|
Áo dài nam ngày càng đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu - Nguồn ảnh: Tiệm LONG |
Thầm lặng mà ngoạn mục
Cách đây hơn 10 năm, câu chuyện về áo dài được mang ra bàn luận sôi nổi. Không chỉ có việc cách tân như thế nào mà còn liên quan đến yếu tố văn hóa, biểu trưng cho vẻ đẹp Việt. Chiếc áo dài nữ từ chỗ chỉ xuất hiện trong những dịp trang trọng hoặc sự kiện mang tầm quốc gia đã trở nên gần gũi hơn khi hiện diện trong đời sống hằng ngày của người Việt.
Thống kê của Metric - nền tảng chuyên đo lường số liệu thương mại điện tử - cho thấy người Việt đã chi 41,5 tỉ đồng để mua gần 245.000 chiếc áo dài trên 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki và Sendo trong tháng 12/2023, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.
Có 4 yếu tố chính tạo nên sự thay đổi ngoạn mục này. Thứ nhất, áo dài được tôn vinh, khuyến khích qua nhiều chương trình, hoạt động, lễ hội mà điển hình là lễ hội áo dài diễn ra vào tháng Ba hằng năm tại TPHCM. Tại các tỉnh, thành khác (Hà Nội, Huế…) cũng có nhiều hoạt động tương tự.
|
Một đám cưới ở Đức năm 2022. Cô dâu, chú rể và cả dàn phù rể, phù dâu, khách mời đều chọn mặc áo dài - Nguồn ảnh: Internet |
Thậm chí, năm 2020, các nam công chức ngành văn hóa Huế đã hưởng ứng phong trào mặc áo dài ngũ thân trong một số ngày làm việc. Các hoạt động này đã tạo thành làn sóng lan tỏa đến người dân. Lý do thứ hai xuất phát từ tình yêu, ý thức dân tộc và niềm tự hào về trang phục truyền thống của người trẻ. Sự hồi sinh của cổ phục, trong đó có áo dài nam, được các bạn trẻ khắp cả nước phát động, hưởng ứng bên cạnh việc tự nghiên cứu, tìm tòi, phục dựng.
Thứ ba, không thể phủ nhận sự phát triển của mạng xã hội đã cổ vũ và lan tỏa việc mặc áo dài. Nhờ mạng xã hội, người ta đến gần với thế giới hơn. Khi nhìn sang nước bạn, thấy trang phục truyền thống của họ, người Việt cũng muốn quay về với trang phục truyền thống của đất nước. Người trẻ chọn mặc áo dài nhiều hơn. Không khó để bắt gặp hình ảnh tà áo dài tung bay trên đường phố New York, Paris, Milan… hay tại những địa danh nổi tiếng; được check-in khắp mạng xã hội.
Yếu tố cuối cùng chính là sự cách tân không ngừng của áo dài, từ kiểu dáng đến chất liệu hay họa tiết. Những chiếc áo dài dáng rộng thập niên 1930 trở lại. Những chiếc áo dài tay lửng hơi xòe mà vẫn không mất đi sự duyên dáng… Những chiếc áo dài không chỉ được may bằng vải gấm, lụa, nhung mà còn bằng linen, denim, thậm chí vải thun… Vượt qua mọi tranh luận, khen chê, sự tiện dụng và giá thành đã giúp áo dài chạm đến hàng triệu người Việt.
|
|
Cuộc trở lại ngoạn mục đó đã kéo theo sự trở lại âm thầm của áo dài nam. Khi âu phục gia nhập vào Việt Nam, chiếc áo dài nam gần như biến mất hẳn khỏi đời sống thường nhật. Có chăng, người ta chỉ thấy áo dài nam xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn hoặc các buổi lễ tế tại đình chùa, miếu mạo. Sự trang trọng hoặc sự bóng bẩy quá mức đã khiến áo dài nam trong hình dung của nhiều người càng khó tiếp cận. Điều đó cũng lý giải cho việc khi áo dài nam được đề xuất làm quốc phục và khuyến khích mặc vào những dịp đặc biệt thì vướng phải vô số tranh luận. Một phần vì rườm rà, vướng víu. Phần khác là vì quan niệm “tính nữ” trong áo dài quá mạnh.
Làm sao để lan toả áo dài nam?
Cho đến khoảng năm 2017-2018, quan điểm này vẫn được bảo lưu. Nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Trần Đức Long hồi tưởng, năm 2018, khi anh đưa một bức tranh đề nghị thử in lên áo dài nam đã nhận về nhiều lời can ngăn từ bạn bè, thầy thợ vì “không ai mặc đâu”. Tuy nhiên, làn sóng cổ phục, niềm tự hào về phục trang truyền thống của người trẻ cộng hưởng với sự lan tỏa của mạng xã hội đã đưa áo dài nam bước vào hành trình phục sinh thầm lặng mà mạnh mẽ.
Áo dài nam ngũ thân truyền thống dần dần trở lại và bước vào đời sống. Nam giới bắt đầu chọn mặc áo dài không chỉ vào dịp lễ, tết mà còn trong các sự kiện quan trọng như cưới hỏi, thảm đỏ, thậm chí là đi làm... Nhật Duy - giáo viên nam dạy môn sử tại một trường THPT ở Hải Dương - đều đặn mặc áo dài đến trường vào mỗi thứ Hai. Anh cho biết, thoạt đầu, nhiều người nhận xét anh ăn mặc như đi diễn tuồng hoặc giống các liền anh liền chị. Tuy nhiên, theo thời gian cùng sự kiên trì giải thích của anh, tình yêu với chiếc áo dài nam đã được lan tỏa không chỉ đến học sinh mà còn với những người xung quanh.
Không khó để bắt gặp hình ảnh đón dâu từ các chàng rể ngoại quốc mà dàn phù rể mặc áo dài bê tráp. Chi tiết đó ít nhiều cho thấy sự trân trọng văn hóa Việt. Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng chọn mặc áo dài ngũ thân lên thảm đỏ.
|
Dàn lãnh đạo và các nghệ sĩ mặc áo dài tại Liên hoan phim Việt Nam 2022 - Nguồn ảnh: Internet |
Cung kéo theo cầu, hàng loạt thương hiệu áo dài nam ra đời, quy mô lớn nhỏ khác nhau như áo dài Năm Tuyền, Tiệm LONG, Hy Maison… Dù theo đuổi phong cách khác nhau nhưng điểm chung của các thương hiệu là làm sao để người mặc thoải mái, tiện dụng mà vẫn tôn dáng.
Nhà văn Tống Phước Bảo cho rằng, từ thích áo dài đến mặc áo dài là một hành trình của tư duy và thẩm mỹ. Người trẻ luôn mở lòng đón nhận cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp truyền thống. Do đó, để lan tỏa việc mặc áo dài nam, trước hết, chiếc áo phải cuốn hút về thẩm mỹ. Tiếp đến, chiếc áo phải tạo cảm giác thoải mái, tiện dụng, có giá thành phù hợp.
“Một chiếc áo dù đẹp nhưng khi mặc lên người mà không thoải mái co duỗi tay chân, vải bị co rút hoặc không thấm hút mồ hôi, giặt ủi mất thời gian cũng khiến người mặc e ngại” - nghệ nhân áo dài Năm Tuyền nhấn mạnh. Không giống như áo dài nữ (thường chọn vải rủ, mềm như lụa, voan…), áo dài ngũ thân của nam đòi hỏi sự cứng cáp về chất liệu để dáng áo đứng nhưng vẫn mang đến sự thoải mái khi mặc.
Nghệ nhân Năm Tuyền cho hay, mỗi khi hoàn thành 1 mẫu áo, ông đều phải mặc thử suốt 1 ngày để xem độ co giãn, thấm hút của vải, các cử động tay chân có thoải mái hay không và thu thập ý kiến của đội ngũ thầy thợ rồi mới bắt tay vào sản xuất.Nghệ sĩ Dzũng Yoko cho biết, sự tìm tòi, đổi mới về chất liệu của áo dài nam hiện nay rất đáng hoan nghênh. Nó góp phần đưa áo dài nam đến gần hơn với đời sống. Anh cũng cổ vũ những cách tân, sáng tạo. Tuy nhiên, anh cho rằng, áo dài nam nên chọn các màu trung tính hoặc màu tối để dễ che khuyết điểm, cũng như cần tối giản để có thể kết hợp với phụ kiện.
“Tôi cho rằng áo dài nam là trang phục cực kỳ thời trang. Để phát huy tính thời trang này, cần tối giản để có thể mặc vào những dịp khác nhau cũng như phối với các phụ kiện từ trang sức đến giày dép. Nhiều bạn nghĩ cắt ngắn tà áo sẽ làm áo gọn hơn trong khi đó mới là điểm duyên dáng của chiếc áo dài nam” - anh nói. Đồng tình với quan điểm trên, NTK Nguyễn Trần Đức Long nói: “Dù là áo dài nam hay áo dài nữ đều phải dài qua đầu gối để đảm bảo tính trang trọng, lịch sự của một sản phẩm mang tính văn hóa”.
Cuối cùng, ở góc độ vĩ mô, để áo dài nam lan tỏa rộng hơn, các NTK, chuyên gia văn hóa đều chung nhận định, cần có sự phát động, chương trình quảng bá từ các cấp quản lý văn hóa. Thực tế cho thấy, ngay cả ở lễ hội áo dài hằng năm tại TPHCM, áo dài nữ vẫn chiếm ưu thế.
Hiện tại, áo dài nam đã làm một cuộc phục sinh ngoạn mục, sự trợ lực đúng lúc từ các cấp quản lý sẽ đưa áo dài nam lên một vị trí mới. Có đại biểu Quốc hội từng đề xuất khuyến khích mặc áo dài nam tại các hội nghị, sự kiện. Điều này sẽ giúp người dân có cái nhìn thực tế hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài về lại với đời sống.
Thư Hiên