Anh không đòi quà: "Đạo" hay "mượn"?

05/12/2013 - 19:56

PNO - PNO - Sau khi ra mắt và gây sốc trong cộng đồng mạng với hình ảnh cô gái vừa đi vừa cởi đồ cho đến khi chỉ còn đồ lót, MV Anh không đòi quà của ê-kíp Karik, OnlyC, Trần Việt Anh còn bị tố là sản phẩm đạo.

edf40wrjww2tblPage:Content

So với phiên bản MV Trót yêu một cô nương tốt của Trung Quốc, diễn tiến MV Anh không đòi quà gần như hoàn toàn trùng khớp với cảnh mở đầu là một chiếc xe hơi dừng lại, nhân vật nam và nữ bước ra, tranh cãi, cô gái ném trả túi xách và bỏ đi. Trên suốt hành trình bước đi của cô gái từ đấu đến cuối clip, cả hai cô gái trong hai MV lần lượt cởi và ném bỏ mắt kính, đồng hồ (vòng đeo tay), thắt lưng (dây chuyền), áo, váy và tiếp tục đi chỉ với duy nhất bộ đồ lót trên người. Cũng trong suốt hành trình đó là một nhân vật nam vừa đi theo vừa hát. Cuối clip, trong cả hai phiên bản, cô gái được một chàng trai chạy xe đạp chở đi.

Anh khong doi qua:
Hình ảnh lột đồ phản cảm trong clip Anh không đòi quà

Phản ứng trước các chỉ trích cho rằng mình đã đạo clip, người chịu trách nhiệm đạo diễn MV Anh không đòi quà - Trần Việt Anh - khẳng định trên VNExpress: "Không thể dùng từ đạo để nói về trường hợp của tôi" bởi trước đó anh đã công khai xác nhận rằng Anh không đòi quà có "mượn ý tưởng" từ một clip của Trung Quốc. Trần Việt Anh cũng cho biết MV Trót yêu một cô nương tốt là sản phẩm dựa trên ý tưởng clip Baby baby baby của Pháp có từ trước đó, chỉ khác ở chỗ trong clip của Pháp, cô gái hoàn toàn khỏa thân.

Lý giải của Trần Việt Anh càng khiến dư luận thêm bức xúc trước những ý nghĩ lạ lùng về bản quyền tác giả cũng như thái độ của người tự xưng là một đạo diễn.

Trước nhất, trong clip Baby baby baby của Pháp, cô gái bước ra từ xe hơi, lột đồ, vác máy nghe nhạc lên vai và vừa đi vừa hát. Trên hành trình của cô gái, có những cô gái khác bất chợt lột đồ, khỏa thân hoàn toàn, đưa đồ cho cô gái trước, giành lấy chiếc máy nghe nhạc và tiếp tục đi, hát cho đến cuối clip chứ không phải là chuyện vừa đi vừa lột đồ ném bỏ.

Thứ hai, cứ cho rằng MV Trót yêu một cô nương tốt của Trung Quốc là sản phẩm sao chép Baby baby baby của Pháp thì điều đó cũng không có nghĩa là Trần Việt Anh được sao chép lại theo cái lý lạ lùng của nhiều người đang từng ngày vi phạm bản quyền - "trộm của kẻ trộm không phải là trộm".

Thứ ba, sẽ là vô cùng khiên cưỡng khi bảo rằng Anh không đòi quà chỉ "mượn ý tưởng" của Trót yêu một cô nương tốt bởi hai clip hoàn toàn tương đồng, thậm chí tương đồng đến cả việc cô gái để tóc dài, xoăn và đeo mắt kính, trình tự lột từng món đồ, vị trí đỗ xe và tuyến đường đi bộ.

Ở cấp độ cuối cùng, việc Trần Việt Anh có công khai thừa nhận mình "mượn ý tưởng" từ clip của nước bạn thì điều đó không hề làm giảm đi tính chất của hành vi vi phạm bản quyền bởi anh chưa hề xin phép và được sự đồng ý từ phía bạn, càng chưa có chuyện trả tiền bản quyền.

Trong hàng loạt vụ việc liên quan đến bản quyền tác giả thời kỹ thuật số, đã có rất nhiều người vin vào các cụm từ "học hỏi", "ảnh hưởng", "dựa trên ý tưởng" để ngụy biện cho hành vi vi phạm. Hầu hết các vụ việc, sau đó, đều rơi vào im lặng bởi các tác giả nước ngoài đã không biết hoặc không khởi kiện. Hiếm hoi, một đơn vị của Hồng Kông đã gởi công văn đến Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam yêu cầu xử lý nhóm HKT vì đã vi phạm bản quyền của họ. Đơn vị này cũng đã liên hệ với YouTube yêu cầu gỡ bỏ các clip vi phạm của HKT trên mạng chia sẻ video này.

Không ai kiện nên không ai xử. Những cá nhân vi phạm công khai thách thức dư luận và "càng được báo chí đánh càng nổi tiếng". Vấn nạn bản quyền tại Việt Nam càng lúc càng thêm trầm trọng bất chấp các nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè thế giới. Bó tay ư?

THÀNH NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI