Anh trai tôi ly hôn vì bị vợ tận thu tiền

15/12/2022 - 13:25

PNO - Anh tôi đem đơn nộp lên tòa án, vợ anh quýnh quáng. Ba má tôi khuyên nhủ nhưng anh dứt khoát: “Con đã suy nghĩ nhiều năm rồi, con muốn làm lại cuộc đời”.

 

Vợ anh luôn nhân danh chính nghĩa để tận thu tiền anh làm ra (Ảnh minh họa)
Vợ anh luôn "nhân danh chính nghĩa" để tận thu tiền anh làm ra (Ảnh minh họa)

Tôi vừa đọc bài Tận thu” rồi phát tiền ăn cho chồng mỗi ngày, có gì hay? trên Phụ Nữ online và rất đồng cảm. Anh trai tôi cũng rơi vào cảnh ngộ trên nên anh vừa ly hôn để sống một cuộc đời khác.

Anh tôi là thợ chính của một xưởng chuyên về nghề hàn tiện ở Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Anh giỏi nghề nên thu nhập khá cao: 15 triệu đồng/tháng – là mức thu nhập cao so với cuộc sống ở nông thôn (anh tôi sống chung nhà vợ ở quê). Lẽ ra, khi thu nhập càng cao thì cuộc sống anh tôi càng thoải mái.

Thế nhưng, điều này ngược lại vì chị dâu tôi tận thu triệt để. Cứ chiều về, vừa tới cửa, vợ ra đón là anh tôi "cống nạp" đủ 500.000đ (thu nhập anh được trả theo ngày). Qua hôm sau, chị phát cho anh 30.000đ, hôm nào đổ xăng thì thêm 50.000đ.

Khi anh tôi than “mẹ cho ba tiền chỉ hơn con được 10.000đ, mẹ tăng lương xíu đi”, thì chị tính: “Anh ăn sáng 30.000đ là quá sang, em toàn nấu cơm đem theo. Trưa, anh đã có chủ lo cà phê, ăn trưa, chiều về ăn cơm nhà. Nếu anh ăn bên mình, đừng qua Long Xuyên ăn thì chỉ tốn 10-15.000đ, vẫn dư hơn phân nửa”.

Ngoài xiết tiền, chị dâu tôi xiết cả thời gian của chồng. Ngoài giờ làm là anh phải ở nhà, hoặc đi đâu thì phải chở vợ theo. Ngay cả về nhà tôi, khi mấy anh em đang ăn, nhậu mà chị dâu gọi điện là anh tôi như cái máy, đứng lên về ngay.

Có lần, anh thứ hai của tôi bực quá nên nói: “Mày làm gì mà sợ nó dữ vậy, mày về trễ một bữa coi nó làm gì, chẳng lẽ nó bỏ mày?”. Nghe vậy, ba má tôi la anh Hai ngay. Vì có lần anh tôi nhậu về trễ thì sáng ngủ dậy, anh đã thấy đơn ly hôn để ở đầu giường và chị đã ký sẵn. Anh tôi sợ gia đình đổ vỡ nên theo năn nỉ vợ và hứa không được đi nhậu nữa.

Chị dâu tôi luôn "nhân danh chính nghĩa" để tận thu chồng: “Mình ráng dành dụm để mai mốt ra riêng, mua đất cất nhà. Rồi còn lo tương lai cho con, em giữ tiền là giữ cho tương lai của vợ chồng mình sau này. Chứ anh đàn ông, tính rộng rãi, giao anh giữ anh cho bạn bè mượn, hay đi nhậu hết thì gia đình mình sau này ra sao?”.

Vì lẽ này mà 7 năm chung sống, anh tôi cung cúc đem tiền đủ cho chị dâu. Nhưng 2 năm qua, anh rất buồn, có những lúc khi say, anh gọi điện tâm sự với tôi: “Sống miết, anh thấy chị dâu mày không có cái tình, chỉ biết tiền và tiền, không cần biết suy nghĩ, cảm xúc của anh sao? Anh cũng có bạn bè, anh cũng có cha mẹ. Nhưng chưa bao giờ anh được cầm tiền và tự quyết định được việc gì, ngay cả má bệnh, anh muốn cho má thêm ít tiền cũng không có. Chị dâu mày nói cho má 1 triệu đồng là đủ rồi, vì má còn nhiều con. Trong khi lâu nay, hầu như anh Hai, thằng út và em lo cho ba má, chứ anh phận là anh mà không giúp được gì. Anh nhục lắm!”.

Anh tôi bị chị dâu siết chặt túi tiền (Ảnh minh họa)
Rất nhiều người đàn ông bị vợ tận thu, siết chặt túi tiền (Ảnh minh họa)

Giọt nước tràn ly khi chị dâu ngày càng quản chồng chặt hơn. Chị không chấp nhận cho anh nghỉ việc đi ăn cưới, giỗ… Chị tuyên bố “anh làm gì không biết, miễn đưa đủ em 500.000đ/ngày”. Do vậy, sau này anh tôi không còn mối quan hệ nào ngoài vợ, gia đình nhà vợ và gia đình tôi. Nhưng anh vẫn muốn được nghỉ ngơi, được đi gặp gỡ bạn bè, được lai rai, chém gió với bạn. Vì vậy, càng ngày, anh càng thấy mặt trái của việc vợ tận thu. Anh xem vợ như một kẻ vô tình, bóc lột. Nỗi buồn, mâu thuẫn càng lớn, khi có những hôm anh làm việc bị đứt tay, hay tia hàn bắn vào mắt đau rát.

“Khi anh về, chị dâu mày chỉ lo thu tiền mà không hề quan tâm gì sức khỏe anh” – anh vừa kể, vừa khóc trong cơn say. Và lần đầu tiên tôi nghe anh nói: “Anh đã suy nghĩ kỹ rồi, chắc anh phải ly hôn. Anh quá ngột ngạt và lâu nay sống chẳng giống con người. Sống nhà vợ cứ phải nhìn mặt ba má vợ mà sống, tối ngày bị ông ba đem so sánh với anh rể thứ hai làm một tháng vài chục triệu. Sống làm gì khi tiền không có, mà tình cũng không, nghĩa cũng chẳng có”.

Tôi nghĩ anh chỉ nói trong lúc say. Thế nhưng, một tuần sau anh đòi ly hôn thật. Chị dâu tôi tưởng chồng nói trong lúc giận nên chị tự ái: “Ừ thì ly hôn”. Thế nhưng, sau khi 2 người ký đơn đồng thuận, anh tôi đem đơn nộp lên tòa án thì chị quýnh quáng. 

Khi đó, cả nhà tôi mới hay. Ba má tôi khuyên nhủ nhưng anh dứt khoát: “Con đã suy nghĩ nhiều năm rồi, con muốn làm lại cuộc đời”.

Là người thân thiết nhất với anh trai, tôi khuyên đủ điều và thật tâm tôi cũng tin chị dâu tận thu chỉ vì muốn nắm tay hòm chìa khóa, vun vén gia đình. Hơn nữa, chị muốn quản tiền và quản anh, để chồng không có tiền đi chơi, lập "phòng nhì".

Tuy nhiên, dù là thiện ý, nhưng cách hành xử, tận thu của chị gây ức chế nơi chồng và lâu dần, anh chỉ thấy ở chị người vợ tính toán, cạn tình, hết nghĩa. Và việc tệ nhất đã xảy ra: gia đình tan vỡ.

                                                                             Hạnh Trang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI