Ánh lửa cuối năm

12/01/2024 - 17:26

PNO - Mỗi đợt gió lùa, ánh than sáng rực lên, một chút lửa ngọn bừng dậy nhảy nhót vui mắt. Đứng bên kia rào, người hàng xóm ngây nhìn...

Vườn có một góc chứa đồ phế thải linh tinh. Năm ngoái chặt bỏ mấy cây dừa, ba tôi vứt đại vào “góc phế thải”. Nay muốn mở rộng khu trồng rau, tôi dọn dẹp, gom củi lá mục chất thành đống, định đốt bỏ mấy khúc thân dừa. Lửa cháy hơn 1 giờ vẫn chưa bén được vào đống gỗ vừa to vừa chắc.

Tôi phải gom thêm củi, đốt từ giữa trưa đến khi mặt trời lặn, than đỏ mới ngún sâu vào các thân cây. Mỗi đợt gió lùa, ánh than sáng rực lên, một chút lửa ngọn bừng dậy nhảy nhót vui mắt. Đứng bên kia rào, người hàng xóm ngây nhìn, bảo lâu lắm rồi mới thấy có người đốt lửa, cảm giác vui vui.

Bác hàng xóm nhắc tôi nhớ về ánh lửa vườn ấm áp trong những ngày cuối năm. Thời khó khăn, ai cũng lo làm cật lực; hết việc ruộng nhà lại tranh thủ đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Vì vậy, quanh năm suốt tháng, ban ngày xóm nhỏ chỉ có các cụ già và lũ con nít ở nhà. Lá già, cành khô thi nhau rơi rụng, lớp mới đè lớp cũ, mặc mưa mặc nắng. Vài cơn bão đi qua là cây cối bật gốc, gãy cành, chắn ngang chắn dọc khiến khu vườn trông như một góc rừng hoang.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Thường mọi người để mặc cho khu vườn phát triển tự nhiên, cây cỏ um tùm chen rác; nhưng năm hết tết đến, ai cũng phải tranh thủ dọn dẹp trong ngoài. Cỏ được nhổ, cành lớn chặt củi, cành nhỏ và lá khô gom chung với cỏ, chất thành đống.

Chỉ sau vài buổi là vườn sạch sẽ, rộng thoáng. Khu vườn như được khoác lên tấm áo mới. Đám con nít rộn ràng chạy giỡn rượt đuổi nhau. Chúng tôi không quên lẽo đẽo theo chân người lớn, chờ thu hoạch chút gì đó. Mỗi lần dọn vườn, thế nào cũng phát hiện tổ ong mật, trái mít chín hay những “chiến lợi phẩm” thú vị khác như bưởi, ổi, xoài, mận, khoai lang, khoai mì…

Thông thường, đầu tháng Chạp là nhà nhà bắt đầu rục rịch quét dọn. Đến sau ngày đưa ông táo về trời, cả xóm làm rầm rộ hơn. Đi ngang nhà nào cũng thấy những cánh cửa rộng mở. Tiếng chặt cành bẻ nhánh răng rắc, tiếng chổi dừa quét lá xoèn xoẹt khắp làng trên xóm dưới. Những thanh âm quen thuộc đó khiến lũ trẻ háo hức vì sắp được ăn ngon, mặc đẹp và nhận nhiều tiền lì xì.

Nhìn những đống rác vun tròn cao vút, chúng tôi thèm châm một mồi lửa để chúng cháy lên rực rỡ, nhưng hầu như không ai cho phép lũ trẻ làm điều đó; một phần vì sợ nguy hiểm, phần quan trọng hơn là đống rác ấy được “để dành” cho đêm giao thừa. Quê tôi lúc đó chưa có điện. Người lớn bảo đợi cuối năm đốt lửa cho ấm áp và bừng sáng xóm làng.

Lũ nhóc đã thủ sẵn khoai mì, khoai lang thu hoạch từ trước, đem phơi nắng cho tinh bột chuyển hóa, củ sẽ có vị ngọt đậm hơn. Chúng tôi giấu “lương thực” vào những chỗ bí mật, đợi đến tối 30.

Vẫn có những khu vườn im lìm vắng bóng người. Họ còn mải miết làm lụng mưu sinh, có khi đến chiều cuối cùng trong năm mới hối hả dọn dẹp một chút. Dù sao thì cuối cùng, mỗi khu vườn trong xóm đều có một đống rác to vun lên chờ tiễn biệt năm cũ, được gọi là “đống un”.

Trời vừa sập tối, chúng tôi đã í ới nhau. Trước sự háo hức của lũ nhóc, người lớn bắt đầu châm lửa. Hét hò cười giỡn chán chê quanh đống un ở nhà này, chúng tôi chuyển sang nhà khác, đem khoai lang, khoai mì ra vùi vào than. Mùi khoai chín bay lên thơm ngát.

Hoạt động “hết công suất” khiến mặt đứa nào đứa nấy đỏ ké, thở hồng hộc, mồ hôi túa ra. Đến lúc mệt nhoài, chúng tôi rủ nhau leo lên đồi đất cao nhất xóm, nhìn bao quát cả làng rồi giành đếm xem có bao nhiêu đống un đang đỏ lửa.  

Những đứa trẻ ngày ấy nay mỗi người một phương. Cuối năm, tình cờ nhóm lửa đốt mấy cây dừa, bỗng lao xao nhớ… 

Việt Quỳnh  
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI