Ngày chớm thu, ngồi trong không gian ấm cúng Hà Nội Station (Brussels, Bỉ), nhìn chị em phụ nữ Việt Nam xúng xính áo dài, bận bịu cùng nhau dán tường hoa, trang trí bảng để chuẩn bị cho buổi ra mắt sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại, tôi xúc động vô cùng. Càng cảm động hơn khi biết có nhiều chị đạp xe, có chị lên - xuống mấy tuyến tàu điện, chị thì đi bộ vòng vèo qua vài con phố để đến với chương trình. Hỏi các chị liệu áo dài có gây vướng víu, ai nấy đều bật cười: “Ôi, thích lắm chứ khó chịu gì đâu. Ngoài đường, người quen lẫn người không quen đều ngoái nhìn rồi khen, có người bằng tiếng Đức, có người tiếng Pháp, tiếng Hà Lan (3 ngôn ngữ chính tại Bỉ - PV) là trang phục đẹp quá!”.

Các chị đều là thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, thành lập ngày 7/9/2024 vừa qua. 

Nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle - người sáng lập và phụ trách IVB (Intercultureel Centrum Vietnam en Pacific in Brussels - Trung tâm Liên văn hóa Việt Nam và Thái Bình Dương tại Brussels), một cô dâu Việt trên đất Bỉ - chia sẻ: “Từ trong sâu thẳm, mỗi người phụ nữ Việt Nam vẫn thầm thương nhớ bóng dáng áo dài”. Quỳnh cũng là một trong những người có công tuyên truyền mạnh mẽ cho sự ra đời của câu lạc bộ, bằng những vần thơ đẫm tình. “Lụa là gấm vóc quê hương/ Một dải yêu thương hiền dịu/ Tấm áo lụa của bà/ Chiếc khăn the của ông/ Áo dài muôn màu tự do tung cánh/ Áo dài Nhật Bình lấp lánh gấm hoa/ Người con gái đi vào thơ ca…”.

Chị Đào Thị Thu Hằng - người khởi xướng ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Di sản áo dài Việt Nam tại Bỉ - cho biết từ khi là nữ sinh, biết soi gương và biết làm điệu, chị đã thích áo dài. “Mỗi khi mặc áo dài, tôi thấy mình duyên dáng, thanh lịch. Nên cứ mỗi dịp lễ tết, hội họp hay khi theo mẹ đi lễ chùa, trang phục đầu tiên mà tôi chọn bao giờ cũng là áo dài” - chị tâm sự. Tình yêu với tà áo dài cứ thế theo chị khắp mọi nẻo đường và rồi một ngày tình yêu ấy đã cùng chị vượt khỏi rào cản về địa lý, đến với Vương quốc Bỉ xa xôi để kể những câu chuyện về giá trị văn hóa Việt.

Từ đó, chị ấp ủ giấc mơ xây dựng một cộng đồng yêu áo dài, nơi mọi người có thể tự hào về chiếc áo mang hơi ấm từ nguồn cội của mình. Tháng 5/2024, khi về Việt Nam dự buổi ra mắt cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ TPHCM và tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào, chị bất ngờ khi được biết từ gần 100 năm trước, hoàng hậu Nam Phương đã từng vận áo dài đi khắp trời Tây, như một đại sứ văn hóa áo dài Việt. Thêm nữa, khi biết chuyện mỗi chiếc áo dài của Hội quán Các bà mẹ TPHCM đều được làm từ tơ lụa Việt Nam, hay chuyện các chị vận động nhau mặc áo dài, mà phải là áo dài từ các làng nghề ở Quảng Nam, Bình Phước, Long An, An Giang, Lâm Đồng… chị xúc động vô cùng. “Lúc đó tôi mới biết có những vải áo dài dệt từ sợi chuối, rồi biết đến sự vất vả của người làm nghề nuôi tằm, nong kén, ươm tơ… Dệt rồi tới nhuộm, hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên, cho tà áo thướt tha giữ được hồn cốt Việt. Lần gặp gỡ như một cái duyên thôi thúc tôi tiến hành nhanh hơn các thủ tục để câu lạc bộ được khai sinh” - chị Thu Hằng kể.

Điều làm chị Thu Hằng xúc động nhất là bên cạnh sự hưởng ứng nhiệt tình của các phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập nơi đất bạn còn có sự cổ vũ và đỡ đầu của Đại sứ quán Việt Nam cùng Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ. Chỉ tôi xem tấm ảnh người phụ nữ da trắng đang đứng phát biểu tại lễ hội Trung thu trong bộ áo dài gấm màu thiên thanh đầy duyên dáng, chị nói: “Đây là bà Audrey Lhoest - Quận phó Ixelles, thủ đô Brussels. Bà thật lòng yêu và ngưỡng mộ vẻ đẹp của áo dài. Câu lạc bộ ra mắt, bà mặc áo dài khoe dáng cùng chị em. Bà nói với chúng tôi rằng đây thật sự là một hoạt động văn hóa rất ý nghĩa, góp phần làm phong phú thêm đời sống cộng đồng tại Ixelles”.

Mùa hè 2024, khi chia sẻ đoạn video về tà áo dài đỏ rực của con gái Camille Quỳnh Anh ở sa mạc Dubai trên trang cá nhân, chị Đỗ Khánh Vân - người Việt sinh sống tại Paris, Pháp - không giấu được sự xúc động. Không chỉ bởi vì khoảnh khắc tà áo dài tung bay trên nền cát ấy đã khiến bất kỳ du khách nào nơi đó cũng thốt lên “đẹp quá!”, mà vì sự tự hào về tà áo dài hiện rõ trên gương mặt cô con gái nhỏ. 
Chị Khánh Vân tâm sự: “Còn nhớ lần đầu tiên con mặc chiếc áo dài ren đỏ vào dịp tết 2022, lúc gần 2 tuổi. Lúc đó con rất thích thú vì được khen: “Con mặc áo dài xinh quá, người Việt Nam xinh quá!”. Có lẽ vì thế, nên sau này Camille rất “hợp tác” với mẹ trong việc giới thiệu tà áo Việt Nam. Bé mặc áo dài đến trường khi có các sự kiện”. Năm nay cô bé mới hơn 4 tuổi, nhưng ba Thibaut Berthon và mẹ Khánh Vân đã mua cho cả chục bộ áo dài. 

Cũng sắm cả tủ áo dài cho cô con gái mới lên 6 tuổi, chị Thanh Thúy - một giáo viên ở Meschede, Đức - cho biết: “Mới ngần đấy tuổi thôi, nhưng Sophie yêu và tự hào về áo dài lắm. Con nói rằng áo dài làm con khác biệt, “độc nhất vô nhị” ở Meschede, nơi vô cùng hiếm người Việt Nam sinh sống. Và con lựa áo dài để mặc khi trình diễn đàn ở trường, chụp ảnh lưu niệm cùng bạn bè trong lớp”. Dĩ nhiên, đi dạo phố mùa xuân, ra biển mùa hè cùng ba mẹ, Sophie cũng chỉ thích mặc áo dài. Ngồi bên cạnh, nghe mẹ nhắc về áo dài, Sophie hớn hở: “Khi nào cao như mẹ, Sophie sẽ mặc áo dài Việt Nam đi khắp nước Đức, nha mẹ!”. Không chỉ hưởng ứng, chị Thanh Thúy khẳng định: “Không chỉ đi khắp nước Đức, cả nhà mình sẽ mang tà áo Việt bay khắp địa cầu!”.

Nào chỉ Sophie hay Camille Quỳnh Anh, đâu đó trên khắp trời Tây, tà áo dài Việt Nam vẫn tung bay trong từng không gian khác nhau. Buổi chiều một ngày thu 2024, hầu hết khách mời có mặt tại khán phòng Église Salute trên đại lộ Assas, Montpellier - một tỉnh miền Nam nước Pháp - đều xúc động khi chứng kiến các bé gái lên 5, lên 3 tung tăng trong những tà áo dài vẽ tranh Đông Hồ, áo thêu hình chuồn chuồn, bươm bướm. Nhiều em bé ướm thử đôi guốc mộc, tập bước đi lộc cộc, xách theo lồng đèn, mặt nạ mo cau… rồi cùng nhau cười ngặt nghẽo. Khác các cô bé con, những thanh thiếu nữ Việt 13-16 tuổi với những tà áo dịu dàng, phô diễn hết nét đẹp thanh xuân, lại đứng chụm vào nhau trò chuyện, tập viết thư pháp, vẽ tranh trên lá bàng, có em luyện gảy đàn tranh. Khán phòng rực rỡ như bức tranh đầy màu sắc.

Những cô bé, cậu bé ấy đã là một đại sứ văn hóa, ngay từ bây giờ! 

Chia sẻ bài viết: