Cuối mùa đông, hai hàng cây xoan ven đường dẫn về làng anh đẫm mình trong sương. Buổi hừng đông, ngôi làng với những mái nhà đậm chất làng quê Bắc bộ đẹp như trong một bức tranh. Nhà ai đó có mùi khói bếp, bình yên như bước chân của người trở về.
Anh nói, đợt này về nhà sẽ làm món cá um rơm và món xôi gà hấp mà anh đã được ăn từ những ngày thơ bé. Những món ăn thương nhớ ấy, anh từng bưng muỗng dĩa vào tận bếp ngồi chờ chín, với cái bụng rỗng háo ăn của một đứa trẻ chăn trâu thời ốm đói. Giờ sống trong lòng phố, anh nói có lúc thèm món cá um rơm, mà cũng đâu có lúc nào làm được. Nhà phố, chung cư, chỉ cần đốt cây nhang cháy hay gạt tàn thuốc bất cẩn là chuông báo cháy đã réo vang. Lửa rơm đâu cho anh đốt. Cuộc sống ở phố cũng tất bật từng ngày từng giờ, thời gian đâu mà anh ngồi đó đơm rơm, ủ trấu.
|
Hàng cây xoan trong sớm mai |
Có lần anh nghỉ phép về quê vào mùa hè, thèm quá món cá tuổi thơ, dành cả ngày đi chợ tìm loại cá chép ngon nhất, về làm sạch, ướp gia vị, chờ thấm rồi bắt đầu ủ rơm “đốt cá”. Công đoạn um cá hết sức tỉ mẩn. Phủ một lớp rơm trên nền đất, xếp cá vào nồi đất, phủ thêm một lớp rơm lên trên rồi đốt. Lửa rơm mau tàn, phải ngồi canh lửa châm rơm liên tụ. Đến một lúc tro rơm đủ nóng, sẽ tiếp tục thả trấu lên hun. Trấu ngậm lửa rơm, âm ỉ cháy làm chín cá.
Một mẻ cá um rơm phải mất hàng 4,5 tiếng là ít. Cá khô lại, chín giòn, có thể để dành ăn được cả tuần. Mùa đông, thời tiết miền Bắc lạnh, cá um rơm cứ để trong hộp, ăn dần mà không sợ hỏng. Anh làm mang vào phương Nam, bỏ tủ lạnh lấy ra ăn dần. Mỗi bữa ăn, gắp một món cá tuổi thơ, là có một câu chuyện ký ức được kể. Nhẹ nhàng, bâng khuâng…
|
Món cá um rơm |
Cuộc đời của một con người trải mấy mươi năm, có biết bao chuyện phải trải qua – cả những biến cố. Có những được mất, muốn quên đi. Nhưng có những ký ức đẹp cứ muốn gìn giữ mãi. Để trong vạn dặm vài khi mỏi mệt, dừng lại bên một tuần trà thơm mà kể cho nhau nghe. Ký ức ngọt bùi, quyện sâu như mùi nếp xôi thơm lựng bên bếp lửa của mẹ những đêm mùa đông. Năm ấy, mẹ bắt con gà trong vườn, làm xôi cho những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn của mẹ. Gà làm rửa sạch để ráo, chặt khúc vừa ăn, ướp thơm gia vị. Nếp, đậu xanh ngâm mềm, trộn lẫn, vo sạch rồi cho lên chõ xôi. Xếp gà đã ướp lên phía trên. Hấp. Món ăn mất nhiều thời gian để nấu nhưng các công đoạn làm lại vô cùng đơn giản.
Chỉ cần vậy thôi là xong, đám trẻ chỉ việc đi qua đi lại hít hà mùi của xôi nếp, của thịt gà vài lượt là món ăn đã chín tới. Mỡ gà rỏ xuống nồi nước, bốc hơi ngược trở lại thấm vào từng hạt nếp. Món xôi nhờ thế mà dẻo mềm, thơm, mượt. Ngày ở phố, cũng có nhiều lúc anh làm món ăn này trên bếp điện từ. Mùi thơm tỏa khắp căn nhà, nhưng anh bảo, cảm giác ngồi quây quần bên bếp củi quê nhà mới thật xốn xang. Mùi củi khô cháy tí tách, hương gió thoảng trong vườn, tiếng đàn cá quẫy dưới ao…Tất cả đượm thành một hương vị quê nhà không thể lẫn vào đâu được. Đó mới là mùi nhớ mùi thương mà những kẻ tha hương khát khao tìm lại. Để được thấy mình đâu đó trong hình bóng cũ.
Tết miền Bắc vất vả hơn “Tết trong Nam”. Gian bếp nhà mẹ luôn đỏ lửa. Mỗi ngày đều có anh em họ hàng trong dòng tộc đến thăm, chúc Tết. Gian bếp ấy lúc nấu thức ăn, lúc đun nước pha trà, có khi phải nấu nước nóng để rửa chén. Gian bếp ấy nuôi lớn các con của mẹ, gìn giữ nếp nhà, để người phố xa quê trở về vẫn thấy hình ảnh “một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm…” (*)
|
Bếp lửa của mẹ |
Chút hương xưa còn neo lại bên ánh lửa hồng than củi dễ khiến lòng người bùi ngùi, bịn rịn. Năm tháng khiến con người ta mỗi ngày một lớn khôn hơn, nhưng khoảnh khắc ngồi bên bếp lửa hồng hơ tay trò chuyện lại thấy tâm hồn mình như bé lại. Đôi chân ký ức như chạy ngược về cánh đồng gió của những chiều nguyên sơ rộn rã. Lại thấy mình như những kẻ-di-trú tội nghiệp giữa ồn ã xô bồ của đô thành, tranh đấu gì, bất an gì, ganh đua gì, toan tính gì…Để có lúc thấm thía cảm giác bình yên là trở về bên bếp lửa này đây. Trái tim như được ủ ấm trong yêu thương ban sơ, giản dị.
Làng quê giờ đã khác, nhiều món ăn ngày Tết cũng đã được đặt mua. Chỉ có những món truyền thống gia đình vẫn làm như thịt đông, chả giò, bánh chưng, bánh tổ…Anh về tìm lại mùi cá um rom trong ngôi nhà ba gian cổ kính. Như thấy lại anh của những ngày chân trần tóc cháy lội ruộng mò cua bắt ốc. Có người bạn thuở chăn trâu vẫn ở lại làng giờ gặp nhau vẫn rôm rả chuyện xưa – dẫu hai con đường đưa hai cuộc đời đi về những chiều hướng khác.
Buổi chiều ra bờ đê chạy bộ trên con đường làng, nghe gió ràn rạt bên tai, tiếng trẻ con huýt sáo véo von đâu đó vọng qua cánh đồng, bờ tre nghiêng mình theo gió run lên những nhịp lá lay xào xạc. Ngước mắt nhìn bầu trời trong xanh, chợt thấy điều kỳ diệu của mùa Xuân ẩn mình trong từng hạt đất. Quê nhà như một miền biêng biếc xanh…
Từ Phong