Ánh sáng kỳ diệu của Bboy Lee

10/10/2020 - 06:48

PNO - Dù gia đình phản đối, dù vấp phải định kiến của nhiều người, Bboy Lee vẫn kiên định với breakdance, bởi anh biết đây mới chính là cuộc đời mình.

Ngã rẽ cuộc đời trong tích tắc

Căn nhà nằm sâu trong hẻm 405, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM cứ mỗi buổi chiều lại sôi động tiếng nói cười, những màn tập luyện vã mồ hôi hột của học viên breakdance. Có những em chưa bước vào lớp một và có những học trò đã gần bước sang tuổi trung niên. Thầy giáo đứng lớp là á quân Thử thách cùng bước nhảy 2015 Bboy Lee (tên thật Lê Hữu Phước). Phước có dáng người nhỏ nhắn nhưng niềm đam mê và tham vọng lớn hơn vóc dáng anh rất nhiều.

Phước chính thức được khán giả biết đến khi xuất hiện trên truyền hình vào năm 2015. Nhưng anh đã theo đuổi bộ môn này từ 12 năm trước, khi mới 11 tuổi. 

Phước nhớ lại: “Chiều hôm đó đang ăn cơm, tôi vô tình xem được một chương trình truyền hình, trong đó có nhảy breakdance. Tôi lập tức bị cuốn vào với những động tác xoay đầu, trồng chuối... Sao mà thú vị quá! Chỉ trong tích tắc, tôi nghĩ mình phải học. Và từ chiều hôm ấy, cuộc đời tôi đã thay đổi”.

Thời điểm đó, breakdance chưa thật sự phát triển tại Việt Nam. Vì thế, Phước chủ yếu học qua video, tìm tòi trên mạng hoặc giao lưu qua blog với những đàn anh trong cộng đồng. Con đường phía trước khá mờ mịt nhưng có một thứ ánh sáng kỳ diệu dẫn lối Phước - chính là đam mê.

Breakdance đòi hỏi khá nhiều yếu tố: sự dẻo dai, uyển chuyển của một vũ công, sức khỏe và sự chịu đựng tốt của một vận động viên. Nhiều động tác phải dồn lực vào một điểm như cổ tay, đầu, lưng... khiến Phước chấn thương liên tục, đây là một trong những lý do khiến cha mẹ không đồng ý để anh 
tiếp tục.

“Cứ mỗi chiều đi học về, tôi sẽ lẻn ra ngoài để tập luyện với những đứa trẻ hàng xóm. Cha mẹ cấm đoán quyết liệt nhưng không thể ngăn được tôi vì chỉ khi được nhảy, tôi mới là chính mình. Cảm xúc ấy rất khó tả mà sau này đến khi có tình yêu đầu đời, tôi mới biết nó tương tự như vậy”, anh nhớ lại.

Rồi Phước bắt đầu mở lớp dạy những đứa trẻ trong xóm với mức học phí 20.000 đồng/tháng. Số tiền tuy nhỏ nhưng là cách để anh chứng minh với phụ huynh rằng thú vui cũng có thể tạo ra thu nhập chính đáng. Lúc này, cha mẹ anh đã “xuôi xuôi” nhưng vẫn luôn đặt vấn đề: phải tìm một nghề nào đó ổn định chứ không thể lông bông như vậy nữa. Chưa kể, Phước cũng chịu không ít sự dè bỉu, nghi ngại từ mọi người xung quanh. Họ nghĩ rằng breakdance thường dành cho những người vô công rỗi nghề, phá phách, tội phạm... 

“Thời điểm đó, breakdance vẫn còn hạn chế nên việc mọi người nghĩ chưa đúng cũng là điều khó trách. Song, bản thân tôi biết nó không xấu là được. Không ai có thể sống thay cuộc đời chúng ta và cũng chẳng ai có thể hiện thực hóa ước mơ thay mình nếu không cố gắng, kiên trì và nỗ lực đến cùng. Hạnh phúc khi được là chính mình quan trọng hơn rất nhiều so với những định kiến ngoài kia”, anh chia sẻ. 

Năm 2008, Phước bắt đầu biến đam mê, thú vui thành một nghề thực thụ. Anh tập 8-12 tiếng mỗi ngày và tìm cơ hội được đi biểu diễn. Năm 2009, Phước chuyển ra Hà Nội để sinh sống vì tại đây hip hop, breakdance đang phát triển khá mạnh. Ngoài học nghề từ các đàn anh, Phước có thể tìm kiếm cơ hội bước ra quốc tế. Lúc này sự “lì đòn” của Phước đã thật sự thuyết phục được cha mẹ.

Bboy Lee nhảy giữa đường phố ở TP.HCM  do nhiếp ảnh gia Little Shao ghi lại dịp tết 2019
Bboy Lee nhảy giữa đường phố ở TP.HCM do nhiếp ảnh gia Little Shao ghi lại dịp tết 2019

Tiền có được từ việc biểu diễn, dạy nhảy chỉ đủ xoay xở thuê nhà, ăn uống nhưng Phước luôn cảm thấy vui vì mỗi ngày thức dậy đều được sống, làm việc mình yêu thích. Anh bắt đầu tham dự những giải đấu trong cộng đồng và đạt được nhiều thành tích đáng nể.

Dĩ nhiên, một cột mốc không thể không nhắc đến là ngôi vị á quân Thử thách cùng bước nhảy 2015, nơi mà theo Phước đã giúp anh được thừa nhận bởi trước đó, bản thân Phước và cộng đồng breakdance phải chịu nhiều định kiến. Bước chuyển mình này đầy ý nghĩa đối với anh.

Phước từng vô địch BOTY Southeast Asian 2010 cùng với Big toe tại Singapore. Anh đại diện Đông Nam Á tham dự BOTY International tại Pháp và được đứng top 5 trên thế giới. Năm 2015, Phước giành ngôi vô địch tại giải R16 và G-Wave, đồng thời là đại diện Việt Nam thi đấu tại Hàn Quốc.  Phước là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời đến Nhật tham gia trình diễn tại chương trình Dance Dance Asia 2018, Tokyo và tiếp tục trở thành đại diện của Việt Nam tranh tài Battle Mov tại Pháp ngay trong năm 2018.

Breakdance không chỉ cho Phước những thành tích, mà giúp anh sống một cuộc đời thú vị hơn. Anh chia sẻ: “Không như một số môn khác, bạn có thể thấy một người đã gần 60 tuổi vẫn có thể nhảy breakdance. Một người nặng 100kg vẫn có thể hoàn thành những động tác điêu luyện, khó nhằn. Thế giới của chúng tôi không có rào cản nào. Nơi đây, cơ hội và niềm vui dành cho tất cả, ngang bằng nhau, mọi người được đối xử công bằng. Hơn hết, chúng tôi được thoải mái sáng tạo. Ai cũng có thể tạo nên một bản sắc cho mình”. 

Giấc mơ Huy chương vàng SEA Games

Bước ngoặt lớn thứ ba trong sự nghiệp của Phước tính đến hiện tại là trở thành vận động viên Việt Nam thi đấu cho bộ môn breakdance tại SEA Games lần thứ 30 diễn ra tại Philippines. Ngày nhận được lời mời thi đấu, Phước vẫn không dám tin, chỉ đến khi bước lên sàn đấu anh mới biết đó là giấc mơ có thật. Breakdance từ một môn giải trí chịu nhiều định kiến nay đã được xếp vào hàng thể thao chuyên nghiệp. 

Trước ngày thi đấu, Phước không may bị chấn thương. Anh nằm ở khách sạn hơn một ngày với nỗi lo sợ “chẳng lẽ mình phải bỏ cuộc?”. “Nhưng khi bước lên sàn đấu, mọi cảm giác đau đớn đều tan biến. Bởi tôi rất rõ, lúc đó, tôi mang trong người trách nhiệm lớn hơn, không chỉ với cá nhân mình”, anh nói.

Trước đó, Phước đã tạm gác mọi công việc, tập luyện 12 tiếng mỗi ngày trong vòng ba tháng để chuẩn bị cho kỳ thi đấu này. Anh đặt mục tiêu là huy chương vàng nhưng cuối cùng chỉ đạt huy chương bạc. Với rất nhiều lời chúc mừng, chia sẻ niềm vui với thành tích, Phước đều đón nhận nhưng tận sâu trong tim mình, anh rất buồn vì với anh, đây là thất bại.“Tôi sẽ trở lại SEA Games và cố gắng giành được huy chương vàng”, anh nói chắc nịch.

Bboy Lee  đặt mục tiêu đạt huy chương vàng SEA Games
Bboy Lee đặt mục tiêu đạt huy chương vàng SEA Games

Mỗi ngày của Phước đều rất bận rộn. Buổi sáng, anh dành thời gian tập luyện. Buổi chiều, Phước dành trọn cho học trò. Bởi theo anh, việc đào tạo thế hệ kế cận là điều rất quan trọng để breakdance tiếp tục phát triển tại Việt Nam. Phước bảo may mắn hiện tại nhiều phụ huynh hiểu được breakdance nên không phải tốn công thuyết phục như cha mẹ anh ngày trước. Việc làm thầy cho Phước niềm vui được lan tỏa breakdance.

Phước cũng ấp ủ kế hoạch về một trại hè dành cho các em nhỏ, sinh hoạt theo kỷ luật quân đội, diễn ra trong khoảng một tuần. Trong đó, các em sẽ cùng nhau sinh hoạt, tập nhảy. Anh đang tiến hành đào tạo nhân lực để vận hành trại hè này trong năm tới. Phước cũng đang tập trung làm nhiều sản phẩm để công chúng biết đến breakdance và chấp nhận với nhiều thiện cảm hơn. 

Câu chuyện với Phước hầu như chỉ xoay quanh những niềm vui bất tận với việc… nhảy nhót. Anh bảo: “Cứ lao vào nhảy là tôi quên hết. Niềm vui của tôi gói gọn như thế thôi. Dù là đam mê hay công việc để kiếm tiền, trước hết bản thân mình phải thấy vui”. 

Thành Lâm

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI