Anh, Pháp, Đức đưa tuyên bố chung, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

17/09/2020 - 18:00

PNO - Anh, Pháp và Đức (Nhóm E3) lên tiếng với vai trò quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), nhấn mạnh rằng văn bản là “khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương” và bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công hàm chung do Bộ Ngoại giao 3 nước đưa ra nhấn mạnh rằng quyền đi lại không gây hại, cũng như tự do hàng hải và hàng không, đều quy định trong UNCLOS. Những quyền này phải được tôn trọng, đặc biệt là ở Biển Đông.

Mặc dù công hàm chung nhắc lại rằng nhóm E3 không có bất kỳ lợi ích nào trong tranh chấp trên Biển Đông, việc chỉ ra hành động sai trái của Trung Quốc mang ý nghĩa to lớn ở thời điểm căng thẳng hiện tại.

Tàu  tên lửa Trung Quốc Yuncheng phóng tên lửa chống hạm trong cuộc tập trận ở vùng biển gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) và quần đảo Hoàng Sa.
Tàu tên lửa Trung Quốc Yuncheng phóng tên lửa chống hạm trong cuộc tập trận ở vùng biển gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) và quần đảo Hoàng Sa

Công hàm từ Anh, Pháp và Đức xác nhận rằng đường cơ sở thẳng “chín đoạn” do Trung Quốc vẽ quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và yêu sách “quyền lịch sử” do Bắc Kinh đề xuất hoàn toàn không dựa trên cơ sở UNCLOS.

Văn bản nhấn mạnh: “Các yêu sách của Trung Quốc liên quan đến việc thực hiện "quyền lịch sử" ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và các quy định của UNCLOS. Các "quyền lịch sử" của Trung Quốc về Biển Đông đã bị bác bỏ trong quyết định của Tòa Trọng tài Quốc tế vào ngày 12/7/2016”.

Theo Nhóm E3, Phần II và Phần IV của UNCLOS đã xác định đầy đủ và rõ ràng cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo. Do đó, việc Trung Quốc - một quốc gia nằm trên lục địa - tự ý vẽ đường biên giới thẳng ở Hoàng Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) là “không có cơ sở pháp lý”.

Đồng thời, việc bồi đắp và cải tạo các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng hoặc các tác động nhân tạo khác đều không làm thay đổi cách phân loại các thực thể địa lý này theo UNCLOS.

Công hàm của Anh, Pháp, Đức bác bỏ yêu scah1 về đường biên giới thẳng do Trung Quốc vẽ, vây trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Công hàm của Anh, Pháp, Đức bác bỏ yêu sách về đường biên giới thẳng do Trung Quốc vẽ, vây trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Mặt khác, công hàm cũng khuyến nghị “các tranh chấp về yêu sách hàng hải ở Biển Đông cần được tiến hành và giải quyết một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS, thông qua các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp trong UNCLOS”.

Cuối cùng, nhóm E3 kết luận: “Với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục duy trì và tái khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS, qua đó giúp thúc đẩy hợp tác khu vực. Phù hợp với các quy định của Công ước”.

Anh, Pháp là 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cả 2 nước đều là cường quốc hạt nhân, có năng lực hải quân viễn dương mạnh. Nhóm E3 cũng có lượng tài sản đáng kể trong khu vực, với các đối tác thương mại và đầu tư lớn quanh Biển Đông.

“Cuộc chiến ngoại giao” về Biển Đông - với nhiều quốc gia liên tục gửi công hàm/thư cho Liên Hiệp Quốc nhằm chống lại những tuyên bố phi lý của Trung Quốc - phát triển nhanh chóng sau khi Malaysia trình công hàm lên Ủy ban Biên giới Thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2019.

Việc Malaysia mở màn cho cuộc chiến dẫn đến sự tham gia của các quốc gia không có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông như Indonesia, Mỹ, Úc và gần đây nhất là nhóm E3 - điều này càng góp phần làm nổi bật tính phi lý và phi pháp trong các yêu sách của Trung Quốc.

Anh có khả năng điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Biển Đông trong tương lai gần.
Anh có khả năng điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến khu vực Biển Đông trong tương lai gần

Năm 2019, Pháp đã phát hành một báo cáo chiến lược khu vực, trong đó nước này tuyên bố “củng cố vị thế của mình như một cường quốc khu vực ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, nỗ lực bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh của công dân, đồng thời đóng góp tích cực vào sự ổn định quốc tế”.

Đầu tháng 9/2020, Đức cũng lưu tâm đến các vùng biển châu Á thông qua một hướng dẫn chính sách dài 40 trang cho biết, nước này muốn “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng khi xét đến việc Đức không có lãnh thổ trong khu vực cũng như khả năng hải quân để thể hiện sức mạnh ở các đại dương xa xôi.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson được cho là đang dự tính điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới được sản xuất trị giá 3,1 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD) tới Biển Đông để tăng cường lực lượng, cũng như ủng hộ các đối tác quốc tế như Mỹ.

Tấn Vĩ (theo Asia Times, News Beezer)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI