Ðảo của dân ngụ cư

28/01/2017 - 08:00

PNO - Tôi vừa đọc xong Đảo của dân ngụ cư của nhà văn Đỗ Phước Tiến, tác phẩm gốc của bộ phim cùng tên do Hồng Ánh đạo diễn. Văn phong truyện rất giàu hình ảnh và mang đặc trưng riêng. Nhưng tôi cảm thấy thích phim hơn truyện.

Với phim Đảo của dân ngụ cư, Hồng Ánh đã thực sự kể chuyện bằng hình ảnh, chị tạo được ngôn ngữ điện ảnh riêng, những quy tắc riêng trong phim với sự sắp xếp, cấu trúc hình ảnh rõ ràng. Đây là một phim nghệ thuật rất tốt. Tôi cảm động vì chị đã dũng cảm làm phim như vậy. Có lẽ đây là một trong những phim Việt Nam mà tôi thích nhất vài năm gần đây.

Bộ phim mở đầu bằng một hình ảnh rất mạnh: người xem nhìn thấy cánh tay của một người đàn ông nằm trên biển và một cô gái ở đằng xa. Cảnh này không có tiếng động tạo ra một cảm giác kỳ lạ. Hình ảnh đầu tiên của phim đã rất lôi cuốn tôi bởi tôi không thể giải thích được, không thể xâu chuỗi hai hình ảnh đó thành một câu chuyện.

Hình ảnh ấy khiến tôi suy nghĩ, phân vân liệu người đàn ông đó còn sống hay đã chết, tại sao người con gái kia cứ ngồi trên thuyền thúng và nhìn về người ấy? Sau đó, màn hình chuyển đen, tôi nghe thấy tiếng sóng biển. Và người xem lại nhìn thấy biển lần nữa nhưng lúc này là một thanh niên trẻ đi qua bãi biển.

Ðao cua dan ngu cu
 

Thế rồi, chúng ta nghe những dòng độc thoại tự sự của anh. Lúc này, tôi bắt đầu có cảm giác lo sợ rằng phim của chị có khả năng trở thành hình ảnh minh họa cho truyện ngắn nguyên tác.

Nhưng tôi vui vì điều mình lo lắng đã không thành sự thật. Trong vài phân cảnh đầu tiên, chị đã xây dựng được không khí, giọng điệu và phong cách kể chuyện rất rõ ràng. Một trong những điểm đặc trưng tạo không khí khác lạ là những cảnh quay với góc máy từ trên cao nhìn xuống. Hồng Ánh cắt lên góc máy từ trên cao nhìn xuống ngay lúc cao trào của cảnh.

Ví dụ: cảnh người vợ tắm cho chồng mình. Lúc người chồng mạnh bạo kéo bà vào bồn tắm, Hồng Ánh lại cắt lên góc cao và dừng ở đó một lúc. Với động tác này, tôi cảm giác chị muốn giữ người xem tiếp cận bộ phim bằng một góc nhìn khách quan, chị khiến họ nhận ra rằng họ chỉ là người xem trung lập, họ không phải là một phần của phim.

Hơn nữa, góc máy cao cũng khiến tôi cảm thấy người vợ nhỏ bé và đáng thương. Tôi đã hiểu lầm rằng bà là một người hầu trong cảnh này. Một cảnh khác với cùng cách dựng đó là cảnh Phước và Miên đánh nhau. Ngoài ra, các cảnh sử dụng góc máy từ trên cao cũng khiến tôi tự hỏi đây là góc nhìn khách quan mà Hồng Ánh dùng để kể chuyện, hay là góc nhìn chủ quan của một nhân vật nào đó trong phim? Câu hỏi thú vị này kích thích tôi tiếp tục xem phim để tìm ra câu trả lời. Và tôi không phải chờ quá lâu, câu trả lời nằm ở cảnh nhà hàng đông đúc và có người nhìn thấy một cô gái ngồi ở lầu trên.

Tôi nghĩ đó là lúc câu chuyện thật sự bắt đầu, những cảnh trước đó chỉ là để xây dựng lớp nền. Cách Hồng Ánh sử dụng khá nhiều góc máy trên cao nhìn xuống từ đầu phim cũng khiến tôi liên tưởng đến một người đang âm thầm quan sát mọi hoạt động, một người đang trốn ở đâu đó.

Ðao cua dan ngu cu
 

Vậy nên, khi tôi biết được sự tồn tại của Chu, mọi thứ trở nên hợp lý. Sau sự xuất hiện của Chu, vẫn có những cảnh với góc máy cao; trong đó, một số cảnh có thể từ góc nhìn của Chu, số còn lại có thể là góc nhìn khách quan. Nhưng tôi thích điều ấy. Tôi thích cảm giác lẫn lộn khi mình không biết góc nhìn đó là của ai. Tôi cũng để ý thấy đôi khi, góc máy cao đơn thuần chỉ là cách Hồng Ánh mở đầu hay kết thúc một cảnh.

Có vài cảnh trong Đảo của dân ngụ cư khiến tôi nhớ đến phong cách của đạo diễn Trần Anh Hùng. Tôi nhận thấy Hồng Ánh thường mở đầu cảnh bằng một shot đi theo nhân vật và chị không đổi góc nhiều trong một cảnh, mọi thứ diễn ra với nhịp điệu chậm rãi. Ví dụ: shot dolly từ cửa sổ nhà hàng qua đến người vợ ngồi trước cửa nhà vắng khách, cảnh người vợ lau chùi nhà hàng và người chồng bước ra…

Một điểm nữa tôi lưu ý khi xem Đảo của dân ngụ cư là việc Hồng Ánh sử dụng cảnh toàn, cảnh trung và trung cận nhiều hơn cảnh cận và đặc tả. Vì chị hạn chế sử dụng cảnh cận nên khi nó xuất hiện, liền tạo hiệu ứng mạnh mẽ hơn.

Tôi rất thích cảnh cận hình ảnh con gián chết với những con kiến bò xung quanh, lá khô rơi rụng khắp mọi nơi. Hình ảnh này thể hiện sự chết chóc rõ rệt và khiến tôi cảm nhận được tâm trạng chán chường của nhân vật khi anh nói rằng không muốn mình như một con gián, cố gắng sống sót trong cuộc đời.

Cảnh này kết hợp với âm nhạc và sự hòa điệu từ cảnh trước đó đã nâng lên nỗi buồn về sự sụp đổ, sự bất ngờ khi mọi thứ không diễn ra theo lẽ tự nhiên nữa. Cảnh trước đó là một cảnh khá hài hước, khi Phước và Miên chạy rượt theo con dê với cái lon cột ở đuôi. Rõ ràng, đó một cảnh hoàn toàn trái ngược với cảnh con gián chết ngay sau đó giữa một bên là sự sống sinh động, một bên là cái chết im lìm.

Tôi cũng thích cách Hồng Ánh chèn những cảnh hoang tàn của nhà hàng vào giữa câu chuyện chính đang diễn ra. Từ đoạn đầu phim, chị cho người xem thấy cảnh nhà hàng bị tàn phá. Người xem biết trước cái kết của câu chuyện, nhưng khi họ gần như đã quên cái kết đó, chị lại nhắc họ về sự thật không thể thay đổi ấy, tựa như, sự tàn phá đó không chỉ ở đoạn cuối, có thể nó đã bắt đầu ngay từ khởi điểm hay đâu đó ở đoạn giữa - khi mọi thứ dường như đang phát triển theo hướng tốt hơn. Sự u sầu, mệt mỏi, không khí ngột ngạt dường như bao trùm lên cả căn nhà.

Cách Hồng Ánh sử dụng âm thanh trong phim cũng đặc biệt. Tôi thích cách sử dụng âm thanh trong cảnh mở đầu và còn nhiều cảnh khác tôi cũng thích.

Thứ nhất, cảnh Phước bắt chước tiếng gà gáy. Đầu tiên, Phước gáy rất to và rồi nhận ra khi làm như thế có thể sẽ bị phát hiện nên Phước phải im lặng. Cảnh này khiến tôi liên tưởng đến những cảnh lãng mạn trong phim Hàn Quốc.

Thứ hai, là cảnh Phước và Chu làm tình. Không cần sử dụng tiếng thở hay những tiếng động khác, chỉ cần hình ảnh và nhạc, phim vẫn truyền tải được cảm xúc của họ trong đêm đầu tiên.

Thứ ba là cảnh Chu ném hai con chim đất nung qua cửa sổ. Tôi chờ tiếng vỡ khi hai con chim bị ném xuống đất, nhưng không có tiếng động gì cả. Âm thanh đó chỉ ở trong đầu người xem nếu họ muốn có một tiếng động nào đó tương tự như vậy.

Cảnh này khiến tôi nhớ đến một cảnh trong Tony Takitani của Jun Ichikawa. Trong Tony Takitani, có cảnh Tony làm rơi chiếc đĩa xuống sàn, người xem có thể thấy mảnh đĩa vỡ tung nhưng họ không thể nghe âm thanh của nó. Hình ảnh ấy như dự đoán trước tương lai tối tăm của Tony. Nhưng trong phim Đảo của dân ngụ cư, Hồng Ánh sử dụng phương pháp này với mục đích và ý nghĩa khác.

Ðao cua dan ngu cu
 

Chị không cho người xem thấy hình ảnh hai con chim vỡ, người xem chỉ thấy Chu ném hai con chim qua cửa sổ, rồi chị cắt qua hình ảnh bầu trời xanh, và cảnh này đã thật sự chạm đến cảm xúc của tôi, phần nào đó nó giúp tôi hiểu thêm về Chu để rồi cảm thấy thương Chu hơn. Trong suy nghĩ của cô gái ấy, hai con chim đất nung mà cô ném qua cửa sổ thật sự có thể bay, chúng không vỡ, chúng bay về phía bầu trời xanh ấy, chúng được tự do. Chu muốn được tự do như hai con chim đó, nhưng Chu không thể tự giải thoát mình, không thể mang tự do đến cho bản thân. Chu chết trong sự giam cầm, và có lẽ mẹ cô cũng vậy.

Tôi thích nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh. Những bản nhạc được sử dụng ở nửa đầu phim chỉ có tiếng piano (tôi không chắc chắn, có lẽ vì piano là tiếng tôi nghe thấy rõ nhất), với rất ít nốt nhạc và thường có nhiều khoảng lặng dài giữa các nốt như thể âm thanh rải rác trong không gian ấy muốn mời gọi người xem bước vào câu chuyện. Sau đó, nhạc sĩ dần sử dụng nhiều nốt hơn, nhiều nhạc cụ hơn. Vì vậy, âm nhạc rất phù hợp với không khí phim, nó đi theo tiến triển câu chuyện.

Đảo của dân ngụ cư được Nguyễn Quang Lập chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của tác giả Đỗ Phước Tiến do Hồng Ánh đạo diễn. Phim có sự tham gia của NSƯT Ngọc Hiệp, Hoàng Phúc, Nhan Phúc Vinh, Ngọc Thanh Tâm, Phạm Hồng Phước... Chuyện phim lấy bối cảnh một nhà hàng cũ trong một ngôi nhà cổ ở một thị trấn ven biển. Nhà hàng tập hợp những con người tứ xứ, sắc tộc khác nhau, mỗi người một tính cách, một số phận. Phim lột tả sự băn khoăn trong hành trình đi tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống của các nhân vật, qua đó phác họa sinh động những nét độc đáo được lồng ghép qua bức tranh đa văn hóa. Phim dự kiến sẽ ra mắt vào mùa hè 2017.

Nguyễn Thị Diễm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI