Ảnh hưởng COVID-19, bệnh nhân rối loạn tâm lý tâm thần tăng

12/07/2020 - 10:37

PNO - Công việc gặp khó khăn, bị hạn chế đi lại, lo lắng ám ảnh về dịch bệnh khiến nhiều người rơi vào rối loạn tâm lý tâm thần.

Gần đây, lượng bệnh nhân tới khám và tư vấn do rối loạn tâm lý tâm thần tại Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) tăng gấp đôi bình thường. Hầu hết các bệnh nhân đều nảy sinh bất ổn do dịch COVID-19. 

Tiến sĩ - bác sĩ (BS) Lê Minh Thuận, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện (BV) Quận 2, cho biết: trước đây, bệnh nhân đến khám chủ yếu là người cao tuổi hoặc nhóm bị rối loạn lo âu do bệnh lý mạn tính. Thế nhưng gần đây, mỗi buổi BS khám và tư vấn 5-6 bệnh nhân (mỗi bệnh nhân từ 45-60 phút) thì 90% bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Đặc điểm chung của các bệnh nhân này chia làm ba nhóm: công việc làm ăn khó khăn, bị hạn chế đi lại và giao tiếp, lo lắng ám ảnh thái quá về dịch bệnh. Trong đó, nhóm liên quan tới công việc làm ăn không suôn sẻ và lo lắng thái quá về dịch bệnh được ghi nhận nhiều nhất.

Chuyên gia tâm lý của Khoa Tâm lý Bệnh viện Quận 2 đang tư vấn cho một công nhân
Chuyên gia tâm lý của Khoa Tâm lý Bệnh viện Quận 2 đang tư vấn cho một công nhân

Mất việc, thua lỗ gây rối loạn tâm lý

Ngày 9/6, anh N.V.H., 40 tuổi, ở trọ tại P.Bình Trưng Tây (Q.2) đến khám tại BV Quận 2. Anh đã khóc với BS Thuận để giải tỏa nỗi lòng. Chủ cơ sở sản xuất thua lỗ, không có đơn hàng, nợ lương và anh bị cho nghỉ việc ba tháng nay. Vợ anh làm chung cơ sở, cũng rơi vào cảnh thất nghiệp. Dù chủ nhà có giảm bớt tiền thuê nhưng chẳng thấm tháp gì. Hai đứa con đi học đã phải cắt hết các lớp học thêm, không học bán trú để giảm chi phí.

Nhà 4 miệng ăn, trong lúc quá túng quẫn anh đi vay nặng lãi, nhưng không thu nhập nên anh chẳng trả nổi. Chán đời, anh H. sa đà vào rượu chè. Về nhà say xỉn, nghe vợ càm ràm anh ra tay đánh vợ. Anh H. nức nở: “Vợ tôi ôm con về quê, hai đứa con bỏ học, gia đình tan nát. Tôi giờ sống vật vờ chẳng biết ngày nào bị chủ nhà đuổi ra đường. Chỉ muốn chết thôi bác sĩ ơi!”.

Cơn sóng rối loạn tâm lý tâm thần do COVID-19 gây ra đâu chỉ ảnh hưởng mỗi người nghèo, cả người giàu cũng khóc vì thuyền to thì sóng lớn. Một bệnh nhân khác của BS Thuận đang được trị liệu tâm lý là chủ doanh nghiệp tại TP.HCM. Mấy tháng nay, ông không thể trả lương cho nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng, nợ ngân hàng. Ông đã chọn giải pháp… chạy trốn thực tại và trấn an mình bằng ảo tưởng tự vẽ ra. Trốn biệt về một huyện ở tỉnh Lâm Đồng, ông tắt điện thoại, không liên lạc với ai kể cả người nhà. Ông sa đà vào bói toán, vì ôm hy vọng thầy bói nói trốn hết năm rồi vận mệnh sẽ đổi. Khi được BS tư vấn qua điện thoại, ông tâm sự nếu hết năm nay vận không đổi, ông chỉ còn đường chết…

Ám ảnh dịch bệnh, tự cách ly mình

Điển hình là trường hợp của chị P.T.K.N., 38 tuổi, ngụ P.Thảo Điền, Q.2. Đi cùng chồng đến BV Quận 2 khám, dù đeo khẩu trang kín mít nhưng chị N. không giấu nổi đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ. Ngay cả khi ngồi đối diện với BS, chị cứ lấy chai sát khuẩn từ túi xách ra và xoa rửa tay liên tục. Vấn đề của chị N. là quá sợ hãi và lo lắng về dịch COVID-19. 

“Tôi rửa tay tới mức hai bàn tay khô sần, nứt nẻ. Tôi đeo khẩu trang cả khi ở nhà. Khi nấu ăn, tôi không dám nếm vì sợ nhỡ mình đang ủ bệnh sẽ lây cho gia đình”, chị N., chia sẻ. Không chỉ thế, chị còn luôn sợ hãi khi thấy một thành viên gia đình hắt hơi, húng hắng ho, rồi tra hỏi chồng con rằng ở cơ quan hay trường lớp có ai bị bệnh không. Mọi thứ nghiêm trọng hơn khi chị đẩy đứa con gái 5 tuổi ra xa, vì muốn giữ con an toàn, sợ lỡ chị mang bệnh sẽ lây cho con. Rồi chị dọn ở riêng một phòng, tự cách ly mình. Cảm thấy vợ không ổn, chồng chị N. đã thuyết phục để đưa chị đi khám tâm lý. BS cho biết, chị N. bị rối loạn lo âu thể nặng do ám ảnh quá mức về dịch bệnh.

Bên cạnh thuốc để hỗ trợ, BS đã đưa ra giải pháp phối hợp từ gia đình, giúp bệnh nhân ổn định trở lại như: không cho bệnh nhân đọc báo hay xem ti vi thông tin liên quan các ca nhiễm hoặc tử vong vì dịch bệnh, thay vào đó là tin tốt như những trường hợp nhiễm COVID-19 đã hồi phục, rồi các thành tựu trong việc khống chế dịch của Việt Nam, thế giới… Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh của chị N. sẽ ngày một nặng, không chỉ là rối loạn lo âu thứ phát mà chuyển thành mạn tính, trầm cảm và nguy cơ tự tử có thể xảy ra. Chưa kể, khi ở cạnh chị, mọi người đều bị căng thẳng, gián tiếp ảnh hưởng tới tình trạng tâm lý của cả gia đình.

BS Thuận nhấn mạnh, dịch COVID-19 gây các bất ổn về tâm lý tâm thần, ví như quân bài Domino sụp đổ mang tính chất dây chuyền. Giải pháp căn cơ vẫn là giải quyết vấn đề công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, sự chung tay hỗ trợ đời sống từ các tổ chức xã hội, chính sách. Các BV, cơ sở y tế nên xây dựng đơn vị tư vấn và điều trị tâm lý miễn phí cho người dân trong giai đoạn này để cùng dìu nhau qua khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu. 

WHO cảnh báo mối đe dọa sức khỏe tâm thần từ COVID-19

Trong báo cáo mới đây của ông Devora Kestel, Giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự cô lập, nỗi sợ hãi, bất ổn kinh tế có thể gây ra vấn đề về tâm lý. Nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy tác động của COVID-19 khiến trẻ em rất lo lắng, gia tăng các trường hợp trầm cảm ở một số quốc gia.

Nhiều người đau khổ vì những tác động sức khỏe tức thời, hậu quả của sự cô lập về thể chất, trong khi nhiều người khác sợ bị lây nhiễm, chết hay mất người thân. Hàng triệu người đang đối mặt với bất ổn kinh tế, mất hoặc có nguy cơ mất thu nhập và sinh kế. 

Báo cáo cũng phác thảo các mục tiêu hành động để nhà hoạch định chính sách tìm cách giảm bớt sự đau khổ của hàng trăm triệu người và giảm thiểu chi phí, ảnh hưởng xã hội lâu dài từ vấn đề tâm thần. Bao gồm: đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, cung cấp chăm sóc sức khỏe tâm thần khẩn cấp thông qua các liệu pháp như tư vấn từ xa, chủ động tiếp cận những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, cũng như với những người có nguy cơ cao bị bạo hành, rơi vào đói nghèo.

 Ngọc Hạ (theo Reuters)

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI