Áo dài - quốc phục trong tâm tưởng người Việt

19/03/2018 - 17:02

PNO - Nhà thiết kế Sĩ Hoàng tin rằng, dù chưa có văn bản nào công nhận, nhưng trong tâm tưởng người Việt, áo dài là quốc phục, là một biểu trưng văn hóa.

Ao dai - quoc phuc trong tam tuong nguoi Viet
Một số mẫu áo dài tại Bảo tàng Áo dài


Ngày càng nhiều “quý ông” mặc áo dài du xuân

Ngày 16/3, Bảo tàng Áo dài (Q.9, TP.HCM) tổ chức tọa đàm “Lịch sử áo dài Việt Nam” với sự góp mặt của gần 100 nhà nghiên cứu, đại diện ban, ngành quản lý du lịch, văn hóa, cùng sinh viên các trường đại học tại TP.HCM và Bình Dương. Các đại biểu đã cùng trao đổi về lịch sử áo dài, vai trò của áo dài trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay cũng như biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM lần V - năm 2018.

Tọa đàm quy tụ nhiều bài nghiên cứu công phu về lịch sử áo dài, như Lược sử áo dài Việt Nam của phó giáo sư (PGS) - tiến sĩ (TS) Trần Thuận - Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; Áo dài Việt Nam dưới góc nhìn đối chiếu của PGS-TS Hà Minh Hồng - Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử TP.HCM; Hictory of Ao Dai through the eyes of French people (Lịch sử áo dài qua cái nhìn của người Pháp) của Philippe Chaplain - Chủ tịch Hội Di sản Pháp; Áo dài trong đời sống người Sài Gòn ngày nay của thạc sĩ Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM; Sơ lược lịch sử tổ nghề may của nghệ nhân Lê Đức Đôn; Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh của Dương Thị Lan - Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... 

PGS-TS Trần Thuận chia sẻ: “Nếu như phụ nữ Nhật Bản tự hào với chiếc kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng cùng hanbok, phụ nữ Ấn Độ với bộ sari đầy ấn tượng thì phụ nữ Việt Nam vẫn luôn tự hào về tà áo dài duyên dáng, thướt tha. Có lẽ áo dài Việt Nam đã ra đời trước thế kỷ XI, hoặc từ thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc”. Ông viện dẫn, ở làng Yên Vệ, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, có quần thể kiến trúc Đền Thượng và chùa Phúc Long mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa. Ngoài thờ Phật, chùa Phúc Long còn thờ Tiên Thiên Thánh Mẫu. Trang phục của Tiên Thiên Thánh Mẫu còn giữ nguyên nét cổ xưa thời Lý (thế kỷ XI) với nội y và khoác đối khâm (dạng áo có hai vạt trước đặt song song nhau, thường để buông thõng) bên ngoài. Đây là hình ảnh khá sớm về trang phục được xem là áo dài Việt Nam. 

Căn cứ vào kiểu cắt may cổ áo, qua các thời kỳ, áo dài được gọi bằng những tên gọi khác nhau, như giao lĩnh, đối lĩnh, đối khâm, tứ thân, ngũ thân, tràng vạt, lục thân... Năm 1859, sau khi người Pháp vào Việt Nam, áo dài tiếp tục “tiến hóa”. 

Khi nghiên cứu về áo dài trong đời sống của phụ nữ Sài Gòn - TP.HCM, thạc sĩ Lê Tú Cẩm tỏ ra phấn khởi bởi hiện nay, tần suất xuất hiện của áo dài đã tăng lên đáng kể so với cách đây 4-5 năm. Sự tăng lên này do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến vai trò của Lễ hội Áo dài TP.HCM vào tháng 3 hằng năm do Sở Du lịch và Hội LHPN TP.HCM khởi xướng.  

Nâng tầm văn hóa giao tiếp 

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh, dù chưa có văn bản nào công nhận nhưng trong tâm tưởng người Việt, áo dài đã được xem là quốc phục, là nét văn hóa. Chỉ cần thấy bóng áo dài ở bất kỳ đâu trên thế giới, người ta nhận ra ngay đó là tà áo Việt. Áo dài vì thế có tính biểu tượng và góp phần nâng cao lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người. 
Hơn 30 năm gắn bó với áo dài, nhà thiết kế Sĩ Hoàng tin rằng, áo dài góp phần nâng tầm văn hóa giao tiếp giữa con người, bởi bất cứ ai khi mặc áo dài đều sẽ chủ động điều chỉnh lời ăn tiếng nói, cách đi đứng sao cho phù hợp; người đứng trước một tà áo dài cũng sẽ ý nhị, nhã nhặn, lịch thiệp hơn. 

Trong bài nghiên cứu Lịch sử áo dài qua cái nhìn của người Pháp, ông Philippe Chaplain viết: “Trong bối cảnh phản kháng và chống lại sự chiếm đóng của các thế lực ngoại lai, và dù có nhiều âm mưu làm cho áo dài phải biến mất, áo dài đã phát triển, tiếp tục trở thành hình hài như ngày hôm nay, đó là một ví dụ điển hình về sự thích ứng và tinh thần sáng tạo của người Việt Nam khi đã sử dụng các yếu tố nước ngoài để làm mới cho một biểu tượng quốc gia”. 

Chủ trì tọa đàm, PGS-TS Hà Minh Hồng nhận định, áo dài thể hiện rõ nhất bản tính quốc văn, quốc đồ Việt Nam. Áo dài Việt Nam dù mộc mạc đến đâu, cứ mặc vào là gợi dáng hình đẹp của đất nước. Áo dài Việt Nam, không chỉ trong lễ hội và biểu diễn, mà ngay cả trong sinh hoạt đời thường, ai mặc và mặc ở đâu cũng thể hiện được nét duyên dáng rất Việt Nam. Nếu dựa trên chuẩn nghệ thuật nhưng vẫn tiện dụng thì áo dài chính là minh chứng, không trang phục nào tiện dụng, giản dị và chân chất như áo dài Việt Nam. 

PGS-TS Hà Minh Hồng đúc kết, dù còn nhiều bàn cãi về thời điểm chính thức xuất hiện, trong tâm tưởng người Việt, áo dài vẫn thuộc loại di sản không tuổi, bên áo dài người ta dễ dàng cảm thấy sự tươi trẻ và thanh xuân mãi mãi. 

Mẫn Nhi

Bảo tàng Áo dài là một bảo tàng ngoài công lập, hoạt động từ ngày 22/1/2014, hiện đang trưng bày khoảng 1.500 hiện vật gắn với lịch sử áo dài. Sau tọa đàm này,  bảo tàng sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm tiếp theo về kỹ thuật cắt, may và trang trí áo dài; áo dài trong các di sản văn hóa phi vật thể; áo dài trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI