Áo dài nữ sinh bị bức tử?

08/09/2017 - 08:49

PNO - Áo dài - vẻ đẹp tinh khiết - biểu tượng phẩm hạnh của thiếu nữ Việt Nam đã mất thật rồi sao?

Một ngày bình thường, chúng tôi đi giữa một Sài Gòn đầy lô-cốt, kẹt xe và khói bụi; qua các trường trung học nổi tiếng như Trưng Vương, Marie Curie, Lê Quý Đôn, Hùng Vương, Nguyễn Thượng Hiền...

Do không phải ngày đầu tuần - chào cờ, nên tuyệt nhiên không có bóng áo dài trắng nào mà chỉ là các loại váy. Áo dài - vẻ đẹp tinh khiết - biểu tượng phẩm hạnh của thiếu nữ Việt Nam đã mất thật rồi sao?

Ao dai nu sinh bi buc tu?
Áo dài trắng nữ sinh vẫn là biểu tượng thanh khiết cho tâm hồn thiếu nữ Việt

Vứt bỏ áo dài  nữ sinh

Đi họp phụ huynh cho đứa con học lớp 12, tôi được nghe đề nghị bỏ áo dài. Một bà nói: “Nhìn con mặc áo dài trắng đi học giữa trùng vây xe cộ, khói bụi mù trời, trông tội nghiệp quá. Nhất là những hôm trời mưa ngập đường hoặc triều cường nước cống tràn lên phố”.

Một ông khác kể: “Tôi đưa đón con, ngày ngày luồn lách giữa rừng xe. Gặp bữa trời nắng còn đỡ chớ trúng cơn mưa, thịt da con tôi cứ lồ lộ. Xấu hổ lắm!”. Sau khi gom đủ ý kiến phụ huynh kiến nghị bỏ áo dài, toàn bộ nữ sinh của trường chuyển sang mặc áo kiểu thủy thủ và quần tây dài.

Sài Gòn xưa chỉ có nữ sinh các trường Tây và trường Tàu mặc đầm. Còn Sài Gòn ngày nay: trường Nguyễn Thị Minh Khai, nữ sinh mặc đầm tím, áo trắng; trường Trưng Vương váy sọc ca rô…

Một tay chuyên chạy hợp đồng may đồng phục cho các trường tiết lộ: “Ông có biết phải chi bao nhiêu để bôi trơn mới chiếm được thị phần này? Đừng kết án tụi này giết áo dài. Sự xuống cấp của văn hóa xã hội mới là thủ phạm”.

Trò chuyện với một bà mẹ chống lại việc bỏ áo dài nữ sinh, bà nói: “Một số nhân viên công sở cũng mặc áo dài, nhưng đa phần con gái Việt Nam chỉ có thời trung học là được mặc áo dài thường xuyên, là thời ai cũng thấy mình đẹp nhất với chiếc áo dài. Tôi nói đại như vầy mà đúng lắm nghe. Nếu bỏ áo dài tức là cướp mất vẻ đẹp của nữ sinh Việt Nam”.

Ao dai nu sinh bi buc tu?
 

Được biết, người mẹ này chỉ có một cậu con trai học lớp 12, và có lẽ chuyện bà quan tâm đến áo dài nữ sinh cũng chỉ là “tiếng khóc” cuối mùa tiếc nuối thời áo dài con gái của bà.

Tâm tình của nữ sinh, nỗi lòng người xa xứ

Cô L., cựu học sinh trường Nguyễn Thái Bình cho biết: “Lúc cháu còn đi học, trường cháu vẫn mặc áo dài. Cháu tự hào lắm!”. Mẹ L. là nhân viên nấu ăn cho một trường tiểu học bán trú.

Bà chia sẻ: “Có con gái mới biết cảm giác muốn trào nước mắt khi nhìn con lần đầu mặc áo dài đi học. Họ miệng thì nói bỏ áo dài để  tụi nhỏ ăn mặc gọn hơn; nhưng nói vậy thôi chứ ai chẳng biết áo dài đâu may hàng loạt được như mấy loại váy đồng phục. Bây giờ nhà trường bán váy đồng phục, bắt học sinh mua. Nói giá nào phải mua giá đó. Nói không tư lợi, ai mà tin nổi”.

Chúng tôi tình cờ gặp một người phụ nữ đang tìm mua áo dài ở chợ Tân Bình. Chị là Việt kiều Pháp, đang tìm mua loại áo dài may sẵn. Chị kể: “Tôi có người bạn, cũng là sếp, người Nhật. Cô ấy thích áo dài lắm nên gởi cho tôi số đo nhờ may. Lu bu đủ thứ chuyện nên quên, gần ngày về tôi mới nhớ nên không đặt may kịp. Thấy có lỗi quá”.

Chị Việt kiều chỉ mua được mấy cái áo dài gấm trẻ con, nhưng chị vui lắm. Chị nói: “Mỗi năm tụi nhỏ bên đó chỉ được mặc áo dài ngày mùng một tết, nhưng đứa nào cũng mừng. Bên mình thì hình như không xem trọng nữa”.

Ao dai nu sinh bi buc tu?
 

Việc trẻ em không mặc áo dài trong những dịp lễ trọng đại của văn hóa Việt Nam (trừ khi để chụp hình) vốn là chuyện ai cũng biết. Nhiều người tự an ủi nhau: may mà vẫn còn những người phụ nữ lớn tuổi cảm thấy mắc cỡ trước tổ tiên, họ hàng nếu không mặc áo dài trong những ngày trọng đại.

Khi câu chuyện về “cái chết của áo dài nữ sinh Sài Gòn” được bàn thảo trên bàn cà phê của một nhóm văn nghệ sĩ, một họa sĩ nói: “Một trong những thủ phạm bức tử áo dài nữ sinh hẳn phải là các nhà thiết kế thời trang. Họ đưa áo dài xuất hiện như ruồi trên truyền hình, sân khấu; rồi biến vẻ đẹp của áo dài thành thứ trang phục ẻo lả nhảm nhí”.

Khi áo dài không còn là đồng phục của nữ sinh Việt Nam, không còn là y phục được sử dụng hàng ngày trong đời sống phụ nữ thì những màn trình diễn áo dài trên truyền hình, sân khấu cũng chẳng thể hiện được bao nhiêu bản sắc Việt. 

Hỏi chuyện một nữ sinh từng rất thích diện áo dài trắng, cô bảo: “Trường bắt mặc gì thì mình mặc thôi. Mặc đồ ngắn phóng honda vui hơn”. Chữ “bắt” và thái độ chấp nhận của cô nữ sinh phải chăng là biểu hiện của “bầy cừu” tại các trường học?

Chẳng ai hỏi ý kiến, chẳng có thăm dò nào đối với học trò về những chuyện liên quan đến chính cuộc đời các em. Đồng phục ra sao, học sách giáo khoa gì… học trò cứ thế cúi đầu tuân theo và điều đó được xem là ngoan ngoãn.

Không một thứ thời trang áo dài nào có thể sánh nổi vẻ đẹp thiên thần của nữ sinh trong tà áo dài trắng. “Cái chết” của áo dài nữ sinh ở Sài Gòn hôm nay có kéo theo sự còi cọc trong tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam?

Trần Tiến Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI