Anh trai, em gái

23/07/2017 - 11:04

PNO - Em gái bốn tuổi, anh trai tám tuổi, hẳn nhiên không ít lúc chành chọe nhau, nhưng đã biết nhớ nhau.

1. Bà vú về quê có việc, buổi tối, mẹ đưa cả hai “siêu quậy” lên giường đi ngủ. “Siêu quậy” anh, vốn rất thích đòi mẹ làm đủ trò trước khi đi ngủ: ca hát, đọc truyện, gãi lưng… Mẹ dứt khoát không chịu, vì nếu chỉ đáp ứng một yêu cầu của anh, thì em cũng có một yêu cầu khác ngay lập tức. Đơn giản vì bạn nào cũng muốn gây sự chú ý về mình. 

Anh trai, em gai
Em gái và anh trai

Em Bống thua anh vài tuổi nhưng lý lẽ và hiểu mẹ hơn anh. Mẹ rất dễ dỗ em im lặng với những lời hứa “ngoan rồi mùa hè mẹ cho đi tắm biển”. Những lời hứa như vậy ít “mầu nhiệm” với những anh con trai. Vì thế, anh Đốm liên tục ngọ ngoạy gây chú ý.

Có lúc mẹ cằn nhằn: “Đốm nhé, mẹ khản cổ, rát họng rồi đấy nhé”. Em gái thỏ thẻ với mẹ: “Mẹ, mẹ đừng nói nhiều chi mệt mẹ. Anh Đốm quậy, bà Hai (bà vú) cho một con lươn là im đó mẹ”.

Mẹ phì cười. Thực ra cả nhà mình vẫn “nói không với bạo lực”, nhưng đôi khi để ứng phó với các trò siêu quậy của anh Đốm, bà vú vẫn hỏi: “Đốm có muốn “ăn lươn” không?”. Và chỉ cần hỏi như thế, anh sẽ tự nghĩ tới hình phạt mà chấn chỉnh mình. 

Tuy vậy, nếu bà vú hay mẹ có giơ roi ra dọa anh, Bống không sợ mà chạy lại can thiệp: “Trời ơi, sao lại đánh con nít thế này?”. Đối với Bống, “con nít” “em bé” là “đối tượng” không được la to, không được đánh đòn… và Bống sẽ bảo vệ anh, dù cân nặng ông anh gần gấp ba em.

Một chốc, anh Đốm đòi gãi lưng, trong khi mẹ vẫn quyết không đồng tình, em Bống nói: “Anh Đốm lại đây em gãi nè”. Và em cẩn thận gãi cho anh, vừa gãi vừa hỏi han xem gãi vậy vừa chưa, có đau không, đau là kêu lên không rách da nhen… Cô nhỏ kiên nhẫn gãi gần 10 phút cho tới khi ông anh ngủ khò. Em nói với mẹ: “Mẹ ơi, con biết anh Đốm ngứa ít hay ngứa nhiều luôn đó mẹ. Con nít ngứa lưng khó chịu lắm đó mẹ”.

Chúng đã cùng đi vào những giấc ngủ bình yên như thế. 

2. Em gái bốn tuổi, anh trai tám tuổi, hẳn nhiên không ít lúc chành chọe nhau, nhưng đã biết nhớ nhau. Em Bống về quê, tít tận Nam Định, bà cô cho mấy quả mận cơm, Bống ngồi ăn, tấm tắc: “Con cảm ơn bà, mận ngon quá”. Bà nói: “Ăn hết đi rồi bà cho thêm”. Em hỏi: “Bà cho con xin thêm bịch ni lông nhen, con đưa về cho anh Đốm”. Mà anh Đốm lúc ấy ở Sài Gòn, cách quê gần 2.000 cây số.

Tới nhà các bác, nếu được cho bánh trái, em đều không ngại hỏi lại: “Bác có cho anh Đốm không?”. Nếu bác nói, có chứ, con cứ ăn đi tí bác phần riêng con đưa về anh Đốm, em mới ăn hết. Nếu ở nơi không thân tình, không dám hỏi phần của anh, em sẽ ăn rất dè xẻn để còn dư ra đem về cho anh. Cũng có khi em thích quá, ăn gần hết bánh, chỉ còn một mẩu trên tay. Và dù vậy, mẩu bánh bé xíu ấy vẫn được chuyển tới tay anh khi về nhà.

Có những chuyến đi chơi xa, mẹ chỉ có thể đưa anh hoặc em đi cùng. Một lần đi biển, không có anh, Bống nhắc tới chục lần: “Anh Đốm cũng thích biển lắm đó mẹ”, “Thương anh Đốm không được tắm biển ha mẹ”….

Mẹ thường lắng nghe những cuộc trò chuyện của hai anh em mỗi đêm. Những cuộc trò chuyện có khi không đầu không cuối. Cô em kiên nhẫn hỏi. Ông anh trai cũng kiên nhẫn không kém khi đáp lại, có lúc hơi cụt lủn vì đang tập trung việc khác hay mải quậy gì đó.

Anh Đốm không giao tiếp tốt nên đôi khi cuộc hội thoại bất ngờ gián đoạn, nhưng một lúc cả hai bạn lại bắt đầu một cuộc hội thoại mới. Hoặc có khi chỉ đơn giản là cùng nhau hát hò, cùng nhau… đếm ngón tay. Những cuộc hội thoại ấy theo tháng, theo năm dài ra, nhiều tiếng cười tiếng nói, nhiều sự quan tâm hơn, và sự gắn kết cũng vì thế sẽ chặt chẽ hơn.

Năm sinh Bống, mẹ không ít băn khoăn, rằng con trai bé nhỏ làm anh rồi đấy, tình cảm có bị san sẻ không… Lúc ấy, thầy Y. của anh Đốm nói rằng, mẹ Đốm ạ, em Bống sinh ra là một món quà tuyệt vời, vô giá nhất dành cho anh Đốm, và bọn trẻ sẽ lớn lên theo cách tốt nhất có thể của chúng khi có nhau. Cho tới giờ, đôi khi nghĩ lại lời thầy Y., mẹ vẫn mỉm cười với thật nhiều thương yêu… 

Võ Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI