách điệu một số chi tiết, thêm nhiều hoa văn, xử lý chi tiết thêu, đính kết, hoặc có thể làm tà rộng và dài hơn để tạo hiệu ứng sân khấu”.

NTK Minh Hạnh cho rằng áo dài không chỉ là một dạng cấu trúc, mà hơn hết là tinh thần mà loại trang phục này mang lại. “Người Việt Nam dù có cơ thể thế nào thì khi mặc áo dài vẫn tạo nên sự thướt tha, mềm mại, quyến rũ vô cùng. Tinh thần đó chúng ta phải giữ được, rồi tiếp tục phát triển thêm. Đừng biến áo dài thành váy mặc chung với quần, như thế là không được” - chị chia sẻ.

Tuy nhiên, NTK Minh Hạnh cũng nói rõ, việc đáp ứng tiêu chí sáng tạo của các sân chơi nhan sắc và tinh thần văn hoá Việt trong chiếc áo dài là một bài toán khó. Nhưng khi NTK đã chạm vào áo dài, cần thể hiện hết trách nhiệm của mình.

Định vị áo dài ở các sân chơi nhan sắc                     

Nhìn rộng ra có thể thấy Indonesia, Philippines, Thái Lan… ngoài phần thi trang phục dân tộc, họ cũng áp dụng trang phục truyền thống vào những kiểu dáng hiện đại để định vị hình ảnh.

Tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018, Catriona Gray diện bộ váy với phần tay phồng đặc trưng trong trang phục truyền thống của phụ nữ Philippines. Hay tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016, đại diện Thái Lan cũng từng gây ấn tượng với bộ váy dạ hội cách tân từ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái.

Bộ váy có phần tay phồng đặc trưng của Philippines được Catriona diện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018
Bộ váy có phần tay phồng đặc trưng của Philippines được Catriona diện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018

Tuy nhiên, theo NTK Trần Thiện Khánh, áo dài khó thể biến tấu. Anh chia sẻ: “Trang phục truyền thống của Thái Lan, Philippines… có những nét đặc trưng, có thể tách thành những bộ phận riêng mà vẫn nhận dạng được, và biến tấu thành váy áo hiện đại. Nhưng áo dài là một tổng thể hoàn chỉnh gồm áo và quần, không thể tách riêng bộ phận nào. Có chăng, chúng ta chỉ có thể làm cho áo rộng hơn, hoặc tà ngắn đi một chút để tiện cho việc di chuyển của các người đẹp. Sự biến tấu quá đà sẽ khiến người ta không thể nhận diện áo dài. Thực tế, áo dài có thể chỉ phù hợp ở một vài hoạt động nhất định”.

Mới đây, Jie Ding - đại diện Trung Quốc tại Hoa hậu Trái đất năm nay khiến dư luận Việt Nam xôn xao khi diện trang phục y hệt áo dài để ghi hình phần thi tài năng. Việc này có mục đích gì hay không, vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Nhưng một thực tế đang tồn tại là nỗi lo xung quanh chiếc áo dài Việt Nam, từ những sự việc đã xảy ra trước đó, đặc biệt trong bối cảnh trang phục này vẫn là di sản không giấy tờ của Việt Nam.

Jie Ding diện trang phục giống hệt áo dài trong phần thi tài năng
Jie Ding diện trang phục giống hệt áo dài trong phần thi tài năng

Thực tế, áo dài đồng hành cùng các người đẹp trong nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ cuộc thi quốc tế. Năm 2015, Phạm Hương diện áo dài trong tiệc đấu giá từ thiện, phần thi tài năng tại Hoa hậu Hoàn vũ. Một năm sau, Lệ Hằng diện áo dài vào phòng thi phỏng vấn. 2018, H’Hen Niê diện áo dài thổ cẩm trong một hoạt động thuộc khuôn khổ Hoa hậu Hoàn vũ, nhận nhiều lời khen từ truyền thông quốc tế. Phương Khánh cũng diện áo dài trong phần thi phỏng vấn với giám khảo, truyền thông quốc tế tại Hoa hậu Trái đất cùng năm này. Hoa hậu Mỹ Linh, Tiểu Vy cũng từng diện áo dài tại Hoa hậu Thế giới.

Hoặc, áo dài xuất hiện trong hầu hết clip giới thiệu của thí sinh Việt Nam. Người đẹp Việt chinh chiến quốc tế không quên áo dài, nhưng chúng xuất hiện âm thầm, chưa tạo được tiếng vang nhất định.

Phạm Hương diện áo dài trong phần thi tài năng tại
Phạm Hương diện áo dài trong tiệc từ thiện tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015

Năm 2016, đại diện Thái Lan tại Hoa hậu Hoàn vũ diện bộ trang phục truyền thống với kiểu dáng đặc trưng đơn giản nhưng gây ấn tượng với chi tiết đính kết tỉ mỉ, cầu kỳ, cùng với 100.000 viên pha lê Swarovski. Ngay từ khi bộ trang phục này được hé lộ đã gây chú ý với truyền thông thế giới. Thiết kế không đoạt giải cao nhất nhưng hiệu ứng lan toả khá mạnh.

Năm 2019, Thái Lan cũng gây ấn tượng với quốc tế khi giới thiệu bộ trang phục truyền thống cách điệu, nhưng điều đáng chú ý hơn cả là vật liệu chính tạo nên thiết kế là túi nilon, ống hút đã qua sử dụng. Chiến lược này nhanh chóng được truyền thông chú ý vì vấn đề môi trường đang cấp thiết.

Trang phục truyền thống của Thái Lan tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016
Trang phục truyền thống của đại diện Thái Lan tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016

Đó có thể là những bài học kinh nghiệm để áo dài sẽ có sự xuất hiện ấn tượng, có tiếng nói mạnh hơn với bạn bè quốc tế tại các cuộc thi nhan sắc trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi tài năng của NTK và một kế hoạch thông minh của các đơn vị nắm bản quyền, công ty quản lý các người đẹp dự thi.

Dĩ nhiên, chẳng ai đặt lên vai một cô hoa hậu trách nhiệm phải gánh vác số mệnh của chiếc áo dài ở đấu trường quốc tế, nhưng đây là một cơ hội tốt để quảng bá. Tình yêu với áo dài không thể nói suông, mà cần có hành động cụ thể, trong bối cảnh trang phục này vẫn đang “mắc kẹt” để trở thành di sản của Việt Nam. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI