Anh quốc và mục tiêu thu 46 tỷ USD từ xuất khẩu giáo dục đại học

27/12/2021 - 06:31

PNO - Nước Anh đang ngày càng chú trọng đến giáo dục xuyên quốc gia như một phần quan trọng của chiến lược xuất khẩu giáo dục bậc đại học mà chính phủ này đang nhắm tới.

Đây là thông điệp được bà Aisling Conboy - chuyên gia giáo dục cao cấp của Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh - thông tin. Điều này nhằm đáp ứng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế cũng như giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động tay nghề cao tại một số quốc gia đối tác của Anh.

Bên cạnh mục tiêu thu hút 600.000 sinh viên quốc tế đến Anh để theo học các chương trình từ bậc ĐH trở lên vào năm 2030 thì quốc gia này còn có tham vọng thu đến 46 tỷ USD nhờ vào xuất khẩu giáo dục ĐH ra thị trường quốc tế. “Chúng tôi muốn nhìn thấy một cách chính xác hơn về giá trị của giáo dục xuyên quốc gia đối với nền kinh tế của Anh. Hiện tại, giáo dục xuyên quốc gia cho chương trình bậc cao của Anh có giá trị khoảng 650 triệu bảng Anh”, bà Conboy nói.

Anh có tham vọng thu đến 46 tỷ USD nhờ vào xuất khẩu giáo dục ĐH ra thị trường quốc tế
Anh có tham vọng thu 46 tỷ USD nhờ vào xuất khẩu giáo dục ĐH ra thị trường quốc tế

Giáo dục là một nội dung chính của các cuộc trao đổi gần đây về thương mại tự do giữa Anh và nhiều quốc gia đối tác khác, trong đó có Việt Nam - một trong 5 quốc gia nằm trong danh sách ưu tiên của chiến lược giáo dục quốc tế của quốc gia này. 4 nước còn lại là Ả Rập Xê Út, Nigeria, Indonesia và Ấn Độ. “Chúng tôi muốn cùng đối tác của mình tháo gỡ bất cứ rào cản nào làm ảnh hưởng đến khả năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực giáo dục bậc cao”, bà Conboy cho biết.

Theo bà Conboy, sự dịch chuyển nhanh chóng từ hình thức giáo dục truyền thống sang trực tuyến do tác động của đại dịch đang dẫn đến những khả năng thích ứng linh hoạt cũng như những thay đổi trong các quy định về giáo dục của chính phủ các nước. Đây là điều được mong đợi sẽ mang lại những tác động lâu dài về lợi ích cho các bên. Bà Conboy cũng cho rằng các ĐH của Anh cần đa dạng các chương trình đào tạo để xuất khẩu ra nước ngoài. Thay vì chỉ mãi tập trung vào các chương trình thế mạnh chẳng hạn như kinh tế thì giờ đây cần hướng sự quan tâm đến các chương trình khác như nghệ thuật và thiết kế.

Đối với các quốc gia đối tác, việc nhập khẩu chương trình đào tạo của Anh sẽ giúp mang lại giá trị cho sinh viên khi họ có được bằng cấp quốc tế chất lượng cao mà không phải tốn quá nhiều chi phí du học ở các quốc gia phát triển.

Nguyễn Thuận (theo University World News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI