Anh: Lo ngại khuynh hướng phụ huynh, học sinh “tấn công”giáo viên

30/04/2014 - 19:40

PNO - PN - Một khuynh hướng ngày càng lan rộng đang làm đau lòng các giáo viên và nhân viên nhà trường tại Anh là học sinh, phụ huynh sử dụng mạng xã hội để công kích họ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Anh: Lo ngai khuynh huong phu huynh, hoc sinh “tan cong”giao vien

Giáo viên ở Anh đang đối mặt tình trạng có thể bị tấn công, sỉ nhục bất cứ lúc nào - Ảnh minh họa: Express 

Nghiên cứu của Liên đoàn Giáo viên Anh cho thấy, học sinh từ bốn đến bảy tuổi đã biết lên mạng, viết những lời lẽ xúc phạm giáo viên và nhân viên nhà trường.

Trong số 7.500 người tham gia khảo sát, 21% cho biết đã từng là nạn nhân của việc bị bôi xấu trên mạng. 26% bị quay video và truyền tải mà không có sự đồng ý của họ. Có đến 27% tác giả những lời lẽ xúc phạm xuất phát từ phụ huynh, 64% đến từ học sinh, 9% do cả hai cùng “sáng tác”.

Một giáo viên lo lắng khi một học sinh thành lập trang Facebook đe dọa và kêu gọi bạn bè giết cô, còn thầy giáo khác thì bị học sinh viết trên Twitter: “Ông là một tên dê xồm, con gái ông là một con điếm”. Giáo viên da màu bị học sinh gọi là con khỉ. “Hãy cút về Trung Quốc” là một câu khác dành cho giáo viên nước ngoài.

Việc giáo viên bị phụ huynh và học sinh tấn công qua phương tiện công nghệ chỉ là một phần của sự “tha hóa” trong mối quan hệ thầy trò. Việc giáo viên bị hành hạ về thể xác cũng không hiếm. Dorothy Espelage, giáo sư Trường đại học Illinois, Urbana-Champaign, Mỹ cho biết trong một nghiên cứu về việc giáo viên bị bạo hành: “Ngày nay, phần đông giáo viên đến trường đều cảm thấy không an toàn”.

Tháng Chín năm ngoái, một phụ huynh đã xông vào lớp học, đấm vào mặt, lôi tóc và đập đầu cô giáo tại Trường mẫu giáo Hickman Mills, Mỹ. Chỉ vì nhìn thấy các vết xước trên tay con, vị phụ huynh này đã kết tội cô giáo. Chuyện hóa ra là do đứa bé bịa đặt. Những việc tương tự có thể gây chấn động trong xã hội, nhưng với giáo viên, họ xem đây là “chuyện thường ngày ở huyện”, như việc một giáo viên bị cha của học trò xúc phạm vì ông cho rằng thầy giáo này bóp cổ con trai ông, trong khi thầy giáo chỉ cố ngăn cản hai học sinh choảng nhau.

Các nhà tâm lý học tại Mỹ đang đau đầu để tìm lời giải cho tình trạng xuống cấp tinh thần tôn sư trọng đạo tại đây. Nhiều lý giải được nêu ra như tình hình kinh tế xã hội, trầm cảm, tuổi tác, nạn nhập cư. Chưa có kết luận chắc chắn, nhưng họ cho rằng các bậc phụ huynh trẻ đơn thân, phải vật lộn với cơm áo gạo tiền thường có những hành vi không kiềm chế với giáo viên và nhà trường. Hội đồng liên bang giáo viên Mỹ nhận xét: “Khi các cô gái trẻ sinh con mà không được chuẩn bị gì về kiến thức làm cha mẹ, họ trở nên nóng nảy hơn và giáo viên là một trong những mục tiêu họ dễ tấn công”.

Ken Weaver, Trưởng khoa Giáo dục của Trường đại học Emporia State tại Mỹ nhấn mạnh, giáo viên luôn được hướng dẫn phải có mối quan hệ cởi mở với phụ huynh, xem họ là đối tác quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Nhưng khi mối quan hệ này trở thành thù địch, một số giáo viên phải chọn cách bỏ qua cách cư xử của phụ huynh.

Các nhà nghiên cứu giáo dục tại Anh lại cho rằng: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà bọn trẻ ý thức rất rõ về quyền hạn, nhưng lại mù mờ về trách nhiệm. Cha mẹ và thầy cô bất lực trong việc kỷ luật bọn trẻ vì sợ bị mang tiếng hoặc tệ hơn là phải ra tòa.

Điều trớ trêu cho những người chọn ngành giáo dục chăm sóc trẻ là họ thiếu hẳn sự hỗ trợ chăm sóc của nhà trường và pháp luật”.

Trở lại nghiên cứu mới nhất của Liên đoàn Giáo viên tại Anh nêu trên, có đến 58% không báo cáo sự việc với nhà trường và cảnh sát, 68% bị mất niềm tin - cho rằng sẽ không có gì có thể ngăn được những lời miệt thị trên mạng. Tệ hơn, 40% đã báo cáo sự việc lên cấp trên nhưng nhà trường xem như không có việc gì xảy ra.

Hệ quả tất yếu, nhiều giáo viên bị trầm cảm, mất tự tin và một số người đã bỏ nghề.

Bà Chris Keates, Tổng thư ký Liên đoàn Giáo viên Anh kêu gọi: “Nhà trường cần có chính sách ngăn chặn việc sỉ nhục và có các biện pháp với học sinh, phụ huynh khi họ lăng mạ giáo viên. Nhà trường cũng cần hỗ trợ nhân viên trong việc bảo đảm các đối tượng phải xóa bỏ các lời lẽ xúc phạm trên mạng và khuyến khích nhân viên báo cáo sự việc với cảnh sát”.

PHAN QUỲNH DAO
 (Theo Times và Kansas City)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI