edf40wrjww2tblPage:Content
Đã 32 năm kể từ ngày chị Trần Thị Bông bất chấp sự can ngăn của gia đình để lấy anh, một thương binh trở về từ chiến trường Campuchia. Anh Sự còn mắc bệnh sốt bại liệt, hai chân teo tóp, cử động khó khăn. Đám cưới của chị gây sự chú ý của nhiều người dân xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày ấy. Đến năm 1985, khi họ có hai đứa con, thì bệnh anh trở nặng, nằm liệt một chỗ. Cái khổ mà người ta từng cảnh báo để ngăn chị cưới anh đã trở thành sự thật.
Các khớp tê cứng, đầu và chân cất lên cao là tư thế ngủ bình thường của anh Sự
Cơm áo oằn vai
Không mảnh đất cắm dùi, chồng nằm liệt giường, hai con nheo nhóc, ngày đó, chưa đầy 30, chị Bông phải bươn chải đầu trên xóm dưới, làm thuê nhiều việc để nuôi sống gia đình. Chị còn nhận làm những việc nặng của đàn ông. Có lần chị đánh liều học người ta đi buôn gạo. Ít vốn, không rành đường đi, chị quảy đôi gánh đứng trước sân nhà, chờ những người buôn quen đường đi ngang qua rồi đi theo vào khu kinh tế mới của huyện. Được nửa đường, chị đi không “khéo”, bị người ta phát hiện rồi đuổi về vì sợ chị giành mất mối. Bữa sau, chị tự dò dẫm một mình, rồi bị lạc giữa quãng đường vòng vèo xa lắc, 20g mới về tới nhà. Có hôm thấy vợ đi làm về không kiếm được đồng nào, anh Sự giả vờ nhắm mắt ngủ, vì “có hàng xóm qua cho nắm cơm ăn rồi, không đói”. Đến khuya, anh lả người, ngất đi. Chị lại quáng quàng qua gõ cửa hàng xóm, mượn gạo về nấu cho anh miếng cháo trắng. Nhắc lại những chuyện này, anh cười ngượng ngùng: “Bao năm trên giường bệnh, tôi thuộc lòng từng cái đám giỗ trong xóm, vì biết khi có đám giỗ, vợ con mình sẽ thêm được một bữa no”.
Sau nửa ngày công, về nhà, vừa thả cái nón xuống là chị lao vào bếp, thuốc thang cho chồng, cơm nước cho con. Nhiều hồi, thấy mình quần quật hoài không thoát khỏi cảnh ăn nay lo mai, bệnh tật thì cứ đeo đẳng mãi, chị muốn buông bỏ hết. Nhưng chị lại dặn mình ráng cho qua đận này. Rồi cũng qua, nhưng qua đận này rồi lại đến đận khác... Có lúc, nhà đang hết sạch cả tiền lẫn gạo thì hai đứa con báo tiền học phí, chị ậm ừ cho qua rồi lén anh xuống bếp ngồi khóc, khóc cho qua cơn quẫn trí rồi lại lao ra đồng, năn nỉ người ta nhường công việc đang làm cho mình, để lấy chút tiền về lo cho con.
Những ngày lụt lội, căn nhà nền đất ở ngay vùng trũng, nước ngập quá đầu, lại không có gác lửng. Chị một mình đẩy giường ra giữa nhà, kê tủ quần áo lên trên giường, rồi nhờ người đưa anh lên nằm trên nóc tủ. Nóc tủ rộng chừng hơn một mét vuông, anh nằm co ro… đã có đến trăm trận lụt trôi qua trong chừng ấy năm trời.
Việc anh ngồi dậy được vốn là giấc mơ không tưởng của chị
Niềm tin không cạn
Chừng ấy năm sống giữa những tiếng rên la đau đớn của chồng, chị ráng dằn lòng không bật một tiếng than.
Anh nằm trên giường bệnh ngay cửa ra vào, người co quắp, toàn thân không thể duỗi thẳng. Ngay cả khi anh ngủ cũng chỉ có một phần lưng chạm giường, phần đầu và hai chân đều cất lên cao. Dù anh cương quyết rằng đó là tư thế làm anh không mỏi, chị vẫn xót chồng, rồi lặng lẽ đi làm một cái giá đỡ để anh gác chân. Chị nhớ, hồi anh nằm một chỗ, chỉ lau người bằng khăn ướt thôi chị thấy không yên tâm nên cứ vài hôm chị lại kéo chiếc giường ra sân, để yên anh nằm trên đó mà tắm rửa sạch sẽ. “Sạch vậy mới mong khỏe lại được!”, chị nói. Thấy chị lạc quan thuốc thang chục năm ròng, bệnh tình thì không chút thuyên giảm, anh dần trở nên mặc cảm, bi quan. Nhiều lúc vợ bưng chén thuốc đưa lên miệng, anh chán nản gạt đi, quay mặt chỗ khác.
Lần ấy, chị làm thuê ngày mùa để dành tiền mua được cái máy bơm nước bằng tay. Mấy mẹ con đang mừng vì đỡ phải gánh nước đêm hôm thì một người quen lại ghé nhà, mách một bài thuốc. Chị liền giấu anh đem bán mất cái máy bơm lấy tiền đi cắt thuốc. Đến khi uống hết chỗ thuốc, anh vẫn vậy, còn chị mỗi ngày đi làm về lại phải gánh nước đường xa về lo giặt giũ, cơm nước. Chuyện cái máy bơm làm anh dằn vặt suốt mấy tháng trời. Từ đó anh cự tuyệt mọi sự chạy chữa.
Anh sợ làm khổ vợ con nên từ bỏ thuốc thang, nhưng giấc mơ chữa bệnh cho chồng vẫn không từ bỏ chị. Hồi đó, dù không hiểu biết về vật lý trị liệu, nhưng chị cứ làm theo ý mình, kiên nhẫn tập luyện, giúp anh vận động mỗi đêm. Hàng xóm, họ hàng ghé thăm đều ái ngại cho cuộc sống “không một ngày vui” của chị. Rồi ai cũng bất ngờ, khi sau mười năm nằm liệt giường và một thời gian dài không thang thuốc, anh đã ngồi dậy, đi lại được, dù các khớp hầu hết vẫn tê cứng, không thể duỗi thẳng. Giờ, hai đứa con trai của chị đều đã tốt nghiệp đại học. Con lớn của chị là thầy giáo Võ Văn Thường, dạy toán tại Trường THCS Nguyễn Khuyến của huyện, em trai Thường là Võ Văn Tường đang là Phó Chủ tịch xã Phước Công, huyện Phước Sơn. “Cuối cùng tôi cũng có được những niềm vui trọn vẹn, để khoe với những người đã thương xót tôi một thời gian dài”, chị cười hãnh diện.
***
Nhìn lại cuộc hôn nhân, chị vẫn thấy mình là một người phụ nữ rất bình thường; vượt qua nửa đời long đong ấy bằng một niềm tin giản dị. “Tôi luôn dặn mình phải cố gắng vượt qua, rồi sẽ có những ngày tươi sáng hơn” - chị nói.
MINH TRÂM
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn