Thái rất bận. Nếu không mải miết ở rừng thì anh tất bật với những chuyến đi giải cứu, tái thả hoặc bảo tồn. Nếu bắt gặp Thái ở sự kiện nào đó thì chắc chắn hôm ấy, Thái có buổi thuyết trình về rừng, về động vật hoang dã và nguy cơ mất đa dạng sinh học. Nói về rừng, về công tác bảo hộ, bảo tồn rừng và động vật hoang dã, Thái chưa khi nào thấy mệt.
Miệt mài với rừng, với công tác bảo tồn động vật hoang dã
Phóng viên: Hoạt động được SVW (Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - Save Vietnam's Wildlife - SVW do Nguyễn Văn Thái sáng lập với mục tiêu “ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam”) triển khai tại 6 vườn quốc gia (VQG) và khu bảo tồn gồm những gì, thưa anh?
Anh Nguyễn Văn Thái: Không phải các VQG, khu bảo tồn đều làm như nhau nhưng tựu trung sẽ triển khai các hoạt động tuần tự. Đầu tiên là hỗ trợ công tác cứu hộ động vật hoang dã về nhân lực, tài chính, con người, kỹ thuật; sau đó là chăm sóc, phục hồi và tái thả về thiên nhiên.
|
Cùng giải thưởng The Goldman Environmental |
Ở một số VQG, SVW hỗ trợ hoạt động sinh sản bảo tồn cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc không có cơ hội phục hồi như cầy vằn, tê tê. SVW triển khai các hoạt động bảo vệ rừng ở cả hai hình thức: thực thi pháp luật và tăng cường nhận thức để thay đổi hành vi.
Ở hình thức thứ nhất, trong rừng, SVW thành lập các đội bảo vệ rừng, kết hợp cùng kiểm lâm tuần tra, bắt giữ, tịch thu bẫy. Chỉ riêng VQG Pù Mát, từ năm 2018 đến nay, SVW và kiểm lâm đã gỡ hơn 16.000 bẫy, tịch thu hơn 130 súng và phá hủy 1.100 lán săn trộm. Ngoài rừng, SVW phối kết hợp trực tiếp với cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục, bắt giữ các đối tượng buôn bán động vật hoang dã…
Hoạt động tiếp theo là chia sẻ, thay đổi nhận thức, hành vi của con người, giúp cộng đồng hiểu hơn giá trị của thiên nhiên, động vật hoang dã mà họ chính là người thụ hưởng. Việc sử dụng động vật hoang dã làm thuốc hay thức ăn tác động đến sự đe dọa, tuyệt chủng của các loài. Hoạt động này còn được đẩy mạnh ở các trường học. Học sinh chính là tương lai, việc trang bị kiến thức từ sớm sẽ giúp các em hiểu và hành động đúng. Hơn nữa, thông qua các em, thông tin về bảo tồn đến với cha mẹ, gia đình các em cũng được dễ dàng đón nhận hơn.
Cuối cùng là công tác hỗ trợ cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng các giải pháp sinh kế như du lịch sinh thái, tham quan cơ sở bảo tồn động vật hoang dã, tour thú đêm, tắm rừng…. Những giải pháp này giúp cộng đồng quanh các VQG, khu bảo tồn có thêm thu nhập, từ đó giảm áp lực cho rừng và công tác cứu hộ. Hiện SVW đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp triển khai chương trình “Hộ chiếu xanh”, thúc đẩy người Việt trải nghiệm thiên nhiên nhiều hơn. Thông qua các trải nghiệm này, người tham gia nhận thấy được những lợi ích về sức khỏe, kiến thức, từ đó ý thức hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên.
* Hiệu quả của giải pháp tăng sinh kế có khả thi?
- Giải pháp tăng sinh kế tại rừng Việt Nam do các tổ chức bảo tồn thực hiện chỉ đóng góp một phần nào đó cho địa phương, chưa phải là giải pháp hữu hiệu. Bởi lẽ cộng đồng quanh các VQG, khu bảo tồn rất lớn. Tôi cho rằng, việc phát triển kinh tế ở những cộng đồng này mới là yếu tố quyết định thành công của công tác bảo tồn.
|
Anh Thái chăm sóc tê tê - loài vật gắn bó với anh từ những ngày đầu tham gia bảo tồn động vật hoang dã |
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng, động vật hoang dã tại Việt Nam cũng chưa được chú trọng. Nếu có vi phạm thì việc thực thi pháp luật cũng không đủ mạnh, không đủ sức răn đe. Điều này dẫn đến hệ lụy khi triển khai giải pháp sinh kế cho người dân thì họ không toàn tâm toàn ý làm theo. Tư duy “rừng là của trời ban”, làm sinh kế mới không được thì lại quay về như trước kia, bám vào rừng khiến họ mất đi động lực, vừa gặp khó một chút đã nản. Chỉ khi thực thi pháp luật nghiêm minh và đủ mạnh, họ mới quyết tâm và thực sự tìm kiếm những giải pháp phát triển kinh tế cho bản thân.
* Từ thời điểm anh thành lập SVW đến hiện tại, qua công tác tuyên truyền, chia sẻ, nhận thức của người dân có nhiều thay đổi tích cực?
- Việt Nam là nước đang phát triển. Kinh tế mở cửa đồng nghĩa với việc chúng ta dễ dàng chấp nhận đánh đổi tài nguyên thiên nhiên, trong đó có rừng, để phục vụ mục tiêu phát triển, bao gồm cả hoạt động phá rừng phục vụ cho trồng trọt, xây dựng… và ảnh hưởng văn hóa tiêu thụ động vật hoang dã từ nước láng giềng Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn dài khủng hoảng lớn về rừng và các loài động vật hoang dã suốt từ năm 1995-2010.
Sau đó, nhờ chính sách của Nhà nước cũng như sự vào cuộc hăng hái, tích cực của nhiều tổ chức bảo tồn, tình trạng trên mới chậm lại, vài nơi có dấu hiệu tốt hơn. Điển hình như những năm 2010, khi chúng tôi đặt máy ảnh để theo dõi tê tê thì hiếm khi chụp được vì chúng thường xuyên bị săn bắt. Hiện tại, nhờ nỗ lực bảo tồn được xây dựng từ chiến lược hành động bảo vệ loài, các chương trình cứu hộ, chăm sóc và tái thả, quần thể tê tê ngoài tự nhiên đang có dấu hiệu phục hồi.
Về mặt nhận thức, nhiều bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến vấn đề môi trường và động vật hoang dã. Họ lên tiếng phản đối, có những hoạt động thiết thực để tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng. Tại các trường đại học đã có những câu lạc bộ liên quan đến môi trường, tuyên truyền về động vật hoang dã. Dù vậy vẫn có những điều tiêu cực trong những điều tích cực.
* Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn?
- Một số bạn trẻ yêu sai cách. Nghĩa là các bạn yêu và muốn chiếm hữu, bắt con vật về nuôi làm cảnh. Các bạn suy nghĩ rất đơn giản rằng mình có điều kiện, có thể đảm bảo cuộc sống và chăm sóc cá thể này tốt nhất. Các bạn không đặt mình vào vị trí những cá thể đó. Chúng sinh ra ở rừng. Rừng mới là ngôi nhà của chúng. Môi trường sống phù hợp với chúng là ở rừng, không phải ở nhà các bạn dù điều kiện có tốt đến đâu. Tình yêu sai cách này vừa ảnh hưởng rất nhiều đến phúc lợi cho các loài động vật vừa trực tiếp tác động đến hoạt động săn bắt động vật hoang dã.
* Để thay đổi “cách yêu” sai này, SVW có cách nào để tuyên truyền?
- Đầu tiên, cần cung cấp kiến thức, thông tin để các bạn trẻ hiểu được vấn nạn đang xảy ra, tác động ra sao. Từ đó, các bạn ý thức phải trở thành người tiên phong nói không với việc mang động vật hoang dã về nuôi. Mặt khác, tuyên truyền còn liên quan đến thay đổi quan điểm xã hội. Gần đây đang rộ lên phong trào nhiều bạn khoe trên mạng xã hội rằng con vật này đẹp lắm, con vật kia xinh lắm. Nếu nhiều người cùng lên tiếng để các bạn hiểu đó không phải là điều đáng tự hào mà là đang làm không đúng, dần dần các bạn sẽ thay đổi.
SVW đang phối hợp với VietVision thực hiện chiến dịch “Rừng lặng” nhằm cảnh báo mọi người về sự suy giảm của đa dạng sinh học, suy giảm của các loài động vật hoang dã. Ước tính trong khoảng 50 năm trở lại đây, có đến 75% quần thể động vật hoang dã trên cạn đã biến mất. Đây không còn là câu chuyện xa xôi hay bên lề. Thế giới đang đối diện với cuộc đại tuyệt chủng lần thứ sáu.
Nhắc đến tuyệt chủng, ta nghĩ ngay đến chiến tranh, kinh tế suy giảm, những thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh. Vậy nhưng, chính sự biến mất của đa dạng sinh học, sự suy thái của thiên nhiên mới là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của con người. Do đó, cần có những hành động cấp thiết.
Chính sách tiếp nhận tài trợ chậm gây lãng phí lớn
* Việc hợp tác với các VQG, khu bảo tồn được SVW triển khai bài bản và thiết thực. Để hoàn thiện, anh mất bao lâu?
- Trước khi thành lập SVW, tôi từng làm công tác bảo tồn với nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Hầu hết các tổ chức này hỗ trợ Việt Nam với tầm nhìn theo từng dự án. Có những dự án ngắn hạn hoặc kéo dài từ 3-5 năm. Khi dự án kết thúc thì mọi thứ dừng lại ở đó hoặc nếu tiếp tục cũng có sự suy thoái nhất định về kết quả.
Bởi vậy, phương châm của SVW là phải làm cái gì đó dài hạn thay vì chạy theo từng dự án, kết quả phải thực sự chạm vào gốc rễ của vấn đề. Do đó, chúng tôi không ôm đồm mà đi từng bước, xác định rõ đâu là hoạt động ưu tiên, đâu là hoạt động lâu dài. Từ đó, chúng tôi vận động những người ủng hộ, những đơn vị đồng hành. Dù SVW chỉ mới đồng hành với 6 VQG, khu bảo tồn nhưng đều mang lại những bài học quan trọng để nhân rộng mô hình và phát triển đến các đơn vị khác.
* Anh có học hỏi theo mô hình nào của nước ngoài?
- Ngày mới thành lập, tôi còn khá mơ hồ thế nào là tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận, liệu mình sẽ đi đến đâu… Tôi mất hơn 1 năm để tham khảo các mô hình tại quốc tế, tìm ra định hướng: phát triển tổ chức trong nước để giải quyết các vấn đề trong nước và làm thế nào để huy động tối đa nguồn lực, con người Việt Nam để giải quyết các vấn đề của Việt Nam.
Tôi học không chỉ ngoài nước mà còn trong nước. Điều lớn nhất tôi học được là từ những thất bại của các tổ chức quốc tế. Tôi nhìn những thứ họ không làm được và bắt đầu nghĩ mình cần làm thế nào. Khi người Việt làm bảo tồn trên chính mảnh đất quê hương mình thì hiểu được văn hóa, quan điểm của con người cũng như cách thức vận hành của Nhà nước, từ đó đề xuất những hướng đi phù hợp. Đây là điểm tôi cho rằng các tổ chức bảo tồn trong nước đang có những đóng góp tích cực và thực tiễn thay vì chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền.
* “Bụt nhà thường không thiêng”, liệu thuyết phục các đơn vị đồng hành có khó?
- Đúng vậy. 90% nguồn tài trợ hiện nay của SVW đều đến từ quốc tế. Doanh nghiệp trong nước thường quan tâm ngắn hạn, nhìn trực tiếp những gì liên quan đến con người. Chẳng hạn khi một trận lũ lụt, hỏa loạn hay thiên tai quét qua, việc huy động nguồn lực xã hội rất nhanh vì việc đóng góp đó tạo ra giá trị có thể nhìn thấy.
Còn việc tạo giá trị dài hạn cho thiên nhiên, cho môi trường không hề dễ dàng và cũng không thể nhìn thấy trong 1, 2 năm hay vài tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam xây dựng những chiến lược, những tầm nhìn dài hạn, từ đó tạo ra một Việt Nam bền vững bằng việc đóng góp cho các hoạt động liên quan đến môi trường.
* Đâu là thách thức SVW đang đối mặt so với thời điểm ban đầu?
- Đó là làm sao huy động được nguồn lực xã hội để đóng góp cho các vấn đề xã hội. Trong các bài trình bày hoặc tại các diễn đàn, khi đề cập đến một công viên, một khu rừng hay chia sẻ về động vật hoang dã, tôi nhận thấy mọi người không nhìn được rõ đóng góp đó sẽ mang lại giá trị gì cho họ. Suy nghĩ thường thấy là đó không phải tài sản của tôi mà là tài sản của Nhà nước, là chuyện của ai đó. Chính suy nghĩ trên khiến mọi người thường không có hành động nào.
|
Năm 2016, anh được trao giải Future For Nature - giải thưởng từ Hà Lan dành cho các nhà lãnh đạo trẻ làm công tác bảo tồn động vật hoang dã |
Vấn đề lớn của bảo tồn thiên nhiên hiện nay không chỉ đến từ người xấu mà còn đến từ sự thờ ơ, ích kỷ của người tốt. Chỉ khi thực sự thay đổi nhận thức và đồng lòng chung tay mới có thể tạo ra sự thay đổi trong bối cảnh thiên nhiên cấp thiết hiện nay.
Thách thức kế đến là khó khăn trong việc tiếp cận những nguồn lực hỗ trợ. Việc này một phần liên quan đến chính sách của Nhà nước trong công tác tiếp cận các nguồn tài trợ từ nước ngoài - rất khó khăn và mất nhiều thời gian, quy trình. Hệ lụy này được các tổ chức chỉ ra: Việt Nam đã thất thoát khoảng 22,5 tỉ USD do chậm phê duyệt. Dự kiến sẽ mất thêm 1,5 tỉ USD mỗi năm nếu tiếp tục như thế. Con số đó tương đương 1% GDP trong nước nhưng chúng ta vẫn thờ ơ. Tiếp đến, như đã chia sẻ, doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đến các vấn đề xã hội dài hạn.
Xây động lực từ tầm nhìn
* Gần 20 năm gắn bó với công việc bảo tồn, anh cứu hộ, chăm sóc, tái thả để rồi cá thể hoang dã lại bị bắt tiếp, anh có nản lòng?
- Có chứ. Trong 10 năm qua, SVW cứu hộ hơn 4.000 cá thể động vật hoang dã nhưng mỗi lần nghe đâu đó về 1 chuyến container chở vảy tê tê hoặc vài ngàn cá thể bị giết, tôi cảm thấy rất chua xót. Hóa ra chừng đó năm cứu hộ của hơn 70 con người chỉ bằng 1 chuyến săn bắt. Nó khiến tôi mất động lực trong vài khoảnh khắc nhất định. Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc động viên tôi để tôi tiếp tục bước về phía trước. Nhìn từng cá thể động vật bước ra khỏi hộp cứu hộ trở về với thiên nhiên, tôi thấy việc mình đang làm mang lại giá trị không chỉ cho mình mà còn cho cộng đồng. Hơn nữa, việc mình theo đuổi cũng ngày càng lan tỏa đến nhiều người.
* Ngày nay, người ta thường đánh giá một con người qua địa vị của họ, căn nhà họ ở, quần áo họ mặc hay tài khoản tiết kiệm họ sở hữu. Trong khi đó, anh lại chọn một công việc vừa khó vừa vất vả. Nếu được chọn lại thì sao?
- Tôi vẫn chọn công việc mình đang làm. Những giá trị vật chất chúng ta tìm kiếm đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa. Nhiều người rất giàu vẫn tích cực, hăng say làm việc mỗi ngày để cống hiến. Điều quan trọng không phải ở giá trị vật chất tạo ra mà là có thể đóng góp gì cho xã hội từ những việc đang làm.
|
Nâng cao nhận thức và tình yêu thiên nhiên của các bạn nhỏ là một trong những hoạt động bảo tồn bền vững SVW ưu tiên thực hiện |
Tôi luôn nói với các nhân viên SVW rằng chúng ta tự hào về điều chúng ta đang làm. Nó không chỉ mang lại giá trị cho bản thân mà còn mang lại giá trị cho người khác, cho xã hội. Đó mới là điều quan trọng và đáng trân trọng. Nó cũng trở thành động lực và niềm vui giữ chúng tôi tiếp tục với công việc đang theo đuổi.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Sinh năm 1982, năm 2005 tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, anh Nguyễn Văn Thái tham gia công tác bảo tồn động vật hoang dã tại VQG Cúc Phương. Những năm sau đó, anh liên tiếp nhận được các học bổng giá trị cao, được đào tạo thêm nhiều kiến thức về công tác quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp, chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật hay học về quản lý môi trường. Gần 20 năm gắn liền với hoạt động bảo tồn, cứu hộ động vật hoang dã, Thái “tê tê” là nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam nhận được The Goldman Environmental Prize 2021 - giải “Nobel xanh”. Giải thưởng The Goldman Environmental được nhà hoạt động từ thiện người Mỹ Richard và Rhoda Goldman sáng lập năm 1989. Từ năm 2019, giải thưởng đã được nâng từ 150.000 USD lên 200.000 USD (khoảng 4,5 tỉ đồng). Anh Thái là nhà bảo tồn Việt Nam đầu tiên và người Việt Nam thứ hai nhận giải. Tuy nhiên, anh không giữ số tiền thưởng đó cho riêng mình mà đóng góp toàn bộ cho hoạt động của SVW. Trước đó, năm 2016, anh được trao giải Future For Nature - giải thưởng từ Hà Lan dành cho các nhà lãnh đạo trẻ làm công tác bảo tồn động vật hoang dã. Biệt danh Thái “tê tê” xuất phát từ câu chuyện cứu hộ tê tê ngay những ngày đầu anh gắn bó với công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã vào năm 2005, thời điểm nạn buôn bán tê tê trái phép diễn ra tràn lan. Nhìn hàng trăm, hàng ngàn cá thể tê tê bị bắt giữ nhưng không được cứu hộ, Thái và các đồng nghiệp bắt đầu dấn thân và trở thành những người tiên phong cứu hộ tê tê. Càng cứu hộ, anh càng nhận thấy sự đặc biệt của tê tê - loài vật hiền lành, nhút nhát, không có răng và cũng không hề gây hại cho con người. Anh và cộng sự khởi động nhiều chiến dịch truyền thông quốc tế kêu gọi bảo vệ tê tê cũng như để thế giới biết thêm về loài động vật đặc biệt này. Hiện tại, anh là Phó chủ tịch Hội Chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới. |
Sau 10 năm, SVW đang triển khai các hoạt động bảo tồn tại 6 VQG, khu bảo tồn thiên nhiên rải rác từ Bắc vào Nam, gồm: Cúc Phương, Pù Mát, Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, U Minh Thượng và U Minh Hạ. Trong vòng 10 năm qua, SVW đã cứu hộ được 4.280 cá thể động vật hoang dã thuộc hơn 45 loài, tỉ lệ phục hồi sống sót lên đến 87%. So với con số 167 VQG, khu bảo tồn trên cả nước, con số này vẫn rất khiêm tốn. Thái mong mỏi SVW có thể tiếp tục nhân rộng phạm vi địa bàn triển khai và mở rộng các dự án bảo tồn hơn nữa, trong đó không chỉ tập trung vào bảo tồn loài mà còn bảo vệ hệ sinh thái, tái hoang dã những gì đã mất trong tự nhiên. Sứ mệnh của SVW cũng mở rộng, gồm nhiều công tác: cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã, bảo vệ sinh cảnh, sinh sản bảo tồn, nghiên cứu bảo tồn, giáo dục - nâng cao nhận thức và vận động chính sách. |
Thư Hiên (thực hiện)
Ảnh do nhân vật cung cấp