Anh mua gì về nhé?

11/03/2024 - 19:23

PNO - “Anh mua gì về nhé”, một câu hỏi bình thường nhưng thể hiện sự quan tâm kèm chút hối lỗi đã không về cùng ăn bữa cơm tối.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bộ phim Hàn Quốc My Mister (Ông chú của tôi, sản xuất năm 2018), xoay quanh câu chuyện một người chồng là kiến trúc sư có cuộc sống khá phẳng lặng. Anh sống tốt, nhân hậu, tế nhị... nhưng hôn nhân không hạnh phúc, mái ấm mà như mái lạnh.

Anh này lạ đến mức, biết vợ ngoại tình nhưng anh dằn mặt kẻ tình địch rằng, nếu hắn cho vợ anh biết anh đã tỏ tường chuyện của họ, thì anh sẽ không tha cho hắn ta.

Cao trào phim là khi mọi chuyện đổ bể, 2 vợ chồng anh kiến trúc sư cùng nói hết những suy nghĩ của mình. Anh nói rằng, mỗi khi đi làm về, anh giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, làm những việc linh tinh khác để vợ  không phải gánh vác chuyện nhà vì vợ luôn than bận rộn, trong khi đó cô lại đi ngoại tình với một người đàn ông mà anh khinh rẻ.

Người vợ xin lỗi, khóc và nói cô luôn thấy cô đơn trong nhà trong khi chồng lúc nào cũng vui vầy với các cuộc họp mặt cùng anh em nhà chồng. Biết chồng thích uống rượu với anh và em trai, với bạn bè khu phố (mà từ lâu cô đã có lần ngỏ ý nên chuyển nhà đi nơi khác) nên cô thông cảm cho anh, nhưng từ đó những bữa cơm chiều của vợ chồng dần mất đi, đặc biệt là khi con trai đi nước ngoài học.

Chồng đã quá chăm lo cho gia đình lớn mà không nghĩ rằng cô, anh và con trai cũng là một gia đình cần vun vén. Nếu lời đề nghị chuyển nhà khi xưa của cô được đồng ý, biết đâu mọi sự đã khác...

Phim My Mister (Ông chú của tôi)
Poster phim My Mister (Ông chú của tôi)

Nhân vật trong phim khác là cô gái 21 tuổi có cuộc đời  bị vùi dập dưới tận cùng xã hội: lãnh nợ nần của người mẹ đã mất, bị giang hồ theo dõi và đánh đập, cô lại cưu mang người bà không đi đứng được... Vì muốn kiếm tiền trả nợ nên cô nhận “phi vụ” khiến cho một ông giám đốc và anh chàng kiến trúc sư phải thôi việc... Cô cài phần mềm nghe lén vào điện thoại của anh kiến trúc sư và theo dõi.

Qua câu chuyện, tôi chú ý một chi tiết: Khi cô bé đến báo với người vợ rằng anh kiến trúc sư đã biết việc vợ ngoại tình. Cô nói, trong những câu chuyện ghe lén, điều mà cô bé thấy ấm áp ở người chồng này là câu hỏi: “Anh mua gì về nhé” mỗi khi anh điện thoại cho vợ.

"Anh mua gì về nhé”, một câu hỏi thật bình thường nhưng thể hiện sự quan tâm của người chồng kèm chút hối lỗi rằng đã không về cùng nhau bữa cơm tối, chút nhẹ nhàng, êm ái với nhau khi “chúng ta là một gia đình”.

Một hôm, trong chầu cà phê, chị bạn tôi kể, hồi chị bị bệnh phải mổ, từ bệnh viện về nhà chị phải dựa vào sự giúp đỡ của chồng hay con. Đang bệnh, nhạt miệng, cơm chồng nấu vốn không ngon nên chị ngán lắm. Vậy là mỗi chiều chồng về, chị nhờ chồng đi  mua cho chị thức ăn ngoài tiệm. Chị nghĩ việc ấy bình thường vì mỗi khi chồng ốm hay đi đâu về chị cũng hay hỏi anh thích ăn gì để chị mua.

Khi thì chồng vui vẻ đi mua, nhưng có hôm chị thấy vẻ miễn cưỡng ở anh. Một hôm, anh chồng đi làm về và sẵng giọng: “Ăn gì nói mau để đi mua, kẹt chầu nhậu mà phải chạy về, bạn bè đang chờ”.

Chị ngỡ ngàng, bao nhiêu cảm xúc “tụt mood”, hết thèm, không muốn ăn gì. Từ đó nếu không nhờ con cái được, chị không bao giờ nhờ anh mua gì nữa. 

Hôm ấy nghe chuyện, bạn tôi mỗi người một suy nghĩ. Người thường được chồng hỏi câu: “Anh mua gì về nhé” cảm thấy mình có phước vì chồng chan hòa, dễ tính, quan tâm đến vợ con. Thậm chí có người còn nói: “Ông chồng tui có tính hay thích mua mang về mà không hỏi. Đôi khi tôi nổi cáu vì hôm trước ổng vừa mua thứ đó chưa dùng đến, hôm sau lại mua thêm”.

Một người bạn chia sẻ: “Hầu như việc ăn sáng ở nhà là do ông chồng đảm trách. Sáng sớm ổng đi bộ một vòng rồi mua về các thứ dù ổng và con trai không ăn sáng chỉ uống ly cà phê rồi đi làm. Con gái hôm thì thích ăn xôi bắp, hôm thích bánh mì, hôm lại bún riêu, ổng chiều luôn. Trước khi đi bộ thể dục ổng hỏi tui hôm nay ăn gì. Tuy không êm ái như câu của anh chàng trong phim nhưng không phải là câu hỏi nặng nề. Mới hiểu, mình có phúc lâu nay mà không nhận ra, chẳng bao giờ nói lời cám ơn với chồng”.

Mỗi người mỗi tính, không thể ép bất cứ ai làm công việc mà họ không thích, tuy nhiên, giá mà tất cả các ông chồng trên thế gian này đều nói được câu ấm áp: “Anh mua gì về nhé”.

Có thể vợ không cần chồng mua gì, vì các bà vợ vốn tính chu đáo, trước sau đâu đó; có thể là một câu kiểu “kiếm câu chuyện làm quà” khi chồng về trễ, và cũng có thể là câu quan tâm thật lòng, thể hiện tình yêu với người đồng cam cộng khổ bấy lâu nay.

Một câu đơn giản thế thôi mà ấm áp lắm, bạn có nghĩ vậy không?

                                                                                                            Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI