edf40wrjww2tblPage:Content
“Tóc xõa bờ vai đôi mắt huyền/ Áo dài tha thướt dáng nàng tiên/ Hương hoa ngan ngát hòa theo gió/ Em đến trần gian xóa muộn phiền” (thơ của Hồng Phúc).
Sẽ chẳng có gì để nói về buổi cà phê hôm qua của nhóm chúng tôi, khi tất cả đều không hẹn mà gặp, cùng khoác lên mình chiếc áo dài dịu dàng, thướt tha. Không gian quán trở nên chật chội nhưng... lắng dịu, thư thả một cách bất ngờ. Hàng chục ánh mắt thích thú đổ về; rồi, chẳng ngại ngần xa lạ, nhiều người còn tiến đến ngỏ lời khen tặng.
Có chị hỏi thăm dăm ba câu về việc may/ mua những chiếc áo dài và cuối cùng, chị tình thật: “Mình đang bực vài chuyện nên tìm đến đây suy ngẫm. Chưa... ngẫm được gì mà lòng chị đã mềm ra, thấy thật dễ chịu khi ngồi ngắm nhóm-áo-dài của tụi em”. Tất nhiên, chúng tôi sao tránh được cảm giác hạnh phúc lẫn tự hào dâng lên.
Biết chúng tôi chỉ... mặc “chơi” chứ chẳng nhân dịp gì, câu cuối cùng trước khi rời bước, chị ái ngại hỏi thăm: “Chẳng dịp gì cũng mặc được hả em?”.
Ái ngại của chị hẳn là nỗi niềm của rất nhiều chị em. Sao phải nhân một dịp nào đó mới mang chiếc áo dài ra mặc? Khi nó gợi lên trong bạn những cảm xúc tích cực, cảm xúc ấy dường như tỏa lan đến người bắt gặp. Hơn nữa, chẳng phải người ta vẫn thì thầm với nhau, đặc biệt cánh nam nhi: kín đáo mà quyến rũ, mềm mại, gợi cảm không gì bằng người phụ nữ trong chiếc áo dài.
Tội gì không phát huy thế mạnh? Và, tôi tin rằng đâu đó, với nhiều người, chiếc áo dài còn gợi dậy bao ký ức, xúc cảm thật đẹp của tháng năm học trò đầy mộng mơ tinh khiết.
Đã có thời gian dài tôi giống như các bạn, như người chị nói trên; mang cảm giác tiếc nuối và ước mơ một lần nữa, lần nữa được mặc lại trong lúc rớm nước mắt, ngồi xếp cất bộ áo dài vào cái ngày phải gác tuổi học trò sau lưng.
Ước, mà thi thoảng, nhớ quá chỉ biết đem ra vuốt ve, thèm thuồng ướm thử rồi xếp cất. Mẹ tôi, chị tôi, thấy vậy cũng không tránh khỏi sống dậy một nỗi buồn ngơ ngẩn: “Ừ, ta cũng có một bộ, chẳng biết bao giờ mới có dịp mặc lại”.
Phụ nữ, xét về góc nhan sắc, dường như tỏa sáng, đẹp và lung linh hơn trong chiếc áo dài bởi phơi bày nữ tính. Chẳng vậy mà đã làm lay động, đánh gục bao lớp lớp thi nhân, văn nhạc sĩ: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông; Đưa em về dưới mưa/ Áo dài sầu hai vạt; Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh...
Và, tự hào biết nhường nào với những lời khen có cánh, sự say mê được chiêm ngưỡng/ khoác lên mình chiếc áo dài mà bạn bè bốn biển năm châu tỏ bày, ban tặng.
Cũng chẳng vậy nên trong buổi họp đầu năm, nhiều công ty trước đó đã phát động nữ giới mặc áo dài; để rồi, gạt bỏ những u sầu, lo toan của thu nhập thấp, con đến kỳ đóng học phí, góc bếp cần sửa lại... chị em rất háo hức sắm cho mình bộ áo dài - như là dịp được hành động, thực hiện cái ước mong tự thân muốn có, muốn sở hữu từ lâu thứ trang sức mỹ miều dành riêng cho bản thân.
Hay như mới đây, TP.HCM đề xuất chọn ngày 8/3 là Ngày Áo Dài; chẳng cần nói đến rỡ ràng, hân hoan của nữ giới; mà cánh mày râu reo lên ủng hộ, vui lây. Tôi mường tượng phố xá tha thướt tà áo trong ngày này, thấy ngày thật đẹp và dịu dàng biết bao.
Hân - bạn tôi, sau buổi họp đầu năm với công ty, khoe trên facebook: “Thằng chả mình thích, bao năm làm chung chẳng khen lấy một câu; tự dưng hôm nay trố mắt bảo mình sao xinh thế?”. Hân sau bữa đó chẳng ngần ngại nhân hôm nào ít di chuyển, cô chọn mặc chiếc áo dài truyền thống - ôm sát với tà chấm gót; hôm nào cần vận động, áo dài cách tân được chọn làm trang phục. Cô bảo: “Thấy yêu đời hơn”.
Phần tôi, cũng hòa trong phong trào “tự phát” của chị em cơ quan, sắm cho mình cùng lúc hai bộ - một truyền thống, một cách tân. Tất nhiên, chẳng phải sắm rồi làm... của để dành, mặc trong những dịp quan trọng. Tôi treo chen hai bộ áo trong ngăn tủ “thường xuyên” và sẵn sàng mặc đi làm hoặc thong dong xuống phố.
Sau cuối, nói đi cũng phải... nhìn lại; chẳng ai khác mà chính Hân - kéo tôi về bằng câu hỏi: “Áo dài cách tân, vừa truyền thống vừa hiện đại, tiện lợi, bây giờ được ưa chuộng nhưng xem ra còn... đắt quá, không phải ai cũng dễ dàng sở hữu”. Đồng ý với Hân, song tôi cho rằng, đắt rẻ tất yếu tùy thuộc vải vóc, đường nét, chi tiết thêu họa; lẽ đó tùy sở thích, chọn lựa lẫn túi tiền của nhiều người mà sự sở hữu khác nhau.
Tuy vậy, trên hết, tự thân chiếc áo dài đã là một vẻ đẹp, chẳng cần diêm dúa, cầu kỳ bởi vô vàn họa tiết. Nhớ, là nhớ dung dạng chủ nhân trong chiếc áo dài nên hà tất phải băn khoăn?
TUYẾT DÂN