“Ánh sáng” của anh thương binh mù

14/08/2014 - 11:47

PNO - PN - Thuở ấy, khi được mai mối, anh Nguyễn Văn Tùng (xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) chỉ mong ở “ứng viên” hai điều: biết đọc chữ và biết chạy xe. Qua 20 năm chung sống, vợ anh, chị Dương Thị Thanh Hằng không chỉ là...

edf40wrjww2tblPage:Content

Coi mắt kiểu… “trinh sát”

Năm 1989, anh bộ đội Nguyễn Văn Tùng không may đạp phải mìn khi làm nghĩa vụ quốc tế ở tỉnh Battambang, Campuchia. Mìn nổ làm anh mù hẳn, nhiều mảnh đạn ghim vào đầu khiến máu chảy bê bết, đau dữ dội. Trong phút giây đó, anh quờ tay định lấy khẩu súng để kết liễu đời mình vì không muốn cản bước đồng đội. Tuy nhiên, đồng đội đã nhanh chóng xốc anh lên võng, đưa đi cấp cứu… Xuất ngũ, anh về quê. Với tỷ lệ thương tật đến 92% anh cố gắng gượng, tự lo cuộc sống của mình.

Anh Tùng - chị Hằng gặp nhau nhờ mai mối. Ông mai chính là người nằm chung phòng bệnh với anh Tùng. Nghe ông mai “quảng cáo” anh Tùng mù mà giỏi còn hơn người sáng mắt, có thể tự nấu ăn, chăm sóc bản thân, sửa máy, thuê mấy công đất trồng cà, bí… chị Hằng bán tin bán nghi nên âm thầm “điều tra”. Đi chợ về, chị tranh thủ ghé lại “ngó” anh một chút. May thay, đối diện nhà anh có quán kem, thuận tiện cho chị quan sát từ xa. Thấy anh một mình lui cui sửa máy, quét nhà, ăn cơm, chị vừa thương vừa nể phục. Rồi mỗi bữa trưa, thèm… ăn kem, chị mới hay đã thương anh từ lúc nào. Anh Tùng đùa vui: “Hồi đó, bả sợ cưới lầm, nên cứ theo dõi tui như trinh sát. Biết vậy nhưng tui cũng không tự ái, buồn phiền. Mình mù là thua thiệt hơn người, nên đối phương phải cân nhắc kỹ, với lại chuyện hôn nhân hệ trọng, “hàng” giao rồi không thể đổi, trả”.

Anh Tùng có bạn thân cũng là thương binh (hai chân bị liệt). Hai người thường đi xe đạp kiểu “cộng sinh”: anh mù ngồi phía sau đạp xe, anh tật chân ngồi phía trước lái. Trong thời gian tìm hiểu chị Hằng, một lần đến nhà chị chơi, không may xe gặp nạn, hai anh thương binh ngã nhào xuống mương. Hai người loay hoay mãi mới dìu đỡ nhau lên bờ được và đành quay về nhà. Hàng xóm biết chuyện, kể lại với chị Hằng, không giấu sự ái ngại cho tương lai của chị. Đã không nản lòng, chị lại càng quyết tâm. “Ăn thua là mình suy nghĩ chín chắn, ai nói gì kệ họ” - chị Hằng tuyên bố chắc nịch khiến anh Tùng ấm dạ. Với cả anh và chị, gặp gỡ nhau đều là “nguyện vọng hai”. Trước đó, anh cũng suýt lấy được vợ, chỉ vì cô ấy lạc lòng, rút lui khi nghe người ngoài tác động “chồng mù biết làm gì ăn; người mù hay suy diễn, ghen tuông lắm”. Còn với chị Hằng, đã một lần dang dở, chị đâm sợ cảnh chồng giàu có, trăng hoa, nên bằng lòng với người chồng thương tật nhưng đàng hoàng, sống tình nghĩa, biết lo làm ăn như anh Tùng.

Cơ ngơi khang trang của anh chị ở mặt tiền quốc lộ 50 (Tiền Giang) là kết quả của quá trình làm lụng, tích cóp. Anh vừa trồng trọt, sửa máy, buôn bán xe máy, chơi nhạc sống, vừa công tác ở Hội người mù huyện Chợ Gạo, rồi Hội người mù tỉnh Tiền Giang trong vai trò phó chủ tịch phụ trách mảng đời sống, lao động sản xuất. Chị sớm hôm tần tảo, hết bán rượu, thuốc lá đến nước giải khát. Trong nhà, chị là “xe ôm” của anh và hai cậu con trai nhỏ.

“Anh sang” cua anh thuong binh mu

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Tùng và con trai út

Ráng vun sẽ đầy

Những mảnh đạn năm xưa còn nằm trong mắt anh Tùng, khi trái gió trở trời, anh bị căng thẳng thần kinh, nhức đầu. Nhìn chồng đau đớn mà không thể giúp gì, chị Hằng chỉ biết chăm sóc cái ăn cho anh và cắn răng chịu đựng những cơn giận dữ, bức bối của chồng. Có lần bị chồng nặng lời, chị lẳng lặng gói ghém định về nhà mẹ. Anh Tùng không ngăn cản, lại tuyên bố xanh rờn: “Suy nghĩ kỹ đi, đã thôi thì thôi luôn, đừng bao giờ đổi ý quay lại hoặc chờ tui qua rước, tui sẽ không rước đâu!”. Nghĩ tới nghĩ lui, chị lặng lẽ treo đồ vào tủ.

Chị Hằng cho biết, anh chị không quá khó khăn về kinh tế, nhưng những khi anh đau bệnh là vô cùng vất vả trong việc chăm sóc, nhiều lúc phải “cầu viện” gia đình hai bên. Lần anh tái phát bệnh sốt rét, chị chở anh vào bệnh viện rồi vội vã quay về để vừa bán hàng, trông con vừa lo cơm nước cho anh. Đi khám thai, tình trạng thiếu ối nguy kịch, cần đưa lên tuyến tỉnh mổ gấp, chị tủi thân khóc khi bác sĩ hỏi “chồng chị đâu?”. Hai con lần lượt ra đời, anh không dám ôm ấp ngay, chỉ nằng nặc đòi vợ, đòi mẹ miêu tả gương mặt con. Nghe nói cái miệng con có duyên giống ba, anh mừng rơn. Anh chăm chỉ lo cho vợ từng miếng ăn, giặt giũ, vệ sinh. Chị Hằng kể, có lần, chị thấy tã còn dơ, vội chê anh giặt ẩu nhưng rồi giật mình, trào nước mắt. Hỏi anh có giận không, anh cười lắc đầu: “Vợ là vợ mình, con là con mình, giận rồi bỏ cho ai?”.

Mâu thuẫn vợ chồng anh suốt mấy mươi năm chung sống chỉ do anh quá hướng ngoại mà chị lại hay ghen. Làm công tác hội, anh tận dụng mọi cơ hội tiếp cận, làm quen các nhà hảo tâm để vận động kinh phí chăm lo đời sống của hội viên. Để công việc hiệu quả, anh cũng phải “bia bọt”, ca hát, đi sớm về khuya. Trong khi chị cứ nắng ngả về chiều là bồn chồn, lo nghĩ vẩn vơ. Biết vợ yêu chồng, anh hết lời khuyên nhủ, giải thích cho vợ hiểu mình hoàn toàn trong sáng.

Khi được hỏi “với anh, hình ảnh chị nhà như thế nào?”, đang hào hứng chuyện trò, anh chợt trầm ngâm: “Tôi không nhìn thấy nên không biết nét mặt vợ ra sao, nhưng tôi cảm nhận được vẻ đẹp của vợ qua tính tình, đối xử. Vợ tôi chịu thương chịu khó, chu đáo với chồng con, không tiêu xài phung phí. Tôi hạnh phúc khi có vợ đẹp như vậy”. Chị Hằng lại chắc mẩm một nghịch lý: càng ít sửa soạn thì càng... đẹp trong mắt chồng. Khi chồng không nhìn thấy, mà mình lại chưng diện thì chồng sẽ buồn lòng. "Tôi “làm đẹp” không phải bằng son phấn, quần áo đắt tiền, mà cố gắng lo cơm ngon canh ngọt, giữ cho gia đình êm thấm để chồng vui khỏe và làm được nhiều việc có ích”, chị Hằng chia sẻ.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI