Chị Hạnh Dung kính mến,
Gia đình tôi thuộc hàng đại gia của thành phố. Ba mẹ tôi kinh doanh thành công, có nhiều nhà cửa và tiền bạc. Nhà tôi có 3 chị em nhưng chị tôi bị tật nguyền từ nhỏ - một chân khập khiễng, di chứng của sốt bại liệt năm chị 3 tuổi.
Ba mẹ tôi luôn lo lắng rằng chị sẽ khó tìm được chồng. Thế nhưng cuối cùng, cả nhà đều bất ngờ khi chị được một người đàn ông khá đẹp trai, công ăn việc làm đàng hoàng, học hành tới nơi tới chốn... theo đuổi.
Cuộc tình của chị khá sóng gió vì người đàn ông kia đang có gia đình khi quen chị. Vợ anh ta quyết liệt giữ chồng và lăng nhục chị tôi hết lời. Chị tôi chỉ im lặng. Lúc đầu, chị tôi có ý tránh xa dù anh ta theo đuổi chị kiên trì. Cho đến khi người phụ nữ kia xúc phạm đến sự tật nguyền, lòng tự ái nổi lên, chị quyết tâm giành anh ta.
Bây giờ, chị nói sai lầm của chị là ở chỗ đó, rằng từng thấy anh ta nhắn tin cho vợ, nói chỉ thương hại chị chứ không yêu. Nhưng rồi anh ta lại khóc lóc năn nỉ chị, nói là vào tình thế ép buộc phải nói vậy với vợ, chứ anh ta yêu chị vì tính cách, sự thông minh và giỏi giang...
Sau 2 năm cả chị và anh ta kiên trì, anh ta cũng ly hôn được và họ cưới nhau. Rồi chị sinh được một bé trai rất dễ thương. Vậy nhưng từ khi lấy được chị, anh ta mới thể hiện bản chất dựa dẫm, biếng lười.
Anh ta không đi làm, lêu lổng, ăn chơi kiểu trưởng giả học làm sang, liên tục yêu cầu chị tôi cung cấp tiền. Có lần chị phát hiện anh ta nhắn tin cho bạn bè, nói lấy chị vì chị giàu, coi như sướng một đời. Anh ta ngán sự nghèo khổ lắm rồi... Chuyện kia, ra ngoài có tiền thì gái như tiên cũng có, cần gì tới vợ tàn tật...
Khi đọc được tin nhắn đó, chị tôi suy sụp đến tận cùng. Sau mấy tháng suy nghĩ đến héo hon, chị quyết định ly hôn. Biết chị quyết tâm đuổi ra khỏi nhà, anh ta sợ lắm, quỳ xuống van xin cả nhà giúp, rằng những chuyện kia là anh ta nói linh tinh cho oai với bạn bè chứ anh ta yêu thương vợ con lắm.
Kể từ hôm đó, anh ta thay đổi hẳn, ở nhà chăm con, chăm cả nhà, nịnh từ người giúp việc... Đặc biệt, anh ta biết tôi và chị gái thân nhau nên cứ theo năn nỉ tôi nói giúp với chị đừng ly hôn.
Tôi ủng hộ chị ly hôn vì thấy người này đã 2 lần lộ rõ bộ mặt thật, chị tôi làm sao còn hạnh phúc được nữa. Nhưng ba mẹ tôi lại nghe lời anh ta, vì sĩ diện gia đình nên không muốn chị ly hôn. Họ la mắng, khuyên nhủ chị và bắt tôi khuyên chị đừng ly hôn.
Ba mẹ tôi nói chị khuyết tật như thế, ly hôn là lại ế, rồi tôi cũng có gia đình riêng, tôi có lo được cho chị hay không mà khuyên chị ly hôn. Họ nói tôi nhìn cháu mà suy nghĩ, nó rồi sẽ thành đứa trẻ không cha. Chị tôi như thế có đủ sức lo cho con không? Họ tin là anh rể tôi đã ăn năn hối cải.
Tôi nghe ba mẹ phân tích cũng băn khoăn, không biết mình ủng hộ chị như thế là đúng hay sai. Liệu có nên khuyên chị tha thứ cho anh ta lần nữa để có được gia đình trọn vẹn, chị tôi có chồng, cháu tôi có cha?
Thùy Dương
|
Ảnh minh họa: Internet |
Chị Thùy Dương thân mến,
Những điều anh rể chị nói và chắc là có làm đều không thể chấp nhận. Không thể chấp nhận ngay cả khi anh ta tìm ra được lý do bào chữa cho mình. Bởi một người đàn ông thẳng thắn, đàng hoàng, trung thực và biết yêu thật sự không bao giờ có thể nói những điều như thế về vợ mình và hôn nhân của chính mình.
Chị gái chị bị khuyết tật về cơ thể nhưng rõ ràng là lành mạnh và vững chãi về tinh thần khi cuối cùng cũng nhận ra chân tướng chồng mình và quyết tâm ly hôn, vượt qua được những cách nghĩ yếm thế về bản thân như cách nghĩ của ba mẹ chị.
Thời tuổi trẻ, vì tình yêu, vì sự tự ái mà chị ấy đã sai lầm một lần, bỏ qua những biểu hiện tư cách thấp kém, phản bội, hèn hạ của một người đàn ông lá mặt lá trái trong tình cảm. Giờ đây, chị ấy đã đã rút được kinh nghiệm và quyết tâm không để mình bị lợi dụng, chà đạp thêm lần nữa.
Với sự mạnh mẽ và dũng cảm đó của chị ấy, Hạnh Dung nghĩ rằng những lo lắng của ba mẹ chị là vô ích. Chị ấy đầy đủ khả năng làm chủ cuộc đời mình, đầy đủ sức mạnh chăm lo cho con và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, dù là người thân trong gia đình, là người hiểu mọi chuyện rõ ràng nhất, cả nhà nên để chị của chị được độc lập quyết định cuộc đời mình theo cách chị ấy thấy là tốt nhất cho bản thân và cho con.
Đừng ép buộc, ngăn cản mà cũng đừng cổ vũ chuyện ly hôn. Đây là câu chuyện của một gia đình độc lập. Thái độ cần nhất của gia đình chị lúc này là thể hiện sự yêu thương, cảm thông, tin tưởng để chị ấy hiểu được rằng dù chị ấy có quyết định thế nào, gia đình cũng sẽ luôn bên cạnh.
Sự động viên, yêu thương và tin tưởng của gia đình sẽ giúp chị ấy có được quyết định đúng đắn và mạnh mẽ nhất để có thể làm chủ đời mình.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn