Anh trai cư xử với em gái như người lạ

21/10/2019 - 09:24

PNO - Tôi khá sốc trước cuộc sống của cậu bé vừa được vinh danh người con hiếu thảo, học giỏi. Mà sốc nhất là chính cha mẹ em vẫn không hề nhận ra sự bất thường khi con trai mình cư xử với em gái như người xa lạ.

Một bác sĩ bệnh viện nhi đồng kể với tôi, cách đây vài ngày bệnh viện tiếp nhận một bé trai mười bốn tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng liên tục ngất xỉu. Người thân cho biết, trước đây em rất khỏe mạnh và hoạt bát. Em học rất giỏi, nhưng sau khi thi rớt một trường nổi tiếng thì em trở nên trầm tư, ít nói hơn.

Vị bác sĩ nói thêm: “Tôi không biết em học giỏi là do em thích học hay bị gia đình ép. Nhưng hiện tại, tôi thấy em có dấu hiệu bị trầm cảm. Nếu là tôi, tôi sẽ cho con dừng lại. Thà chậm một năm còn hơn chậm cả đời”. 

Anh trai cu xu voi em gai nhu nguoi la
Ảnh minh họa

Câu chuyện của chị làm tôi nhớ tới bé gái hàng xóm. Cô bé rất dễ thương và lễ phép. Nhưng tối nào, tôi cũng nghe người mẹ quát: “Trời ơi, dễ như vầy mà sao mẹ dạy hoài con vẫn không hiểu? Bằng tuổi con, mẹ đã rành rẽ phép cộng, trừ, nhân, chia rồi”. 

Tiếng cô bé rụt rè: “Nhưng ở trường cô giáo chưa dạy phép nhân, chia mà mẹ. Con mới học tới phép cộng, trừ thôi…”.

Người mẹ lại quát: “Con ăn gì mà ngu vậy? Mẹ nói khản cổ mà con không hiểu? Con có muốn được bạn bè yêu mến, nể trọng không? Con muốn sau này thành đạt, kiếm được nhiều tiền hay đi bán vé số? Con phải học giỏi thì mới thành công nghe chưa”. 

Kèm theo tiếng đay nghiến “nghe chưa” là tiếng “bép bép” tới tấp. Đứa trẻ khóc váng lên: “Con xin lỗi mẹ, mẹ đừng đánh con nữa…”. 

Trong một lần dự lễ trao thưởng học sinh nghèo hiếu học cấp thành phố, tôi khá ấn tượng trước thành tích của em N.V.H. học sinh lớp 11 một trường chuyên nổi tiếng: học sinh giỏi mười một năm liền; giải nhất môn toán cấp thành phố, giải nhì môn toán cấp quốc gia, giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh… Điều đặc biệt là cha cậu làm công nhân vệ sinh, mẹ cậu làm tạp vụ. Tôi chọn cậu làm gương mặt tiêu biểu để viết bài đăng báo. 

Nhưng khi phỏng vấn cậu thì tôi thất vọng hoàn toàn. Hỏi chuyện học hành, cậu trả lời ro ro với kiến thức khủng. Nhưng khi tôi hỏi thăm về cha mẹ và gia đình thì mặt cậu cứ nghệch ra. 

Cậu có cô em gái bị khuyết tật ở chân và tự kỷ. Tôi hỏi em gái cậu bao nhiêu tuổi và cậu có thường chơi với em không? Cậu tỉnh bơ: “Em suốt ngày bận học nên không có thời gian chơi với em gái. Em không nhớ chính xác em gái bao nhiêu tuổi, chắc tầm bảy tám tuổi gì đó. Để em hỏi lại mẹ”. 

Tôi kiên nhẫn: “Ba mẹ đi làm vất vả, vậy ở nhà em có phụ giúp ba mẹ làm việc nhà không?”. Cậu trả lời ngay: “Dạ, em bận học nên không làm việc nhà được. Tóc em dài, em còn không có thời gian đi cắt, tới khi bị thầy cô la em mới chịu cắt. Mà ba mẹ em không cho em làm việc gì hết cô ơi, chỉ bắt em học thôi”.

Nhắc đến con, mẹ cậu cười mãn nguyện: “Cháu H. học giỏi lắm, vợ chồng em vui và tự hào lắm. Tụi em tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con học, còn mình cực khổ cỡ nào cũng được. Chỉ cần con học giỏi là tụi em mãn nguyện rồi”. 

Tôi nhìn quanh, bốn bức tường trong ngôi nhà lụp xụp dán đầy bằng khen. Trong suốt cuộc trò chuyện, chỉ thấy niềm vui rạng ngời của cha mẹ cậu khi có con trai học giỏi hơn người. Họ không hề nhận ra đứa con ưu tú của mình chỉ sống cho bản thân và đang thờ ơ, vô cảm với chính người hy sinh cho mình. 

Anh trai cu xu voi em gai nhu nguoi la
Ảnh minh họa

Tôi chứng kiến khi cậu đi học về, vừa lúc cô em gái đang lên cơn gào thét, cào cấu mẹ. Trong khi mẹ phải vất vả dỗ dành em thì cậu điềm nhiên rút vào phòng riêng. Cậu là người duy nhất được ưu tiên một căn phòng riêng để học. Còn cha mẹ và em gái cậu phải kê giường ở ngay phòng khách.  

Tôi khá sốc trước cuộc sống của cậu bé vừa được vinh danh người con hiếu thảo, học giỏi. Mà sốc nhất là chính cha mẹ em vẫn không hề nhận ra sự bất thường khi con trai mình cư xử với em gái như người xa lạ. Bản thân cậu bé cũng chẳng cảm được nỗi vất vả của đấng sinh thành, càng không biết cái lưng thường xuyên đau nhức của mẹ mình đang phải điều trị ở bệnh viện suốt mấy tháng qua.

Giao đứa con gái còn giãy giụa cho chồng giữ, người mẹ lại tất tả dọn cơm cho con trai ăn. Chị dặn dò: “Con ăn xong rồi uống ly nước cam để có sức khỏe mà học”. Cậu bé thản nhiên ngồi vào bàn ăn và xem sự phục vụ của mẹ là tất nhiên. Gia đình không phải khá giả, kinh tế chật vật khó khăn, nhưng H. được chăm sóc, cung phụng như một cậu ấm. Và em mặc nhiên đón nhận điều đó, bởi em nghĩ nhiệm vụ duy nhất của em là học giỏi. Điều này sẽ khiến cha mẹ em rất vui và hãnh diện. 

Học giỏi kiểu như thế thì sẽ được gì? Một con người không thể thành công khi chưa thành nhân, và một đứa trẻ khiếm khuyết tinh thần sẽ rất khó để hạnh phúc, huống gì là đem lại hạnh phúc cho người khác. 

Khánh Phương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI