Anh không có hoa hồng

31/03/2020 - 11:47

PNO - Tôi vẫn tin ở hoa hồng, nhưng tôi càng tin vào những điều “trần thế”. Hạnh phúc nào ở đâu xa, mà ngay bên ta, trong những điều bình dị nhất...

Cả nhà đang ăn thì con đòi đi vệ sinh, chồng buông đũa, bảo: “Vợ cứ ăn đi!” rồi đứng phắt dậy đưa con vào toilet. Tiếng hai cha con vọng ra, tôi bước vào xem thử... Thằng nhóc ì èo vì đau bụng bởi chứng “trồng táo” từ nhỏ, cha ngồi bên cạnh ôm lấy con vừa xoa bụng vừa dỗ dành. Tôi nhớ lại mình, toàn đưa con vào cho thằng bé tự ngồi một mình, và chỉ vào để “giải quyết hậu quả” khi nó báo cáo đã xong.

Tôi trở ra bàn ăn, ngồi ngẫm nghĩ về hành trình tám năm bên nhau. Trong phút chốc, tất cả những kỷ niệm, ký ức “tua” nhanh qua đầu, rõ mồn một và sống động 
vô cùng.

Tôi nhớ về bó hoa hồng đầu tiên và cũng là duy nhất tôi nhận được từ anh trong ngày đầu biết nhau. Tôi vốn là kẻ “tin ở hoa hồng”, và luôn cho rằng những điều lãng mạn là cần thiết trong cuộc sống lứa đôi. Lắm lúc tôi thất vọng về người đàn ông của mình, khi thỉnh thoảng thấy ai đó đăng lên “phây“ những bức ảnh bó hoa, quà tặng, hay chuyến đi chơi chỉ có hai người...

Tôi nổi sùng khi thấy anh cứ xuề xòa trong bộ quần áo cũ mèm. Tôi mua cho anh đồ mới, anh cất sâu trong tủ và luôn trung thành với phong cách “cái bang” của mình. Cái áo anh hay mặc bị rách tôi chưa kịp vá, anh cứ thế mà mặc đi làm hay đi công việc, thậm chí còn tung tăng qua chơi nhà bạn bè. Tôi nói cỡ nào anh cũng không nghe. Nhìn chồng người ta chỉn chu thấy ham, ban đầu tôi còn nhắc khéo, sau chuyển sang nói huỵch toẹt, nhưng anh cũng chẳng thay đổi được gì. Lần đầu tiên và cuối cùng tôi nhìn thấy anh “đóng thùng” nghiêm chỉnh là vào ngày cưới. Từ đó đến nay, tôi không còn gặp lại hình ảnh ấy lần nào nữa.

Nhưng rồi... tôi nhận ra mình may mắn khi đang nắm giữ một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được. Dù mới hôm trước thôi, tôi còn trách anh không lãng mạn như “chồng người ta”.

Tôi nhớ ngày con chào đời, và hình ảnh anh một tay ẵm, một tay đút sữa cho con khi tôi bị mất sữa sau mổ. Anh đã “đuổi” mẹ và em gái tôi về, một mình túc trực ở bệnh viện để chăm vợ con. Những ngày sau đó, anh vẫn chu đáo như vậy. Một tay anh tắm táp, cắt móng, phơi nắng, vệ sinh cuống rốn, mát-xa... cho con. Đêm, chỉ cần con ọ ẹ là anh bật dậy dỗ con cho vợ ngon giấc. Anh nói, chỉ có đẻ con và cho bú là anh không thể, còn lại anh sẽ làm hết. Và anh đã giữ đúng lời hứa ấy, cho đến tận bây giờ.

Đi làm về, thay bộ đồ ra là anh xắn tay vào làm mọi thứ cho vợ đỡ vất vả. Từ việc tắm con, cho con ăn, rửa chén, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, đến việc chơi với con, dạy con, ru con ngủ. Nhớ lúc vợ chồng gặp khó khăn, có món gì ngon anh cũng nhường cho vợ, còn mình thì giành ăn những món cũ để lại từ hôm trước. Khi cuộc sống bớt khó khăn hơn, anh vẫn không thay đổi thói quen này. Khi cả nhà ra ngoài hay đi chơi, anh không lãng mạn mở cửa xe hay kéo ghế như trong mấy bộ phim ngôn tình, nhưng lại luôn giành lấy phần nặng nhọc nhất. Anh nói: “Khi nào trên người chồng không còn chỗ để mang vác, thì mới đến lượt vợ chịu cực”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuối tháng, tôi không hề nhắc nhở hay yêu cầu gì, anh tự động chuyển hết lương vào tài khoản vợ. Những khoản tiền phát sinh “ngoài luồng” do anh nhận công việc làm thêm mà có, anh cũng đưa tôi không sót một xu. Anh nói, đã có vợ lo ăn uống, ăn mặc, đối ngoại, đối nội hết rồi... giữ tiền chi cho mất công. Đôi lúc tôi cho vào ví anh ít tiền phòng khi cần, anh lại moi ra nhét trở lại vào ví vợ. Những lần tôi nôn nóng đòi đi làm, anh trừng mắt: “Lo học đi, học càng nhiều càng tốt”. Và cũng chính anh là người mua cho tôi từng quyển tập, từng cây viết, hộp ghim bấm...

Ngay trong khoảnh khắc ngồi bên bàn ăn, vẳng bên tai tiếng hai cha con cười nói, tôi chợt nhớ ra mình may mắn biết bao nhiêu. Chính lúc ấy, tôi tự hứa sẽ không bao giờ so sánh hay ao ước xa xôi nữa. 

Tôi vẫn tin ở hoa hồng, nhưng tôi càng tin vào những điều “trần thế”. Hạnh phúc nào ở đâu xa, mà ngay bên ta, trong những điều bình dị nhất... 

Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI