edf40wrjww2tblPage:Content
Cũng vẫn nữ ca sĩ đắt show nhất dòng nhạc đỏ hiện nay thành thật: “làm show lãi chứ, đi hát cũng nhiều tiền nhưng tôi chẳng bao giờ đi spa”. Và đặc biệt hơn khi Anh Thơ chia sẻ, thời gian nhiều nhất của chị hiện tại là làm cô giáo và chăm sóc gia đình. Người đàn bà hát ấy cũng tiết lộ một chi tiết rất “cổ hủ” rằng, đến bây giờ chị vẫn là người phụ nữ không thể ăn một miếng ngon mà thiếu chồng con!
Làm nhiều việc hơn một người đàn bà
Ai cũng biết, ca sĩ nhạc đỏ như Trọng Tấn, Anh Thơ có thể “hái” ra tiền. Anh Thơ thừa nhận, cứ có show, đến hát hai, ba bài là có thể mang về vài chục triệu đồng. Bởi thế, chị không ngần ngại cho rằng mình giàu có. Nhưng Anh Thơ lý giải “tôi giàu vì không tiêu nhiều tiền”.
Nữ ca sĩ Sông quê cũng không hề buồn phiền khi được gắn mác “nông dân”: “Mọi người nói tôi nông dân, nhưng tôi kệ, tôi thích mình là mình thôi. Thật ra, nếu lột cái nông dân đi, mình không hát hay được nữa. Trong khi mọi người xung quanh hay sính những thứ xa hoa, những cái làm con người khác đi với bản chất của mình, tôi không làm được”.
Anh Thơ là thế. Chị bảo, trên sân khấu, mọi khát vọng, sức sống đã bộc lộ hết, còn ngoài sân khấu, chị là một người bình thường, sống bình dân và hồn nhiên. Chị sinh ra ở một làng quê thuộc xứ Thanh. Ra Hà Nội đã nhiều năm, thậm chí còn thành danh trước Trọng Tấn, nhưng đến bây giờ chị vẫn thấy mình là nông dân chính hiệu. “Tôi còn nhớ rõ mình cấy như thế nào, cuốc ruộng thế nào, bây giờ cần thì vẫn có thể làm được hết”, chị xuề xòa cười.
Sự xuề xòa quê kiểng ấy chị bảo cũng “vận” vào mọi việc trong đời sống của chị. Nếu ai đó thấy Anh Thơ điệu đà với áo dài kiểu cách trên sân khấu, đừng giật mình khi biết, ngày nào chị cũng đạp xe đạp tập thể dục, trên đường về sẽ tạt vào chợ mua thức ăn, sau đó xách hai, ba túi đồ nào rau, nào thịt lỉnh kỉnh về nhà. Đến cửa, nếu bác giúp việc chưa xong bữa sáng, chị lại lao vào đánh răng, rửa mặt cho con.
Và đặc biệt chị vẫn giữ thói quen, “khi thích ăn một cái gì đó tôi không thể ăn một mình, tôi phải mua về nhà, ăn với chồng, với các con”. Kể thế rồi chị hỏi, chẳng biết làm như vậy có phải không yêu bản thân không? Nhưng hỏi mà không chờ đợi câu trả lời, bởi chị đã quen với cách bà mình, mẹ mình, dì mình làm như vậy từ thuở nhỏ.
Công việc bận rộn: sáng tới giảng đường, chiều luyện thanh, đưa con, đón con đi học, đi biểu diễn nhưng Anh Thơ vẫn chu toàn việc gia đình. Chị khẳng định: “Tôi làm việc hơn một người đàn bà và chắc chắn không thua kém đàn ông. Tôi vẫn hát, đi dạy, thu âm, chăm con, nấu cơm và thậm chí vẫn có thời gian tập thể dục”. Trong con người chị bao gồm nhiều con người khác nhau: một nghệ sĩ, một giáo viên, nhưng nếu cần chị cũng có thể ngồi bán mớ rau, con cá. “Quan trọng là tôi không lấy con người này đặt vào con người kia”, Anh Thơ cười.
Bền chặt một... tình đầu
Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên, nhưng vì quá đông con nên Anh Thơ cũng như nhiều đứa trẻ ở các miền quê khác, lớn lên mà không biết mình có thể làm gì, ước mơ gì. Rồi âm nhạc đến, như xoa dịu những nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai. Dù ngày bé chẳng hiểu được nghệ sĩ, ca sĩ là cái gì, nhưng vì hay hát, hát mọi lúc, mọi nơi, hát trên võng ru em, hát khi nấu cơm ở bếp, khi rửa bát cầu ao nên một ngày, ca hát tự nhiên thành nghiệp.
Tình yêu cũng đến với chị tự nhiên rồi gắn bó như vậy. Chị yêu và lấy tình đầu, sống ấm êm đến hôm nay với hai con gái (một đứa lên 11, một đứa lên 3) mà chị bảo “tôi yêu thương hết lòng và dành thời gian hết sức có thể”.
Không như nhiều ca sĩ có chồng đại gia, Anh Thơ trân trọng người đàn ông thuở hàn vi của mình và hài lòng với những gì chị có. Vì hiểu rất rõ thực chất của những mối quan hệ trong gia đình, hiểu rõ vai trò của mình, nên dù là một ca sĩ, Anh Thơ lúc nào cũng bảo: “Tôi không có thời gian chơi bời, la cà hay tám chuyện. Cứ hết việc tôi phải về với con. Tôi có thể vứt hết hào quang sân khấu sang một bên để vén áo lau nhà, mổ cá, thậm chí lau xe, rửa xe. Tôi thấy mình vui, hạnh phúc khi làm những việc này”. Vậy nhưng, vẫn có một khoảng trống trong tận sâu trái tim nữ nhi thường tình ấy, bởi “cuộc đời mà, vẫn có một lúc nào đó, có những nỗi đau nào đó không thể sẻ chia, phải không?”. Chị hỏi và lại tự trả lời. Nhưng những điều ấy, chị thường để san sớt với những giai điệu, những ca từ. Vậy nên, lúc nào trên sân khấu Anh Thơ cũng say. Chị say đấy mà tỉnh đấy. Bởi người phụ nữ thông minh tự biết mình không ngốc nghếch mà ảo tưởng vào một thứ hạnh phúc trong mơ rồi đòi hỏi quá nhiều. Và chị lại tìm thấy bình an khi biết, mình hạnh phúc vì không tham vọng quá nhiều.
Anh Thơ không chia sẻ nhiều về người đàn ông gắn với chị trong suốt quãng đời tuổi trẻ đến bây giờ. Chị chỉ bảo, mình không có nhiều bạn, vì thời trẻ, chỉ yêu một người rồi lấy luôn người ấy. Sau lao vào học rồi đi hát và cứ thế theo đuổi sự nghiệp. Có lẽ vì vậy, người phụ nữ là chị vẫn giữ được niềm tin thơ ngây trong mình, vẫn tin đàn ông thích cái lõi “gỗ tốt” ở mình hơn. Và vì thế, chị vẫn “cổ hủ” như thường khi cho rằng, sự duyên dáng của người nữ toát ra ở sự chăm chỉ, yêu thương hết mình đối với gia đình. Chị tâm niệm “đã sinh ra là phụ nữ cũng cần phải thấu đáo một điều, phải nỗ lực hơn đàn ông rất nhiều mới đạt được hạnh phúc”.
Nghề chính là ca sĩ, nhưng Anh Thơ bảo, cộng cả thời gian đi hát và dạy ở Nhạc viện chưa chắc đã nhiều bằng thời gian chị dành cho gia đình. Tự nhận là một người tự lập và độc lập, nhưng Anh Thơ lại cho rằng, đã là phụ nữ thì đừng để đàn ông thấy mình biết nhiều quá, cái gì mình cũng làm được.
Khi người viết hỏi chị có thấy mình mâu thuẫn không, Anh Thơ cười: “Có lẽ những mâu thuẫn chằng chịt đó tôi đã có sân khấu hóa giải rồi, nên bây giờ tôi thấy mình cứ thế mà sống thôi”.
Kim Sen