Anh ngoan, sẽ có quà

30/10/2023 - 16:54

PNO - Hôm nay, vào ngày 30/10, vợ tôi mua khá nhiều đồ ăn, tự tay nấu nướng, lại mua cả mấy chai bia, rồi bảo tôi: “Hôm nào cũng là ngày của em và anh phải phục tùng..."

Sau ngày 20/10, tôi mới nói với vợ, rằng tôi không tiếc gì món quà tặng cô ấy, nhưng tôi muốn cô ấy tự khẳng định quyền lực và vị trí của mình và nhân dịp 20/10, cô ấy nên phát huy vai trò đó một cách đích thực.

Suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ đã bị đè nén, bị cư xử bất công vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Không chỉ Khổng giáo ở phương Đông, các triết gia lớn của phương Tây thời cổ đại như Plato, Aristotle cũng có quan niệm xem phụ nữ là yếu đuối, không có khả năng trí óc nên địa vị của họ là phục tùng; trong khi người nam, do bản chất mạnh mẽ, khôn ngoan nên thích hợp với vai trò chỉ huy.

Trong gia đình, vai trò người chồng đối với người vợ cũng tương tự như vai trò nhà lãnh đạo chính trị đối với các công dân, và vai trò của người cha với con cái cũng giống như của nhà vua đối với thần dân. Ngay cả kinh thánh Kitô giáo cũng quan niệm tương tự khi xem đàn bà là xương sườn của người đàn ông.

Ảnh: Pressfoto
Ảnh: Pressfoto

Có vẻ, cả phương Tây lẫn phương Đông đều nhất trí rằng, đàn ông có lý tính, có sự khôn ngoan và mạnh mẽ, nên họ xứng đáng cai trị đàn bà, là loài ít hơn những phẩm chất đó. Thế là thế quái nào?

Đến thời kỳ Khai sáng, với tinh thần “Mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, đã xuất hiện những nhà tư tưởng nữ quyền. Quyết liệt nhất phải kể đến triết gia kiêm nhà văn nữ quyền đầu tiên của nước Anh - bà Mary Astell. Trong cuốn sách nổi tiếng Suy nghĩ về hôn nhân, bà so sánh định chế hôn nhân thời đại của bà với chế độ nô lệ thời cổ đại, trong đó chồng là ông chủ và vợ là nô lệ. Bà châm chọc rằng người vợ phải tuân phục theo ý chí hoàn toàn là “tầm phào, không chắc chắn, vô minh và rất mâu thuẫn” của ông chủ, tức người chồng.

Thậm chí bà đặt câu hỏi “Nếu đàn ông thật sự có lý tính vượt trội để có thể xây dựng và quản lý gia đình thì tại sao có rất nhiều cuộc hôn nhân, nhiều gia đình xây dựng dưới sự quản lý của đàn ông vẫn trục trặc và tan tành? Vậy, cái gọi là lý tính của đàn ông có đáng tin hay không?”, rồi bà chất vấn tiếp các nhà tư tưởng của thời đại, rằng “Các anh phủ nhận vương quyền, các anh đòi hỏi nền dân chủ tư sản, bình đẳng giai cấp, khế ước tự do trong xã hội... vậy thì cơ sở nền tảng nào để bảo vệ cho uy quyền của đàn ông trước đàn bà, cụ thể trong gia đình là quyền uy của người chồng với người vợ?”.

Nhưng, người bênh vực quyền bình đẳng của phụ nữ xuất sắc nhất ở thời kỳ này lại là một người đàn ông - triết gia duy nghiệm nổi tiếng, tác giả của “Thuyết công lợi”, “Chính thể đại diện”... Ông là John Stuart Mill - người Anh.

Trong tác phẩm Về sự đàn áp phụ nữ, ông chỉ ra rằng, sở dĩ trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ phải phục tùng đàn ông là do đàn ông… biết sử dụng bạo lực. Sự thật này hóa ra khá cay đắng đối với các bậc thầy tư tưởng kiểu Aristotle, Plato hay Khổng Tử… vì nó chỉ rõ, anh chả hơn được phụ nữ ở điểm gì ngoài sức mạnh cơ bắp. Mà nếu vậy thì trật tự loài người khác gì trật tự của mãnh thú?

Địa vị phụ nữ trong xã hội cũng như trong gia đình từng chỉ như nô lệ, nghĩa là họ phải đóng góp sức lực cho xã hội cũng như cho gia đình, trong khi quyền lợi là số 0. Điều này rất có lợi cho đàn ông. Vì hưởng lợi như vậy nên đàn ông hợp sức duy trì trật tự đó. Đặc biệt, Mill nhấn mạnh: “Không có bản chất giới tính”. Những định kiến xã hội áp đặt lên các bé gái khiến nó trở thành “tính nữ” và tính nữ là gì lại do… đàn ông quyết định.

Xét cho cùng, theo Mill, thật ra nam giới sợ nữ giới, nhất là khi người phụ nữ đã tỉnh thức và được giải phóng. Thực tế đã chỉ ra: những phụ nữ khẳng định được quyền của mình, sẽ trở thành… đối thủ của đàn ông.

Bởi vậy, đàn ông sẽ cố gắng duy trì trật tự cũ, cái trật tự “bất bình đẳng”, bằng các phương pháp và cách thức mới. Thay vì dùng bạo lực, họ sẽ dỗ dành, cưng chiều, cư xử với phụ nữ như với búp bê hay với trẻ chưa trưởng thành, để họ an tâm với chức phận làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ và nuôi con.

Và đa số phụ nữ cũng tin rằng “chức năng phụ nữ chúng mình là như vậy”. Điều này, theo Mill, chỉ là định kiến thiếu cơ sở và về nguyên tắc là không thể biện minh. Bởi vậy, xét ở góc độ này, vào những ngày của phụ nữ như 20/10, 8/3, lễ tình nhân… đàn ông cố gắng “dìm phụ nữ xuống” bằng các kiểu quà cáp và những lời ngọt ngào, dụ dỗ: “Các em, cứ ngoan ngoãn, rồi sẽ có quà!”. Và rồi, 1 lần nữa, phụ nữ lại bị đưa về cái vị trí của “phái yếu”, phải “biết vâng lời”, “ngoan ngoãn ngồi chờ quà” và lịch sử lặp lại theo cách mới.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Vì thế, hôm nay, vào ngày 30/10, vợ tôi mua khá nhiều đồ ăn, tự tay nấu nướng, lại mua cả mấy chai bia, rồi bảo tôi: “Hôm nào cũng là ngày của em và anh phải phục tùng. Hãy ăn thứ em nấu nướng, uống số bia mà em mua về. Sau đó, mình sẽ đi cửa hàng, anh sẽ tự tay chọn mua cho anh bộ vest. Em muốn anh nhớ rằng, lịch sử đã thay đổi. Từ nay, đàn ông các anh sẽ ở cái vị trí “ngoan sẽ có quà”. Hiểu hông?”. Tất nhiên là tôi hiểu, thậm chí tôi mừng rỡ và tự hào về điều này.

Phụ nữ hiện đại là người chủ gia đình, bao gồm cả chồng của họ nữa. 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI