PNO - Chỉ trên nền tự chủ thực chất ấy, sau ngày 1/7, giáo dục đại học Việt Nam mới có thể khai phóng và tiệm cận chân lý; bằng không sẽ còn nữa những cuộc xung đột, cãi vã tay đôi, tay ba...
“Từ nơi đây, ánh sáng sẽ chiếu đến khắp nơi trong vũ trụ” - một khải thị của Trường đại học Tôn Đức Thắng. Liệu “ánh sáng, nhân văn và học thuật” của nền giáo dục đại học nước nhà có rọi khắp dải đất chữ S này, hay chỉ quẩn quanh, lùng bùng trong sự xung đột từ ngấm ngầm thành “trái phá” giữa Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn với chính đơn vị trực thuộc của mình - Trường đại học Tôn Đức Thắng.
Những tranh cãi giữa Đại học Tôn Đức Thắng và cơ quan chủ quản - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy "tự chủ đại học" vẫn còn là chuyện rất xa xôi
Những bất đồng về tính chính xác trong thông tin liên quan đến nguồn gốc tài sản, thời hiệu áp dụng các văn bản và diễn biến thực tế cứ tha hồ quăng quật qua lại. Vì vậy, dù không muốn “đôi co với cơ quan cấp dưới... ảnh hưởng tâm lý sinh viên của trường và dư luận...” như lời đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn; hay về phía nhà trường, hẳn cũng chẳng lấy gì làm hay ho khi sự việc bùng nổ ngay trước mùa tuyển sinh thì tất cả là cuộc bày biện khá xấu xí trong cách thức giải quyết vấn đề, nhất là những vấn đề mang tính bản chất của xung đột, vốn dĩ đã âm ỉ từ lâu.
Chỉ hơn nửa tháng nữa, ngày 1/7, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực, một phần trong bộ luật sửa đổi ấy - tính tự chủ đại học sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, được luật hóa chính thức sau một thời gian thí điểm. Liệu bài học - xung đột của Tổng liên đoàn và Đại học Tôn Đức Thắng có giúp cho các nhà biên soạn nghị định có thêm kinh nghiệm trong các giải pháp làm chính sách ít nhiều còn mắc mứu mà bản chất “tự chủ” đã bị nhập nhằng, có khi hoán đổi giữa giám sát sang kiểm soát; đã hoàn toàn tắc nghẽn tiếng nói đối thoại tích cực, cần thiết giữa đơn vị giáo dục đại học và cơ quan công quyền.
Chắc chắn đó sẽ không chỉ là bài học đầu tiên, nếu khúc xạ chương trình Vatel của Trường đại học Hoa Sen (và bản thân sự nổi chìm của ngôi trường một thời uy tín này) để minh định “một sáng kiến có ý nghĩa của Trường đại học Hoa Sen” hay là cú vạch lá tìm... sai để kết liễu một mô hình khai phóng giáo dục; cũng không là bài học sau cùng bởi những mâu thuẫn nội tại - qua “câu chuyện” Tổng liên đoàn và Trường đại học Tôn Đức Thắng - vẫn chưa có cơ sở lý giải, giải quyết.
Trên con đường tự chủ toàn phần hay bán phần thì ở đó, vai trò của Nhà nước, của hệ thống cơ quan công quyền vẫn luôn hiện diện, ở nhiều cấp độ, đó là điều cần thiết. Nhưng, hiện diện để đảm bảo “vai trò trọng tài chống lại quyền lợi cục bộ của các khoa, ngoài ra không nên can thiệp vào”, cũng như “Nhà nước có vai trò bảo vệ tích cực đại học chống lại các sự lệ thuộc xa lạ của các nhóm lợi ích kinh tế để bảo vệ sự tự quyết của đại học trong hoạt động đi tìm chân lý” (Đại học - Định chế giáo dục cao thay đổi thế giới - nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM).
Ở đây, khi Tổng liên đoàn điểm lại lịch sử chuyển giao ngôi trường mang tên người-công-nhân-kiệt-xuất Tôn Đức Thắng đã có nói về nào là lãnh đạo, chỉ đạo; cấp phát cho trường nhiều nguồn lợi dưới nhiều hình thức với trị giá trên cả ngàn tỷ đồng, trong đó ưu đãi đất đai, kinh phí.
Vâng, thì đó hẳn là trị giá hiện hữu, thậm chí trị giá ấy còn lớn hơn rất nhiều (mặc dù phía nhà trường đã phản bác các thông tin liên quan đến con số 1.000 tỷ đồng mà Tổng liên đoàn nêu ra), và cả giá trị không thể cân đếm được là “sự đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Tổng liên đoàn...”.
Tuy nhiên, nên đặt các giá trị gốc lẫn phái sinh trong mục tiêu, ý chí và trách nhiệm chính trị ban đầu lẫn đến bây giờ - khi thành lập trường, là trách nhiệm nhà nước trong việc thiết lập định chế giáo dục - thông qua giáo dục đại học.
Trong định chế giáo dục ấy, cụ thể là Trường đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng có vị thế chính trị của chính quyền TP.HCM. Vì vậy, đó là cuộc xác lập sòng phẳng, không hề là sự vay mượn, hào phóng ban phát để phải ít nhiều chịu hàm ơn, hay... vô ơn, nếu không làm đẹp lòng nhau.
Lại nói về cái văn bản - “đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế”, nếu đã đưa ra từ năm 2017, đơn vị cấp dưới không thực hiện, nghĩa là đã có vấn đề, tại sao không giải quyết, hoặc yêu cầu giải trình hoặc phải bãi bỏ; đằng này vẫn tiếp tục lặp lại.
Vấn đề không phải là “chưa thu đồng cắc nào”, cũng không hẳn là “Thường trực và Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn chưa phê chuẩn và triển khai” mà nó đã, vẫn, đang tồn tại - ở cấp phòng ban chuyên môn, thể hiện qua nội dung kiến nghị của đoàn kiểm tra của Tổng liên đoàn.
Đó là một sự tồn tại, đúng hơn là “nỗi ám ảnh” lửng lơ của một kiểu tư duy, cách thức làm việc tước đoạt tính tự chủ, như tôi nói ở trên, từ giám sát - giải trình sang kiểm soát - báo cáo.
Gần 15 năm trước, giáo sư Hoàng Tụy đã khẩn thiết yêu cầu: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan trung ương không nên ôm hết mọi việc lớn nhỏ để rồi xử lý rất quan liêu, trên hình thức thì quá chặt chẽ nên trói buộc sáng kiến của những đơn vị nghiêm túc, trên thực tế lại quá lỏng lẻo, tạo nhiều sơ hở dễ bị lợi dụng. Cần phải trả về cho các đại học quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trong hàng loạt các vấn đề ấy, làm sao cho quyền tự quản của các đại học lớn Việt Nam không quá thấp so với các đại học nước ngoài”.
Trường đại học Tôn Đức Thắng hẳn nhiên có những thiếu sót, cần chấn chỉnh và kiện toàn. Nhưng tạo dựng một uy tín về học thuật, nghiên cứu; xác lập vị thế cao trên các khung tham chiếu đại học uy tín của khu vực và toàn cầu, là thành quả của một thời điểm đột phá và thời kỳ xây dựng, phát triển uy tín, chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học của TP.HCM.
Nó xứng đáng được thừa nhận và gìn giữ, tiếp sức cái khát vọng mở đường như tinh thần của Người Thợ Máy Việt Nam trên chiến hạm ở Biển Đen năm xưa, người khai sinh ra tổ chức Công hội, tiền thân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.
Trong tất cả quyền tự chủ, tự chủ về học thuật, tự chủ về con người là điều cần được tôn trọng, tuân thủ; tự chủ tài chính thì phải đảm bảo tính minh bạch và công khai. Chỉ trên nền tự chủ thực chất ấy, sau ngày 1/7, giáo dục đại học Việt Nam mới có thể khai phóng và tiệm cận chân lý; bằng không sẽ còn nữa những cuộc xung đột, cãi vã tay đôi, tay ba...
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.