Khoảng tháng 11/1991, khi tôi đang là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa thì được cấp trên điều động về Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Trước khi về, anh Lê Phước Thọ (Sáu Hậu) - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương điện thoại trao đổi công việc với tôi. Về rồi, tôi được phân công làm Phó Ban thường trực kiêm phụ trách các tỉnh miền Trung (các Phó ban khác phụ trách khu vực miền Bắc, TPHCM cùng miền Đông, Tây Nam bộ).
Tôi lo mình vừa rút lên, không đảm đương nổi vị trí “thường trực”. Anh Sáu Hậu gặp, động viên tôi, “Thanh Hóa chưa hết khó khăn, nhưng trên này đang rất cần những người trưởng thành từ cơ sở như đồng chí để thực hiện những nhiệm vụ rất mới”. Qua đó, cho thấy anh Sáu Hậu rất quan tâm những người trưởng thành từ cơ sở và tư duy kiên quyết đổi mới đã thể hiện rất rõ trong cách nghĩ, cách làm của anh.
|
Ông Lê Huy Ngọ (trái) kể lại những kỷ niệm, những ấn tượng trong quá trình từng công tác chung với ông Lê Phước Thọ. Ảnh: Vũ Thống Nhất |
Trước khi về Ban Tổ chức Trung ương, tôi cũng đã gặp anh Sáu Hậu 2 lần và đều để lại ấn tượng trong tôi là sự sâu sát, rất cụ thể trong từng công việc.
Lần đầu, khoảng gần cuối năm 1986 tại Hà Nội trong hội nghị sửa sai “khoán hộ” của Vĩnh Phúc. Lúc này anh Sáu Hậu là Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, còn tôi làm Trưởng ban Quản lý Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, tôi nghe tên và biết anh từng phụ trách một tỉnh nông nghiệp lớn của miền Tây Nam bộ (tỉnh Hậu Giang). Hội nghị đó xem xét, đánh giá rất cụ thể nhiều vấn đề (khoán cần đúng đối tượng, theo từng khâu...). Từ thực tế khoán của các địa phương (Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Hải Phòng…), Ban Nông nghiệp Trung ương đã nghiên cứu, tổng kết rất thận trọng, khách quan để tìm ra cái sai, đúng, hay, dở, để có những đề xuất cụ thể sau này.
Lần thứ hai, khoảng tháng 3 năm 1987-1988, khi tôi làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Anh Sáu Hậu cùng đoàn công tác về làm việc theo ngành dọc, trực tiếp với Ban Kinh tế Tỉnh ủy. Sau khi anh đi thăm, khảo sát khu kinh tế Nghi Sơn (quy hoạch làm khu công nghiệp lọc dầu) tôi và anh gặp nhau trao đổi công việc liên quan.
Đại hội VI của Đảng (năm 1986), chỉ rõ: Cách mạng Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới, trước yêu cầu mới, công tác xây dựng Đảng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trở thành “nhiệm vụ then chốt”, sống còn của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã có đổi mới kinh tế (khoán 10…) thì cần nhanh chóng đổi mới về con người, trước tiên là đội ngũ cán bộ đảng viên.
Giai đoạn 1991 - 1996, đặc biệt là 1991 - 1992 bối cảnh thế giới và trong nước rất phức tạp. Năm 1991, xảy ra sự kiện Đảng Cộng sản Liên bang Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội lâm vào “thoái trào”; tư tưởng một bộ phận cán bộ đảng viên dao động; tình hình mất đoàn kết nội bộ Đảng ở các cấp, các ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có nhiều mức độ khác nhau, có nơi nghiêm trọng, kéo dài; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xa rời quần chúng... diễn biến đáng lo ngại.
Trong bối cảnh đó, Ban Tổ chức Trung ương đã nỗ lực, làm quyết liệt và thực tế đã làm được rất nhiều việc. Chỉ riêng việc triển khai nghiên cứu, thực hiện 4 Đề án nhỏ (Công tác chính trị tư tưởng; công tác cán bộ; công tác tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; phương thức lãnh đạo của Đảng) nhằm tham mưu cho Trung ương ra Nghị quyết số 03-NQ/TW (26/6/1992) “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng" đã đòi hỏi rất cao về công sức, chất xám (công tác điều hành, tập trung trí tuệ, phong cách làm việc....). Để thực hiện các đề án trên hiệu quả nhất, Ban Tổ chức Trung ương còn mời các ban ngành, cấp ủy liên quan, những lão thành cách mạng, các nhà lý luận, chuyên gia đầu ngành tham gia cộng tác, đóng góp.
Với tư cách Trưởng ban Tổ chức Trung ương, anh Sáu Hậu phải quán xuyến, quan tâm chỉ đạo cả 4 Đề án. Anh Sáu phân công phân việc rất rõ ràng cho từng cá nhân, bộ phận liên quan. Cá nhân tôi được anh Sáu Hậu giao phụ trách thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”. Đề án này “mới và khó”, không thuộc dạng “truyền thống” nên anh Sáu Hậu luôn quan tâm, động viên trong quá trình làm.
Tôi và các anh em trong Tiểu ban đề án đi xuống các địa phương khảo sát, nắm tình hình thực tế một thời gian dài; đi một số nước xem cách thức, phương thức lãnh đạo, điều hành của các Đảng cầm quyền. Những kinh nghiệm thực tế, tâm huyết tại các địa phương tôi từng tham gia giải quyết (Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Thái Bình...) được vận dụng và trao đổi với anh Sáu khi thực hiện đề tài.
Nghị quyết Trung ương 3 về “Đổi mới và chỉnh đốn Đảng” ra đời đã tạo sinh lực mới, sức chiến đấu mới; góp phần phát huy đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”; tạo sự dân chủ rộng rãi, sâu sắc hơn, nâng cao sự đoàn kết trong Đảng cùng mối quan hệ hài hòa giữa Đảng với chính quyền, giữa dân với Đảng… Đây là những vấn đề quan trọng, then chốt để phát huy sức chiến đấu của Đảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhiều vấn đề mà Ban Tổ chức Trung ương giai đoạn đó làm được vẫn có tác dụng, hiệu quả cho đến nay.
|
Ông Lê Phước Thọ (đứng thứ 3 từ phải vào) trong lần về thăm người dân vùng căn cứ xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) vào năm 2017. Ảnh: Vũ Thống Nhất |
Làm cán bộ tổ chức đòi hỏi cái tâm, cái tầm dữ lắm. Trong công việc, anh Sáu Hậu là người có tầm nhìn xa, có những ý tưởng rất chủ động, sáng tạo. Và đặc biệt luôn tôn trọng nguyên tắc, đặt quyền lợi tập thể lên trên.
Tôi nhớ có lần đi công tác tại Lào khi về bạn đưa ít tiền cho anh xài dọc đường, anh cũng báo và đưa lại cơ quan. Chuyện dù nhỏ nhưng thật đáng trân trọng. Ấn tượng về anh Sáu Hậu để lại từ những việc rất cụ thể.
Anh Sáu trưởng thành từ cơ sở nên trong công tác, sinh hoạt anh không áp đặt mà dân chủ, chịu khó lắng nghe mọi ý kiến; phong cách làm việc rất sâu sát, cụ thể; làm gì cũng chu đáo, đâu ra đó, “lật đi lật lạị”, nhiệt tâm tới cùng.
Ai mới gặp thì hơi ngại nhưng hiểu anh rồi lại quý mến. Anh khá kiệm lời, ít nói; khi nói thì có chiều sâu. Làm cùng là cùng cộng tác, bình đẳng nên anh luôn tôn trọng, gần gũi, thông cảm, chia sẻ thực lòng; có góp ý thì chủ yếu động viên để anh em tự sửa, phát triển hơn.
Anh Sáu sống rất tình cảm, ứng xử vẹn tròn. Khi tôi chuyển sang công tác ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, anh vẫn sang thăm, động viên. Đặc biệt, lần nào gặp anh cũng đau đáu vì sự phát triển bền vững cho quê hương, cho vùng đất Nam bộ; tiếp sau kênh T1, T2... ta nên làm cái gì? Phát triển đến mấy cũng cần nhớ đặc trưng sông nước luôn gắn với cuộc sống người dân nơi đây…
Nghỉ hưu rồi, mỗi lần có dịp ra Bắc anh đều hỏi thăm gia đình những người từng công tác với mình. Có đặc sản phương Nam (mắm tép, cá, tôm…) là anh kêu anh em đến ăn chung. Tôi vô Cần Thơ, đến nhà thăm thấy anh làm vườn say mê, rành rẽ càng kính nể, thấy rõ một con người tự rèn luyện, tự vươn lên…
|
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (phải) và ông Lê Phước Thọ trong buổi giới thiệu quyển sách "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước" vào năm 2020. Ảnh: Duy Khôi |
Cuốn sách “Dấu chân in đậm trên quê hương đất nước” của anh, tôi đọc hết, đọc rất kỹ bản thảo trước khi được in ra. Đọc xong càng thấy quý trọng anh, một con người từng trải, trưởng thành từ cơ sở đi lên; có phương pháp công tác sát với thực tiễn, lấy thực tiễn soi lại lý luận; luôn gắn với dân, hiểu điều dân muốn, san sẻ cùng dân; chịu dấn thân vào những thời điểm, địa bàn khó khăn, ác liệt của quê hương, đất nước.
Trong sách thấy anh có ý định khi mất thì đưa về quê. Tôi rất thích và cảm phục điều này, bởi nó phản ánh đúng với cách sống bình dị mà “nặng tình” của anh Sáu Hậu.
Lê Huy Ngọ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn