Anh phụ hồ mất 32 triệu đồng và chuyện mất phí khi đổi vé tàu

02/02/2021 - 17:42

PNO - Chuyện anh phụ hồ mất 32 triệu đồng và việc thay đổi quy định đổi, trả vé tàu tết ngỡ chẳng liên quan gì với nhau lại nói về cùng vấn đề, đó là san sẻ.

Những ngày gần tết, bên cạnh những bản tin về COVID-19 gây nhiều lo lắng, câu chuyện anh Tuấn phụ hồ mất 32 triệu đồng được cộng đồng quyên góp 45 triệu đồng chỉ trong một ngày làm nhiều người cảm thấy bớt ngột ngạt hẳn đi.

Hình ảnh anh phụ hồ mất 32 triệu đồng được cộng đồng mạng chia sẻ.
Hình ảnh anh phụ hồ mất 32 triệu đồng được cộng đồng mạng chia sẻ

Ngày 1/2, anh Nguyễn Thông Tuấn (48 tuổi, trú xã Suối Cát 2, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đón xe ôm từ Hòa Vang ra bến xe Trung tâm TP. Đà Nẵng, lên chuyến xe đò về Đồng Nai đoàn viên cùng gia đình. Hành trang trở về chỉ có chiếc balo mang mấy bộ quần áo và tiền công về đưa vợ sắm tết.

Vừa lên xe, anh Tuấn sờ lại túi quần rồi òa khóc, 32 triệu đồng chắt chiu cả năm lao động mất lúc nào không rõ. 

Câu chuyện và hình ảnh anh phụ hồ mất tiền được chia sẻ lên mạng xã hội. Chỉ trong một ngày, anh Tuấn được cộng đồng quyên góp 45 triệu đồng. Sau đó, anh thông báo không tiếp nhận thêm nữa, để tấm lòng hảo tâm đến với những hoàn cảnh khó khăn khác. Anh về quê đón tết cùng gia đình, và đã có tiền đưa cho vợ mua sắm tết.

2020 là một năm cực kỳ khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh. Nhưng, trong hoàn cảnh ấy, sự san sẻ, đùm bọc của đồng bào càng thể hiện rõ hơn. Chắc hẳn, chúng ta chưa quên bài phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về sự yêu thương, đoàn kết của người Việt trước Quốc hội hồi tháng 11/2020 gây xúc động cho hàng triệu người dân Việt Nam. “Có đất nước nào lũ lụt, dịch bệnh mà người dân yêu thương nhau đến như vậy?” - câu hỏi khiến người nghe không khỏi tự hào.

Cũng trong ngày hôm nay, rất nhiều người đến ga Sài Gòn trả lại vé tàu, họ mua để về quê sum vầy mùa tết nhưng dịch COVID-19 đã làm thay đổi dự định đó. Cầm trên tay chiếc vé, một người đàn ông tự động viên: “Hổng về năm nay thì năm sau. Từ chối một chuyến về quê cũng là góp một tay chống dịch”.

Dù khó khăn, nhưng anh cho biết sẵn sàng bỏ hẳn 6 triệu đồng tiền vé tàu nếu điều đó là góp một phần vào việc chống dịch.

Nhưng, trong chuyện đổi vé tàu có gì đó “lấn cấn” khiến anh và nhiều người mất vui. Tháng 9/2020, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên website của mình, đã đăng tải thông tin về “Quy định phí đổi, trả vé tàu tết Tân Sửu 2021”. Theo đó, đối với hành khách cá nhân, trả vé trước giờ tàu chạy từ 10 - 24 tiếng, lệ phí là 30% giá vé; từ 1 - 5 ngày, lệ phí là 20% giá vé; từ 5 ngày trở lên, phí là 10% giá vé.

COVID-19 trở lại trong những ngày tết đang cận kề. Nhiều người quyết định trả lại vé tàu để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Và, họ ý thức rằng, việc làm của họ sẽ góp sức vào công cuộc chống dịch.

Trong bối cảnh đó, ngành đường sắt lại ban hành quy định: “Kể từ 0g ngày 26/1/2021, mức khấu trừ trả vé, đổi vé là 30%... Hành khách đổi, trả vé cá nhân, tập thể chậm nhất trước giờ tàu chạy là 24 tiếng; sau thời gian trên không đổi, trả vé”.

Như vậy, thay vì mất 600.000 đồng tiền phí đổi vé thì giờ anh phải mất đến 1,8 triệu đồng. Bên đường sắt còn cho biết sắp “hết sạch tiền” và tăng thời gian hoàn trả tiền lên 90 ngày, hoặc khách hàng có thể chọn phương án “bảo lưu” vé trong thời gian 1 năm. 2 phương án trên đều do bên đường sắt đặt ra, khách hàng không có lựa chọn khác.

Ngành đường sắt thay đổi quy định đổi, trả vé tàu tết khiến cách hàng mất thêm tiền phí so với trước đây.
Ngành đường sắt thay đổi quy định đổi, trả vé tàu tết khiến khách hàng mất thêm tiền phí so với trước đây

Rõ ràng, chuyện tăng phí đổi/trả vé của ngành đường sắt trong bối cảnh dịch bệnh đã đi ngược lại tinh thần chia sẻ, nếu không muốn nói là đưa ra một sự áp đặt, khiến khách hàng mất thêm tiền một cách đầy bức xúc. 

Giá như, ngành đường sắt chọn cách giữ mức phí đổi vé như cũ và khuyến khích hành khách “bảo lưu” vé.

Năm 2020, không chỉ riêng ngành đường sắt mà rất nhiều ngành đều khó khăn. 1,8 triệu đồng là số tiền không hề nhỏ với rất nhiều người. Ngành đường sắt muốn được hành khách san sẻ, nhưng bằng một giải pháp áp đặt. Vậy, ai san sẻ cho những hành khách bị mất tiền mà số tiền ấy bằng khoản thu nhập của cả chục ngày phải lao động ướt mồ hôi?

Trở lại chuyện của anh Tuấn phụ hồ, anh may mắn được cộng đồng giúp đỡ, nhưng may mắn hơn là anh gặp một bà chủ xe có tâm - bà Lê Thị Bình, chủ nhà xe Hải Vân.

Bao năm qua, anh Tuấn chỉ chọn đi về bằng xe khách của bà Bình. Biết anh khó khăn, nhà xe hay giảm giá. Nghe anh Tuấn báo mất số tiền lớn, bà Bình nhờ những hành khách đi cùng chia sẻ lên mạng xã hội, mong người nhặt được sẽ tìm trả lại. Bà cũng chia sẻ số tài khoản nhà xe (anh Tuấn không có số tài khoản cá nhân), nhờ vậy, anh Tuấn nhận được 45 triệu đồng tiền ủng hộ từ cộng đồng chỉ trong một ngày, và có một cái tết ấm áp.

Câu chuyện anh phụ hồ mất 32 triệu đồng và chuyện 30% phí đổi vé tàu ngỡ chẳng liên quan gì nhau này, lại khó để đừng đặt cạnh nhau, vì cùng gợi về một khái niệm: san sẻ. Tiếc là, 2 câu chuyện lại mang 2 thái cực về khái niệm này. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI