Anh rể tôi từng ném con trai 8 tháng tuổi vì giận vợ

18/02/2022 - 06:00

PNO - Cả anh rể và cháu tôi đều may mắn. Thằng bé còn sống và anh rể tôi không phải sống trong ân hận hay ám ảnh suốt phần đời còn lại.

Đọc tin tức người cha vì không gọi điện thoại được cho vợ, nóng giận, mang con gái 5 tuổi vứt xuống sông, gây cái chết tức tưởi cho cháu bé, tôi bần thần mãi.

Trẻ con có tội gì mà người lớn khi cãi nhau, lại mang con mình ra ném xuống sông? Chẳng lẽ người cha ấy không rõ con gái mình có biết bơi hay không? không biết nếu rơi xuống sông, cô bé ấy chỉ có một chữ... chết.

Rồi tôi nhớ chuyện xảy ra vài năm trước với đứa cháu 8 tháng tuổi bị chính ba ruột ném từ chiều cao gần 3m xuống nền xi măng vì giận vợ.

Trong lúc hai vợ chồng cãi nhau, anh rể đã chụp lấy con trai ruột 8 tháng tuổi đang chơi gần đó, giơ lên cao, rồi ném xuống sân. Ảnh minh họa
Khi vợ chồng cãi nhau, con trẻ dễ thành nơi trút giận (Ảnh minh họa)

Chị tôi muộn duyên, hơn 30 tuổi vẫn chưa chồng. Hàng xóm nói ra nói ra nói vào, ba má và chị đều bị áp lực. Sau, có người làm mai cho chị tôi một người gần 40 tuổi, chưa vợ.

Lần đầu tiên gặp, nhìn người đàn ông đen, lùn, nhếch nhác trong bộ quần áo dính dầu nhớt, tôi đã không chút cảm tình. Tôi nói với ba má, rồi nói với chị: “Dù gì cũng muộn, chờ người được được mà ưng. Người này, em thấy không ổn”.

Nhưng ba má tôi sốt ruột con gái lớn chưa gả chồng. Chị tôi phiền muộn vì hàng xóm lời ra tiếng vào, cưới ai cũng được, có còn hơn không. Rồi cưới, rồi có con. Sống chung, con rể có chục cái không phải. ba má tôi cũng bỏ qua; anh rể tôi có ngàn cái không phải, chị tôi cũng bỏ qua, nhưng có vẻ im lặng không phải lúc nào cũng là... kim cương.

Chiều 28 tết năm đó, tôi đang cặm cụi lau dọn nhà thì điện thoại reo, chị gái khóc nức: “Mày gọi xe cấp cứu, thằng Đen có chuyện rồi!”.

Nhìn thằng cháu 8 tháng tuổi, hôn mê trên tay mẹ, tôi sốt ruột đến mức khi xe qua đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) mà tôi hối tài xế chạy nhanh hết mức có thể.

Khi bác sĩ hỏi người nhà nguyên nhân cháu bé bị hôn mê, chị gái tôi kể trong tiếng nấc: “Hai vợ chồng cãi nhau. Thằng bé đang bò chơi gần đó, chồng em chụp thằng bé, giơ lên cao, rồi... ném xuống sân nhà bằng xi măng. Thằng bé bất tỉnh...”.

Nghe chị nói, tai tôi lùng bùng. Ném? Ném một đứa nhỏ 8 tháng? Cha ruột ném con? Ném vì giận vợ?

Tai tôi lùng bùng khi bác sĩ nhẩm tính: người chồng cao khoảng 1,6m, chiều dài cánh tay tầm 8 tấc, thềm nhà cao 1m? Vậy cháu tôi bị ba ruột nó ném từ chiều cao gần 3m và rơi xuống nền sân xi măng.

May là kết luận cuối cùng là "não có dấu hiệu va đập nhẹ và rạn xương ngực…".

"Cháu bé cần nhập viện và theo dõi ít nhất 10 ngày", đó là nhận định của bác sĩ. Cả nhà xác định hai mẹ con ăn tết trong bệnh viện, nhưng vẫn may vì ít nhất cháu vẫn còn sống, thương tích không nặng. 

Không biết có phải vì hối hận sau giây phút không kìm được cơn giận hay chứng kiến con đau đớn trên giường bệnh, từ đó về sau, anh rể tôi không đánh con dù chỉ một roi. Ành minh họa.
Sau lần sai lầm, anh rể tôi không còn đánh con dù chỉ một roi (Ảnh minh họa)

Khi má tôi biết chuyện (má tôi bị bệnh tim, nhà có chuyện gì, anh em chúng tôi xử lý xong hết trong ngoài, mới dám báo cho bà), bà cấm mấy anh chị em tôi đi tìm anh rể. Bà bảo chuyện hai vợ chồng, để hai vợ chồng xử lý vì “tụi nó còn sống với nhau cả đời”.

Biết tính má, mấy đứa con gật đầu nhưng sau lưng, chúng tôi quyết đi tìm anh rể nói chuyện phải quấy.

Không biết anh rể “sợ” anh em tôi hay sau phút tức giận đến mất kiểm soát, ném con mình, rồi nhìn con bất tỉnh dưới đất, nhìn con đau đớn trong bệnh viện, mà từ đó về sau, anh rể không bao giờ đánh bọn nhỏ dù chỉ một roi.

Tính ra, cả anh rể và cháu tôi đều may mắn. Thằng bé còn sống và anh rể tôi không phải sống trong ân hận hay ám ảnh suốt phần đời còn lại...

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI