Anh: Tranh cãi về tăng giờ học

16/01/2014 - 16:05

PNO - PN - Cơ quan Giám sát đời sống giáo viên trường học (School teachers review body) của Anh tuần này sẽ trình lên Bộ trưởng Giáo dục Michael Gove một báo cáo độc lập về việc có nên cải tổ giáo dục Anh theo hướng tăng giờ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ông Gove kỳ vọng sự cải tổ này sẽ giúp HS Anh tăng điểm số các môn học và đạt thành tích cao trong học tập như ở Trung Quốc, Singapore và các quốc gia Đông Á khác. Lập luận của ông Gove là nền giáo dục của Anh hiện đang trì trệ, các học kỳ được thiết kế cho “một nền kinh tế nông nghiệp”.

Những thay đổi cho phép trường học kéo dài thời gian học trong ngày đã có từ năm 2011, nhưng hiện rất ít trường áp dụng. Các trường trì hoãn với lý do đợi tham khảo thêm ý kiến. Chương trình giáo dục Anh gồm ba học kỳ mỗi năm, theo đề xuất sẽ tăng thành năm học kỳ. Năm ngoái, Hội đồng thành phố Nottingham dự định áp dụng điều này nhưng cuối cùng phải dừng lại vì vấp phải sự phản đối dữ dội từ giáo viên.

Anh: Tranh cai ve tang gio hoc

Kế hoạch cải tổ giáo dục ở Anh, để tăng giờ học và giảm thời gian nghỉ hè của học sinh, đang bị phản đối - Ảnh: Daily Mail

Theo Hiệp hội các nhà lãnh đạo đại học và cao đẳng (ASCL), chất lượng của việc học quan trọng hơn số giờ học trong lớp. Hiệp hội này cho rằng, sự thay đổi trong giáo dục phải dựa trên các ý kiến, bằng chứng nghiên cứu, “chứ không phải từ giai thoại của những nước có nền văn hóa và thái độ đối với giáo dục rất khác Anh”. Liên đoàn giáo viên quốc gia (NUT) thì chỉ ra rằng, giáo viên Anh phải làm thêm giờ rất nhiều, không nên tăng thêm giờ làm nữa; hiện trung bình mỗi giáo viên đã làm thêm hơn 11 giờ mỗi tuần nhưng không được trả lương. Họ còn phải chuẩn bị giáo án vào buổi tối. Cuối tuần hoặc ngày nghỉ, giáo viên còn tự nguyện phụ đạo cho HS yếu…

Anh: Tranh cai ve tang gio hoc

Trẻ em cần được vui chơi cùng nhau -Ảnh: Telegraph

Nhiều học giả cũng phản đối đề nghị của ông Gove, yêu cầu nên dành thời gian cho trẻ em chơi nhiều hơn là học. Tiến sĩ Peter Gray, giáo sư tâm lý học tại Đại học Boston nhấn mạnh: Trẻ em có nhiều thứ để học trong khi chơi đùa, vì đó là phương cách tự nhiên để các em tự dạy chính mình, là cách thực hành các kỹ năng để trở thành người lớn hữu ích sau này. Những kỹ năng này không chỉ có trong trường học, mà các em sẽ tự học và thực hành khi chơi với nhau. Chúng còn bao gồm các khả năng tư duy sáng tạo, hòa hợp với người khác, hợp tác có hiệu quả và biết cách chế ngự cảm xúc...

Điều nghịch lý là trong khi Anh kêu gọi cải tổ giáo dục theo hướng “ép” HS phải học nhiều hơn nữa, theo gương các quốc gia châu Á, thì Trung Quốc lại đang nỗ lực giảm tải áp lực học hành cho trẻ. Bộ Giáo dục Trung Quốc năm ngoái đã đưa ra mười quy định nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho HS tiểu học, trong đó giảm thời gian học tại trường, cho ít bài tập về nhà và kêu gọi không xem điểm thi như một phương tiện đánh giá học lực. Theo một cuộc khảo sát quy mô lớn gần đây của các nhà nghiên cứu Anh và Trung Quốc, việc “nhồi sọ” và sản sinh ra một thế hệ “gà công nghiệp” đã khiến HS Trung Quốc bị mắc chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và căng thẳng thần kinh ngày càng cao.

AN KHUÊ (Theo Independent, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI