Sau thời khắc 0g ngày 31/5, TPHCM bước vào 14 ngày “lặng im” nhưng vô cùng quan trọng trong cuộc chiến dai dẳng với biến chủng vi-rút và những con số ca dương tính không ngừng tăng lên từng giờ. Như một định luật bảo toàn, ngay khi các lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại tâm dịch Gò Vấp, hay những khu vực khác trên toàn thành phố, ghi nhận đầu tiên của chúng tôi phần nhiều vẫn là những câu chuyện tình làng, nghĩa xóm của người dân sống tại thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tin nhắn của cô giáo gửi cho các bạn trong lớp có ca F1 Trường THCS P.T.H. (quận Gò Vấp) - Ảnh: Hồng Miên
“Đợi bác đi rồi hẵng ra lấy, đang dịch mà con”!
Ngoài phố, những cửa hiệu, hàng quán cửa đóng kín mít, những con đường ngày thường ken dày xe cộ và khói bụi, giờ trở nên vắng lặng và rộng thênh thang. Hình ảnh đó dễ khiến người ta có cảm giác mọi hoạt động nơi đây dường như đang dừng lại. Nhưng không, sau những cánh cửa im ỉm đóng của mỗi ngôi nhà ở thành phố này, là sức sống nghĩa tình đang sục sôi và không ngừng lan tỏa.
Ý An (ngụ hẻm 100 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận) kể qua tin nhắn: “Cách đây ba ngày, hẻm nhà tôi xuất hiện hai ca dương tính có liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, y tế phường lập tức kéo hàng rào xuống phong tỏa một phần con hẻm. Vì việc phong tỏa diễn ra rất nhanh và khá bất ngờ, nên bà con trong xóm đâu có kịp chuẩn bị đồ ăn cho gia đình mình. Thế là các hộ dân trong và ngoài khu vực phong tỏa lập tức kết nối với nhau qua Zalo. Người bên trong nhờ người bên ngoài đi chợ giúp. Trong xóm toàn các bác trung niên, mà có mỗi hai bác có xe máy, luân phiên chở các bà các chị đi mua đồ về cho cả xóm. Tôi mới giải cứu nông dân được 20kg khoai lang, cũng vừa chia hết cho cả xóm cùng ăn”.
Theo Ý An, không biết các khu vực phong tỏa khác không khí thế nào, chứ nơi cô ở, bà con ai nấy đều lạc quan nhưng không hề chủ quan. Mọi người đều quan tâm nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe, và luôn trong tâm thế sẵn sàng sẻ chia mọi thứ mình có, dù cái chợ chỉ cách hẻm ba phút chạy xe đạp. “Thậm chí thấy mấy anh dân phòng canh chốt cực quá, mấy bác trong xóm còn bảo thôi con về nghỉ để bác canh cho. Mà nói vậy chứ có ai bước qua cái hàng rào giãn cách ấy đâu. Mọi người đều ý thức sự nguy hiểm của việc lây lan biến chủng mới, chỉ dám ra ngoài khi thật sự cần thiết”, cô kể.
Tối 31/5, chị Lê Thụy Dương (ngụ quận Gò Vấp) - người cung cấp rau sạch, thịt sạch qua mạng - đã chia sẻ một câu chuyện dễ thương lên trang cá nhân. Chị kể, chị vừa nhận được một tin nhắn của khách, nhờ chị chuyển lời cảm ơn đến bác giao hàng nhà chị: “Bác cẩn thận và nhiệt tình lắm. Bác tới là dặn liền. Con đứng đó, đứng xa bác ra. Bác đi nhiều chỗ lắm, đừng lại gần bác. Đứng đó rồi bác bê qua cho. Đợi bác đi rồi hẵng ra lấy, đang dịch mà con. Bác đi lung tung nên bác giữ cho người ta chứ. Em cũng cười nói, dạ con cảm ơn bác. Bác đi lại nhiều, cũng giữ sức khỏe nhé. Bác bảo bác cẩn thận lắm, hai cái khẩu trang lận nè con. Mùa dịch khó khăn lắm con ơi, còn đi giao hàng được là mừng rồi”. Bài đăng của chị Dương nhận được rất nhiều lượt thích và chia sẻ. Bên dưới phần bình luận, người ta không ngớt để lại lời cảm ơn bác giao hàng rất ý thức và quan tâm đến sức khỏe cộng đồng.
Các dân quân đến những hộ trong khu phố bị phong tỏa tại hẻm 100 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, để tặng quà ngày Quốc tế Thiếu nhi cho các em bé đang cách ly tại đây. Mẹ của em đã chia sẻ hình ảnh dễ thương này với ý nghĩ các chú dân quân cũng cần được động viên để lấy động lực đi đường dài - Ảnh: Phương Chi
Những ngày dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là ở các khu vực nằm sâu trong tâm dịch quận Gò Vấp, ai cũng biết sự lo lắng, bất an là phản ứng không thể tránh khỏi, nhưng mọi người vẫn liên tục truyền nhau những hình ảnh hài hước, những câu nói có khả năng tạo “trend”, chỉ để cố tạo ra những tiếng cười trấn an trong lúc này với hy vọng làm nỗi lo dịu đi đôi chút.
Những lời động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh cũng không ngừng được gửi đi. Một giáo viên Trường THCS P.T.H. (phường 16, quận Gò Vấp) nhận tin học sinh lớp mình là F1 đã lập tức thông báo qua tin nhắn: “Em X., lớp Y. hiện là F1 của mẹ (mẹ đã có kết quả dương tính với COVID-19 do tiếp xúc với hàng xóm là thành viên hội thánh). Nên các em học sinh lớp Y. xem lại: em nào có tiếp xúc với bạn X. từ ngày 18/5/2021 thì nói ba mẹ đưa đi khai báo y tế tại trạm y tế phường nơi cư trú nha”.
Trong tin nhắn gửi cho học sinh để các em nắm được tình hình và hỗ trợ công tác truy vết, cô giáo không quên nhắc nhở: “Các con nhớ nhắn tin hỏi thăm, động viên bạn và gia đình vượt qua khó khăn này nha!”. Từ lời khuyên chân thành của cô, chắc chắn những tin nhắn yêu thương đến từ tập thể lớp Y. và toàn thể học sinh Trường THCS P.T.H. sẽ không ngừng được gửi đi, ngay trong lúc sự hoang mang và lo lắng vẫn chưa được dừng lại.
Thắp lên ánh sáng yêu thương
Chúng tôi có không ít đồng nghiệp ngụ tại phường 3, quận Gò Vấp - nơi có các ca dương tính liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Dù ở cách “ổ dịch” đến mấy khu phố và cả khi chưa có lệnh giãn cách của chính quyền thành phố, nhưng họ vẫn chủ động ở nhà, chờ tổ trưởng tổ dân phố đến hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm bắt buộc trên toàn phường. “Chúng ta đang đứng trước trách nhiệm công dân to lớn khi cùng tuân thủ thực hiện giãn cách toàn xã hội”, một nhà báo nhẹ nhàng chia sẻ.
Trông dáng người lom khom của luật gia Đan Phú Thịnh khi mò mẫm đến khu vực chợ Thạch Đà (phường 9, quận Gò Vấp) sáng 31/5 để tiếp tế cho vợ chồng người bạn già đang thực hiện cách ly tại đây, ai cũng bùi ngùi. Vì quá lo lắng cho bạn, ông cho biết đã cố đợi ở các chốt canh nhiều giờ, với sự cầu may sẽ có những “nới lỏng”. Và quả thực đã có những thay đổi uyển chuyển theo tình hình thực tế bởi chính quyền địa phương giúp ông len lỏi đến được nơi này. “Mật ong rừng từ người nhà trên Kon Tum gửi xuống, cà phê và bơ mua ở Đắk Nông, tôi đem vào gửi cho vợ chồng ông bạn già đang bị cách ly tại chỗ làm cùng hàng chục nhân viên khác. Chả làm được gì vào lúc này. Điều duy nhất tôi có thể làm là muốn cho bạn biết tôi và mọi người đều ngày ngày hướng về họ. Mong cho tất cả bình an”, ông Thịnh chia sẻ.
Tối đầu cách ly toàn thành phố, rời tòa soạn, ngang qua khu vực cách ly tạm thời đường Hòa Hưng (quận 10), chúng tôi chứng kiến một số hàng quán tạm ngưng, nhưng lại mang những phần thức ăn cho mấy anh bảo vệ dân phố đang làm nhiệm vụ chốt canh. Điều tương tự cũng đã diễn ra trước đó tại tâm dịch Gò Vấp.
Trong tình hình dịch bệnh diễn tiến hết sức phức tạp, vừa tập trung chống dịch vừa làm công tác chuyên môn, nhưng nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn cố gắng chăm lo cho các bệnh nhi nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6. Hơn 1.000 phần quà gồm bánh, sữa, gấu bông, suất cơm đã được trao đến các bé đang điều trị tại tất cả các khoa. Thông thường, bệnh viện tổ chức chương trình văn nghệ và tặng quà cho các em. Năm nay, chính vì việc bảo đảm giãn cách lại tạo cho trẻ sự thú vị, bất ngờ, khi những phần quà đó vẫn âm thầm đến với các em trong quá trình khám chữa bệnh. Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ bí mật tặng quà cho bệnh nhi trong lúc thăm khám. Một điều dưỡng cho hay, chỉ thương đám trẻ con. Mọi năm ngày thiếu nhi được chơi rất vui. Món quà của bệnh viện chỉ mong giúp trẻ mau chóng đi qua trải nghiệm buồn này. Vậy mà, dường như em nào cũng ý thức đang dịch bệnh, không vòi vĩnh cha mẹ hay nhân viên y tế bất cứ điều gì.
Chiều 1/6, một người bạn là dân quận Gò Vấp tặc lưỡi, thời điểm này mà ra khỏi nhà, sẽ chỉ thấy những con đường huyết mạch của quận hầu như không một bóng người. Các cửa nhà đóng sập khiến mới ban chiều mà cứ tưởng phố xá đang chìm trong bóng tối. Nhưng theo chúng tôi, dường như không phải vậy. Bởi bên trong mỗi ngôi nhà, mỗi con người, mỗi chúng ta đều đang nỗ lực thắp lên ánh sáng của tình yêu thương. Ánh sáng đó rực rỡ hơn hết thảy mọi ánh sáng trên thế gian này. Và chính nó lại tiếp tục thắp lên niềm tin đất nước mình rồi sẽ đẩy lùi dịch bệnh như đã từng.