Anh không thể núp sau lưng mẹ

22/12/2023 - 06:18

PNO - Cách thương con của mẹ dường như đã sai. Ngày rộng tháng dài, con đường sẽ ngày càng khó đi, mẹ sao có thể mãi ở đó để đứng mũi chịu sào thay anh?

“Mẹ cho em bao nhiêu là tiền. Nhà có chuyện thì em cứ bỏ tiền thuê người làm, sao phải kêu réo anh. Chuyện gì em cũng đổ tại anh, trách móc anh…”. Phản ứng gay gắt của chồng như ly nước lạnh tạt vào mặt Quỳnh, khiến cô cay đắng. Lẽ nào vai trò làm chồng, làm cha của anh có thể dùng tiền để thay thế?

Chồng ngồi dịch ra xa Quỳnh, vai rũ xuống, hờn dỗi. Mấy lần trước, Quỳnh đã sà vào dỗ ngọt, xoa dịu chồng, nhưng lần này cô dứt khoát không thỏa hiệp. Anh làm sai nhưng chưa bao giờ nhận sai, Quỳnh cũng chưa từng gay gắt vạch lỗi. Sự cả nể và nuông chiều của Quỳnh khiến chồng như con bệnh lờn thuốc, vô phương cứu chữa.

Chuyện là lúc chiều, Quỳnh đón con gái về, phát hiện con bị sốt nên đưa đi bác sĩ. Người giúp việc đã về quê nên Quỳnh gọi chồng, bảo anh đi đón con trai lớn. Tối muộn, 2 mẹ con còn ở phòng khám thì cô giáo gọi, nói con trai Quỳnh giờ này vẫn chưa có ai rước. Quỳnh cuống quýt gọi chồng, thì ra anh đang đánh bida, quên mất việc đón con.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mẹ chồng Quỳnh gọi tới, nhỏ nhẹ an ủi: “Bé sao rồi con, bác sĩ nói sao? Mai mẹ sẽ cho người giúp việc qua phụ con. Lát nữa mẹ chuyển cho con 50 triệu đồng. Con xin nghỉ mấy hôm để chăm bé cho khỏe. Con đừng trách móc thằng Thiên. Vợ chồng con lục đục hoài, mẹ xót lắm”. Quỳnh không biết nên khóc hay cười.

Căn nhà vợ chồng cô đang ở là mẹ mua cho, 2 chiếc xe cũng mua bằng tiền của mẹ. Mẹ thương Quỳnh, thương cháu, càng thương yêu con trai của bà nên không tiếc tiền bù đắp. Mẹ làm vậy càng khiến chồng Quỳnh thêm nhu nhược và yếu đuối. Anh sắp 40 tuổi rồi, còn nhỏ gì nữa mà mẹ phải che chắn tứ phương?!

Quỳnh vẫn nhớ những ngày héo rũ như lá úa khi sinh đứa con đầu lòng. Thằng bé bị ngạt nên phải đưa vào phòng cấp cứu. Vết mổ của Quỳnh rất đau, nhưng ngày 2 lượt, cô vẫn tới khoa nhi để xem con thế nào. Dù chỉ là đứng nhìn con qua cửa sổ, nhưng ngày nào không nhìn thấy con, Quỳnh không yên tâm.

Mẹ chồng đặt cho Quỳnh phòng sinh hạng sang, có điều dưỡng riêng chăm sóc. Đứa bé cũng được mẹ gửi gắm bác sĩ giỏi nhưng Quỳnh vẫn không có cảm giác an toàn. Chồng Quỳnh mỗi chiều vào bệnh viện, ngồi với cô một lát rồi về, vì “anh ở đây cũng đâu làm được gì”. Lần đầu tiên Quỳnh thấm thía câu “đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Cảm giác sợ hãi khi lênh đênh giữa sóng gió trùng khơi mà không có cánh tay nào để níu lấy khiến cô nhói buốt. Vợ chồng mà không chia sẻ, không xót thương nhau khi hoạn nạn thì còn mong cầu gì ấm êm, ngọt bùi?!

Sau này, Quỳnh vẫn hay tự trách bản thân cả nể và yếu đuối. Lẽ ra cô phải quyết liệt với chồng, yêu cầu anh chung vai gánh vác. Không làm được gì nhưng chí ít, sự có mặt của anh bên cạnh vợ con lúc nguy cấp là để yên lòng nhau. Ly nước khi vợ khát, cái đỡ lưng dịu dàng khi đau đớn… sẽ khiến Quỳnh ấm áp, nhưng chồng đã không làm vậy. Giờ đứa lớn đã vào tiểu học, đứa nhỏ học mẫu giáo, nhưng chồng vẫn là đứa trẻ ham chơi không chịu lớn.

“Mẹ biết con trai mẹ không thể làm chỗ dựa vững chắc cho con, nhưng mọi chuyện đã có mẹ đây. Con đừng nghĩ quẩn, tội tụi nhỏ. Tính Thiên hờ hững vậy thôi chứ yêu thương vợ con. Nó cũng không có lỗi lầm gì lớn”. Lời của mẹ chồng cùng ánh mắt tha thiết như khẩn cầu của bà khiến Quỳnh mềm lòng. Quỳnh cũng đã làm mẹ, nên hiểu bà mẹ nào cũng sẵn sàng vì con mà xông pha ra phía trước, che chắn gió giông, miễn con cái yên lành.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Nhưng cách thương con của mẹ dường như đã sai. Ngày rộng tháng dài, con đường sẽ ngày càng khó đi, mẹ sao có thể mãi ở đó để đứng mũi chịu sào thay anh? Chồng Quỳnh sẽ không tìm thấy mục tiêu để phấn đấu, cũng không cần trưởng thành. Đàn ông như vậy, làm sao gánh vác gia đình?!

Việc quên đón con của chồng hôm nay như giọt nước tràn ly, đã chạm ngưỡng chịu đựng của Quỳnh. Cô sẽ trao đổi với chồng, yêu cầu anh thay đổi. Lần này Quỳnh nhất định sẽ không để mẹ chồng can thiệp. Anh không thể cả đời núp sau lưng mẹ. Quỳnh sẽ bắt đầu từ câu chuyện lúc mới sinh con trai, cả chuyện quên rước con… để đánh thức bổn phận người cha trong anh. Đã đến lúc anh phải gánh lấy trách nhiệm, thay đổi cách sống ích kỷ bấy lâu. Dẫu muộn còn hơn không. Hy vọng có sự chấp nhận “buông con trai ra” của bà mẹ, chồng Quỳnh sẽ thay đổi. 

Thùy Gương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI