Ánh sáng nhân tạo liên quan đến nguy cơ ung thư tuyến giáp

21/03/2021 - 11:54

PNO - Sống trong khu đô thị nhộn nhịp luôn phải đối mặt với ô nhiễm ánh sáng ban đêm và gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.

Ánh sáng nhân tạo và nguy cơ ung thư tuyến giáp

Nghiên cứu công bố trực tuyến gần đây trên ấn bản Cancer - tạp chí được đánh giá ngang hàng của Hiệp hội Ung thư Mỹ - cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng quá nhiều ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với nguy cơ gia tăng ung thư tuyến giáp.

Trưởng nhóm nghiên cứu Qian Xiao - trợ lý giáo sư tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở Houston - cho biết: “Những bằng chứng được xác lập cho thấy mối liên hệ của việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm và sự gián đoạn nhịp sinh học. Chúng tôi hy vọng nghiên cứu sẽ thúc đẩy việc xem xét thêm mối quan hệ giữa ánh sáng vào ban đêm với bệnh ung thư và các bệnh khác”.

Trong nghiên cứu, Xiao và nhóm của cô đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu sức khỏe và chế độ ăn uống NIH-AARP trên những người trưởng thành ở Mỹ từ 50 đến 71 tuổi trong giai đoạn 1995-1996.

Đồng thời, họ so sánh dữ liệu hình ảnh vệ tinh - để ước tính mức độ ánh sáng vào ban đêm tại nơi ở của mỗi người tham gia - với dữ liệu từ các cơ quan đăng ký ung thư của tiểu bang tính đến năm 2011.

Họ phát hiện trong số hơn 464.000 người tham gia, được theo dõi trung bình khoảng 13 năm, có 856 trường hợp mắc ung thư tuyến giáp, trong đó bao gồm 384 nam giới và 472 phụ nữ.

Kết quả cho thấy, những người sống ở 20% khu vực mà lượng ánh sáng vào ban đêm cao nhất có nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn 55% so với những người sống trong 20% khu vực có mức chiếu sáng thấp nhất.

Những người sống tại khu vực có lượng ánh sáng nhân tạo về đêm cao thể hiện sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp
Những người sống tại khu vực có lượng ánh sáng nhân tạo về đêm cao tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra mối tương quan này ở phụ nữ mạnh hơn so với nam giới, tập trung ở các trường hợp ung thư khu trú không có dấu hiệu lây lan sang bộ phận khác của cơ thể. Riêng với nam giới, mối liên quan này mạnh mẽ hơn tại các giai đoạn ung thư tiến triển.  

Sự khác biệt trên vẫn duy trì, bất kể yếu tố kích thước khối u và nhân khẩu học của người tham gia - bao gồm các đặc điểm xã hội học và chỉ số khối cơ thể (cân nặng).

Đâu là nguyên nhân?

Nhóm của Xiao đưa ra giả thuyết rằng sự gián đoạn vì ánh sáng đối với hormone và nhịp sinh học tự nhiên (ngày/đêm) của mỗi người đã góp phần dẫn đến ung thư.

Cụ thể, ánh sáng vào ban đêm ngăn chặn melatonin tự nhiên, một chất điều chỉnh hoạt động của estrogen. Thiếu melatonin có thể làm suy giảm khả năng chống lại khối u của cơ thể. Đồng thời, ánh sáng vào ban đêm cũng có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể - một yếu tố nguy cơ ung thư.

 

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng nhân tạo góp phần gây hại đến sức khỏe vì làm gián đoạn quá trình sản sinh hormone cũng như nhịp sinh học
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng nhân tạo góp phần gây hại sức khỏe vì làm gián đoạn quá trình sản sinh hormone cũng như nhịp sinh học

Bác sĩ Shuchie Jaggi - chuyên khoa nội tiết, tiểu đường và chuyển hóa tại trung tâm Northwell Health ở New York, người không tham gia nghiên cứu - cũng đồng ý rằng ánh sáng ban đêm có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp thông qua tác động đối với hormone.

Dù vậy, bác sĩ Jaggi lưu ý rằng nghiên cứu còn một thiếu sót bởi vì nó dựa trên hình ảnh vệ tinh, kết quả chỉ có thể kiểm tra mức độ ánh sáng ngoài trời vào ban đêm, chứ không xác định rõ liệu mọi người có bật đèn trong nhà hay không.

Linh La (theo WebMD, ACS journals)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI