Anh thử nghiệm vắc xin cá nhân hóa đầu tiên trên thế giới để chữa ung thư

27/04/2024 - 08:06

PNO - Thuốc tiêm mRNA được cá nhân hóa có vai trò kích thích hệ thống miễn dịch của người bệnh, khơi dậy khả năng nhận diện và tìm diệt tế bào ung thư.

Y tá của Bệnh viện Đại học London đang tiêm cho bệnh nhân Steve Young mũi thuốc mRNA đầu tiên — Ảnh: Press Association
Y tá của Bệnh viện Đại học London tiêm cho bệnh nhân Steve Young mũi thuốc mRNA đầu tiên - Ảnh: Press Association

Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh đang thử nghiệm thuốc tiêm mRNA được cá nhân hóa đầu tiên trên thế giới, với kỳ vọng vắc xin có thể “thay đổi tình thế” trong cuộc chiến chống ung thư. Vắc xin được thiết kế riêng cho từng ca bệnh, sử dụng thông tin di truyền cụ thể của chính khối u, nhằm kích thích khả năng miễn dịch của bệnh nhân, báo Daily Mail đưa tin ngày 26/4.

Vắc xin mRNA-4157 (V940) sử dụng liệu pháp tân kháng nguyên cá nhân hóa (INT), dựa trên các đột biến đặc biệt của tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân. Vắc xin dự kiến ​​được thử nghiệm trên khoảng 1.100 bệnh nhân khắp thế giới.

Thuốc tiêm mRNA-4157 được phát triển bởi 2 “gã khổng lồ” ngành dược là Merck, Sharp và Dohme (MSD) cùng với Moderna, 2 công ty đã phát triển thuốc uống và vắc xin COVID-19. Kết quả thử nghiệm ban đầu trên bệnh nhân bị ung thư da nguy hiểm nhất cho thấy, cơ hội sống sót của họ đã được cải thiện.

Tiến sĩ Vassiliki Karantza - phó chủ tịch Phòng thí nghiệm nghiên cứu của MSD - cho biết, Bệnh viện Đại học London (UCLH) đang dẫn đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của liệu pháp này, được các nhà khoa học hy vọng có thể ngăn chặn các bệnh ung thư phổi, bàng quang và thận. Thử nghiệm toàn cầu giai đoạn 3 sẽ có nhiều bệnh nhân hơn, với ít nhất 70 người ở Vương quốc Anh (tại London, Manchester, Edinburgh và Leeds).

Một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm tại UCLH là Steve Young, 52 tuổi, đến từ Stevenage. Ông phải chịu đựng “vết sưng trên đầu” trong khoảng 1 thập niên, trước khi được chẩn đoán là khối u ác tính.

Ông Young chia sẻ, trong suốt 2 tuần ông đã nghĩ đến cái chết. "Cha tôi qua đời vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD khi ông 57 tuổi, tôi đã bi quan rằng mình sẽ ra đi còn sớm hơn thế. Ngay khi họ đề cập đến công nghệ mRNA để chống lại bệnh ung thư, tôi đã nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất của tôi" - ông nói.

Chỉ trong 8 tuần sau khi ntiêm mũi đầu tiên, bệnh của ông Young đã được cải thiện. Nơi từng có khối u như “vết sưng”, giờ chỉ còn lại vết sẹo sau phẫu thuật.

Trường An (theo Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI