Anh: Trung tâm chăm sóc sức khỏe nạn nhân quấy rối tình dục quá tải

17/08/2022 - 13:07

PNO - Theo một nghiên cứu xã hội học mới đây, 8 trong số 10 phụ nữ Anh được chẩn đoán mắc các triệu chứng rối loạn tâm lý sau khi bị tấn công tình dục. Không ít người chấp nhận chẩn đoán bệnh nhằm tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu, dẫu họ không tin bản thân thật sự có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 

Hiện trạng quá tải nơi nhiều trung tâm tư vấn và bệnh viện tại Anh đang gây sức ép lớn lên việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe các nạn nhân của quấy rối tình dục
Hiện trạng quá tải ở nhiều trung tâm tư vấn và bệnh viện tại Anh đang gây sức ép lớn lên việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe các nạn nhân của quấy rối tình dục

Ở nước Anh, những phụ nữ từng bị quấy rối được khuyên nên đồng ý với quy trình chẩn đoán bệnh lý tâm thần, để có tên trong danh sách tư vấn trị liệu và trợ giúp lâu dài. Điều này tạo nên một mâu thuẫn đáng quan ngại, vì chấn thương tinh thần gây ra do xâm hại không luôn đồng nghĩa rằng nạn nhân đang chịu đựng một chứng bệnh hoặc rối loạn cụ thể.   

Gần 400 tình nguyện viên nữ đã tham gia khảo sát trong dự án nghiên cứu tiến hành bởi Victim Focus, doanh nghiệp xã hội đặt trụ sở tại Anh, chuyên hỗ trợ phụ nữ đấu tranh trước thực trạng xâm hại và bất bình đẳng giới. Một số người chia sẻ, kết quả chẩn đoán bệnh lý tâm thần - phổ biến như trầm cảm, PTSD (rối loạn căng thẳng hậu chấn thương) và BPD (rối loạn nhân cách bất định) - giúp ích cho nỗ lực hồi phục của họ. Tuy nhiên, số khác nhận định, tiêu chí chẩn đoán có phần cưỡng ép đang vô tình gây hại, thậm chí kéo theo tư duy kỳ thị đối với nạn nhân của quấy rối tình dục.

Nhọc nhằn tìm “lối thoát”

Một phụ nữ trong nhóm được khảo sát tiết lộ: “Sau khi bị xâm hại, tôi gặp phải vấn đề như sợ hãi và rối loạn ăn uống. Thế nhưng quá trình chờ chẩn đoán và điều trị khá phức tạp. Tôi được chỉ định gặp một loạt chuyên gia khác nhau, trước khi biết đến liệu pháp nhận thức hành vi (CBT - can thiệp trị liệu tâm lý bằng phương pháp đối thoại giữa bác sĩ và bệnh nhân). Suốt 10 năm nay, dù điều trị tích cực bằng CBT, tôi vẫn được yêu cầu dùng thuốc đều đặn”.   

Một người khác bày tỏ: “Ban đầu, tôi ra vào bệnh viện liên tục nhưng không tìm thấy bất kỳ hỗ trợ thiết thực nào. Mãi đến khi chấp nhận chẩn đoán mắc BPD, tôi mới có thể tiếp cận một trung tâm điều trị chuyên sâu. Tuy tôi không thật sự tin mình có các triệu chứng của BPD, đây là cách duy nhất giúp tôi nhận được trợ giúp chăm sóc sức khỏe”.

Ghi nhận qua báo cáo nghiên cứu, đã tồn tại không ít trường hợp bệnh nhân nữ cảm nhận chẩn đoán tâm lý dành cho họ “là sai sự thật”, nhưng “không thể phản đối hoặc chọn giải pháp khác”.

Chuyên gia tâm lý học, nhà hoạt động xã hội vì nữ quyền Jessica Taylor - người đứng đầu dự án của Victim Focus, cho biết cô “đã thấy kinh ngạc” trước thực trạng kể trên: “Rất nhiều người hiểu rõ, họ vốn không có vấn đề trầm trọng nào về tâm lý. Nhưng cách duy nhất để họ được hỗ trợ tư vấn sức khỏe là chấp nhận chẩn đoán và dùng thuốc thường trực”.

“Tại Anh, từ lâu đã xuất hiện một góc nhìn gần như "đóng khuôn" về việc điều trị bệnh lý tâm thần cho phụ nữ. Theo đó, họ thường được nhanh chóng kê đơn thuốc, kèm theo những quy chuẩn chẩn đoán mặc định”.

Nhận thức đúng để bảo vệ phụ nữ

Tiến sĩ Taylor nhận thấy tình trạng “quá tải” nơi nhiều trung tâm tư vấn, bảo trợ nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Anh đang dẫn đến sự thiếu thỏa đáng trong hoạt động chẩn đoán. Cô nói: “Tôi biết đến khá nhiều trường hợp bệnh nhân nữ miễn cưỡng sống cùng chẩn đoán bệnh lý không hề chuẩn xác. Sức khỏe tâm thần của họ có khả năng bị đe dọa vì lẽ đó. Chẳng hạn, nếu mở lời băn khoăn về một khối u trên cơ thể khiến họ hoang mang, bác sĩ có thể dựa vào chẩn đoán từ trước để tin rằng họ đang tưởng tượng ra vấn đề. Bệnh lý tâm thần là một loại "nhãn mác" ẩn chứa định kiến, một người phải bất đắc dĩ mang theo nhiều năm liền”.

Tác động tiêu cực khác, theo nữ tiến sĩ, chính là nguy cơ “làm thay đổi nhận thức chung” về sức khỏe tâm lý phụ nữ. “Gia đình, bạn bè và cả những bác sĩ có chuyên môn có thể hình thành khuynh hướng quy kết chủ quan, cho rằng trải nghiệm bị xâm hại sẽ khiến phụ nữ mắc bệnh lý tâm thần”.

“Điều này làm sai lệch hẳn góc nhìn về hành vi xâm hại, khiến chúng ta chú tâm hơn đến cá nhân nạn nhân thay vì thủ phạm. Tệ hơn cả, quy trình chẩn đoán miễn cưỡng dễ "châm ngòi" cho xu hướng kỳ thị bệnh lý tâm thần”, tiến sĩ Taylor chia sẻ.

Dự án khảo sát mới nhất của Victim Focus được công bố không lâu sau khi thị trưởng London, Sadiq Khan, cảnh báo về việc hàng loạt trung tâm dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành và quấy rối tình dục thuộc thủ đô nước Anh “đang quá tải ở mức báo động”.

Cuối tháng 7 vừa qua, trong thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab, ông Khan khẩn thiết yêu cầu nỗ lực chấn chỉnh kịp thời “để giải quyết khủng hoảng”. Vị chính trị gia nhấn mạnh: “Thiếu hụt nguồn lực nhân sự và dịch vụ hỗ trợ cần thiết đang gây sức ép lớn lên nạn nhân của quấy rối tình dục, kéo dài nỗi đau tinh thần và khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập”.

Như Ý (theo Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI