Áo dài không chỉ là hồn phách của dân tộc

15/03/2017 - 15:59

PNO - Tôi từng gặp một cụ già hơn 80 tuổi ở chợ Đông Ba (Huế), hơn 60 năm, mỗi ngày đến chợ bà luôn mặc chiếc áo dài, không có trang phục nào thay thế.

Má tôi từng là thợ dệt ở làng dệt Bảy Hiền từ những năm 1970. Bà còn học nghề may áo dài rồi về quê mở tiệm. Kể từ khi lấy chồng, vướng bận gia đình và thị trường chuộng quần áo kiểu cách nên nghề may của má không duy trì lâu. Bà chỉ nhận may cho người có tuổi hay những khách thân quen.

Cơ duyên đưa tôi đến với chiếc áo dài là vào năm lớp 9, theo quy định đồng phục của ngành giáo dục. Nhà nghèo, dì tôi chỉ đủ tiền mua xấp vải rẻ tiền để má may áo dài cho tôi. Thuở ấy, tôi chưa có nhiều xúc cảm đối với áo dài ngoài sự trân quý món quà của hai người phụ nữ tôi rất yêu thương.

Ao dai khong chi la hon phach cua dan toc
Chị Thúy và con gái

Năm 1995, làm việc cho một khách sạn, bà chủ người Pháp đã may cho nhân viên chúng tôi mỗi người hai bộ áo dài. Ngoài cảm giác sung sướng, len lỏi trong tôi bấy giờ một niềm tự hào, hãnh diện, yêu quý khi khoác lên người chiếc áo được quan tâm đầu tư bởi một người nước ngoài. Nhưng, tình yêu và sự ý thức giá trị của chiếc áo dài - nét đẹp văn hóa Việt chỉ thực sự lớn mạnh, bất biến trong tôi từ một chương trình mà tôi may mắn được làm việc với giáo sư Trần Văn Khê.

Hôm ấy, tôi đến nhà thầy để bàn về chương trình. Cảm giác khi bước vào nhà thầy là một không gian truyền thống, thuần Việt. Trong khoảnh khắc ấy, dù đã chuẩn bị sẵn chiếc váy, tôi vẫn quyết định sẽ cùng ê kíp mặc áo dài vào ngày diễn ra chương trình. Từ đó, tất cả những chương trình do Hội quán Các bà mẹ tổ chức, chúng tôi đều mặc áo dài.

Tôi từng nghĩ, để mặc áo dài đẹp cần phải có một vóc dáng đẹp. Nhưng không, đi và quan sát nhiều, tôi nhận ra bất cứ người phụ nữ nào khoác áo dài đều rất đẹp, rất lịch sự, thanh nhã và sang trọng. Tôi từng gặp một cụ già hơn 80 tuổi ở chợ Đông Ba (Huế), hơn 60 năm, mỗi ngày đến chợ bà luôn mặc chiếc áo dài, không có trang phục nào thay thế.

Có thời gian, tôi quan sát ở một số trường, nữ sinh không còn mặc áo dài mà thay bằng những đồng phục có logo riêng. Rồi chúng tôi nhận ra trong lần thực hiện chuyên đề bạo lực học đường, để ý thấy hầu như các clip bạo lực không có bóng dáng những nữ sinh với tà áo dài.

Mặc dù ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’, song tôi tin rằng, trong chiếc áo dài, các em thường cảm giác mình dịu dàng, từ đó ý tứ hơn trong đi đứng, ứng xử; ý thức được giá trị bản thân hơn. Có thể nói, áo dài phần nào góp phần uốn nắn cung cách đi đứng, tác phong. Người khác nhìn vào cũng cảm giác thân thiện, nhẹ nhàng, thương yêu.

Trong các chương trình ‘Áo dài chuyền tay’ của hội quán, chúng tôi mang rất nhiều áo dài đến cho mọi người mặc thử và sở hữu nếu thấy vừa vặn - đó là món quà mang ý nghĩa dâng tặng, lan tỏa tình yêu áo dài đến với nhiều người và giúp cho vòng đời của chiếc áo dài 'sống' được lâu hơn.

Tôi biết có rất nhiều cô giáo thường đi xin áo dài của những cô giáo về hưu hay khá giả, rồi tặng lại cho các cô giáo nghèo hoặc mới ra trường. Người trao đi thường rất vui vì thấy sự hữu dụng, trân trọng của chủ nhân mới đối với chiếc áo dài của mình. Riêng với mẹ con tôi, chiếc áo dài đã trở thành trang phục đời thường. Chúng tôi tâm niệm, áo dài không chỉ là hồn phách, vẻ đẹp của dân tộc mà hơn thế, còn góp phần thúc đẩy an sinh.

Từng ghé thăm các làng lụa như làng lụa Mã Châu, tôi biết nhiều thợ dệt rất buồn, đời sống vất vả bởi sản phẩm không có đầu ra, khả năng mai một của làng nghề rất cao. Thúc đẩy thị phần áo dài, chẳng những góp phần đảm bảo cuộc sống của biết bao người thợ luôn mong mỏi giữ nghề, giữ làng ấy, mà còn bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời của các làng nghề truyền thống nói chung.

Nếu đã quan sát, tìm hiểu vẻ đẹp của áo dài, có lẽ ai cũng dễ dàng nhận ra, có không ít nghệ nhân thêu, vẽ trên tà áo dài là những người khuyết tật. Nhân rộng ứng dụng áo dài vào cuộc sống thường ngày, cũng là cách tạo cơ hội ổn định sinh kế cho những nghệ nhân ấy.

Trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP.HCM, ngày 8/3 vừa qua, Hội quán Các bà mẹ tổ chức buổi giới thiệu sách và chương trình ‘Áo dài chuyền tay’, kết hợp trò chuyện chủ đề chiếc áo dài với sự góp mặt của nhiều phụ nữ nước ngoài say mê áo dài Việt. Qua đó, chúng tôi lần nữa mong muốn chiếc áo dài được ứng dụng rộng rãi, phổ biến hơn. Vẻ đẹp ấy cần tôn vinh, nhân rộng.

Nguyễn Thị Thanh Thúy

(Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI