PNO - Nhìn các học sinh của mình, 18 tuổi, tóc một áng thanh tân, 2 hàng mi dài rậm cong vút, đôi má căng mướt... chạy qua chạy lại, mắt lấp lánh, tiếng cười như chuông vỡ, bất giác tôi nghe như thời gian vừa chạy qua trước mắt mình. Tôi cũng có một thời như thế. Cũng áo trắng, trường lớp, bạn bè và những người thầy vĩnh viễn ở lại trong tim.
Một sáng cuối thu, trời se lạnh, cảm giác từng khớp xương như có bàn tay vô hình nào đó tàn nhẫn vung ra bẻ mạnh. Cùng với những cơn ho trở đi trở lại, tôi biết đó là tiếng phản ứng rõ ràng của cơ thể. Vòng tuần hoàn sinh lão là con thuyền của kiếp nhân sinh, có ai không phải ngồi trên ấy?
***
Những năm đầu thập niên 1990, nước ta còn rất nhiều khó khăn. Bến Tre quê tôi, một dải đất cù lao tứ bề sông nước, ngăn sông cách chợ, cái ăn cái mặc còn chưa no chưa ấm, cái chữ vì thế cũng không phải là điều hiển nhiên cho mọi đứa trẻ. Được đến trường những năm tháng đó đã là hạnh phúc, lên tận thị xã học trường chuyên gần như chỉ có trong giấc mơ của rất nhiều học sinh trường huyện như tôi.
Tôi vẫn còn nhớ, năm ấy, 14 tuổi, mình đạp chiếc xe mini nhỏ xíu gần 10km đi thi tuyển. Tôi cùng 3 người bạn lóng ngóng mãi mới tìm thấy tấm bảng có một dòng chữ trắng “Trường PTTH Bến Tre” trên nền sơn xanh, áng chừng to hơn cuốn tập học sinh một chút, nằm khuất bên hông cây sung cổ thụ, trước cái hàng rào cũng nhỏ xíu. Cánh cổng ấy dường như suốt 3 năm học tôi chưa từng thấy được mở ra vì chúng tôi đi vào cổng khác - cổng sau của một ngôi chùa uy nghiêm thanh lặng. Thầy trò chúng tôi không có trường. Khoảnh đất nhỏ xíu vốn là nơi ăn nghỉ của các sư và phật tử, với không quá 10 phòng ọp ẹp cũ kỹ vừa là nơi học vừa là nơi ăn ở, là trường, là ký ức thanh xuân của chúng tôi.
Tác giả luôn tự hào vì nối nghiệp thầy của mình với nghề “gõ đầu trẻ” - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cho đến bây giờ, dẫu có hơn 20 năm cầm phấn, dẫu có nhiều ngày như hôm nay, nghe người thật mệt nhưng dường như chưa bao giờ tôi lên lớp mà không đứng, không giảng đến giọt sức lực cuối cùng. Cho đến bây giờ, dẫu con chữ văn chương đã ít nhiều mất vị thế trước các kênh giải trí khác, trước công nghệ internet, tôi vẫn nuôi giữ thói quen mỗi đêm mở từng trang sách ra đọc, ghi ghi chép chép, nghiền ngẫm tìm cho ra cái hay cái lạ, cách nhìn nhận khác biệt, khơi gợi bồi đắp những cảm xúc nhân văn cho mình; vẫn miệt mài gieo niềm yêu nỗi xúc động từ những con chữ cho các thế hệ học trò. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không bao giờ thôi hớn hở ngồi vào máy tính và viết... Tất cả là từ thầy giáo dạy văn của tôi.
Qua nửa đời người, ngồi suy nghĩ lại bằng đôi mắt của người nhiều trải nghiệm, tôi nhận ra, hình như thầy chưa bao giờ cố ý dạy, cố ý bắt chúng tôi làm một điều gì.
Cái lớp chuyên văn có 9 học sinh ngày đó, cái ngôi trường bé xíu ngày đó với chúng tôi là một gia đình. Thầy trò cùng sinh hoạt, cùng ăn những suất ăn nội trú như nhau. Chúng tôi, một cách tự nhiên, líu ríu theo thầy như bầy gà con đi theo mẹ.
***
Nhiều năm đã qua rồi, dù là học sinh duy nhất trong lớp nối nghiệp thầy, mỗi ngày vẫn lên lớp dạy môn học ngày xưa thầy dạy, vẫn viết báo viết văn như ngày xưa thầy viết nhưng thú thật tôi không nhớ nhiều kiến thức được học từ thầy. Cái tôi nhớ nhất chính là cảm xúc trong từng tiết học cùng cách sống, cách làm việc của thầy.
Có một nhận định rằng “người thầy vĩ đại là người biết truyền cảm hứng”. Điều đó rất đúng với thầy tôi. Ngoài lớp, thầy ít nói nhưng bước lên bục giảng, thầy như biến thành một người khác. Thầy dạy văn cho chúng tôi bằng tất cả cảm xúc có được từ trải nghiệm và những suy ngẫm của một người làm nghề cẩn thận chỉn chu nhiều tự trọng. Sau này, mỗi lần rời bục giảng, quay lưng bước ra khỏi lớp, tôi hay nghĩ bục giảng có khi nào là cái bục sân khấu. Thầy rồi tôi, như anh kép Tư Bền, không bận tâm về bất cứ điều gì, chỉ biết “cháy” cho trọn vẹn một vai đời.
Chúng tôi đã ngồi nghe thầy hát những câu dân ca bằng chất giọng nằng nặng sâu lắng của người con xứ Nghệ. Chúng tôi đã ngồi nghe thầy miên man giảng 4 tiết liền về tiếng Việt tuyệt vời như thế nào trong trang sách của Nguyễn Du. Nỗi nhớ mẹ làm thầy rơi nước mắt lúc giảng những câu thơ: “Con tìm tình yêu khắp nơi khắp nẻo/ Con đập vào cánh cửa mỏi rời tay/ Con đã van xin như một kẻ ăn mày/ Tìm không thấy tình yêu con trở về với mẹ” khiến chúng tôi dẫu lúc ấy không hiểu nhiều nhưng cũng chảy nước mắt theo.
Thầy truyền cho chúng tôi khát vọng được khám phá, truyền cho chúng tôi tình yêu văn chương, truyền cho chúng tôi ham muốn được trải nghiệm những cảm xúc không bằng phương tiện, lời lẽ đao to búa lớn nào mà bằng chính những cảm xúc rất thật của thầy. Tôi vẫn luôn tin, những gì khởi phát từ trái tim mới có thể chạm được đến những trái tim. Chỉ có tình cảm, cảm xúc thật từ trái tim, trí tuệ, vốn kiến thức thật nơi người thầy mới có thể truyền cảm hứng và thắp lên ngọn lửa khát khao được khám phá những chân trời tri thức nơi học sinh của mình.
Trong căn phòng nhỏ xíu, nóng nực kín mít không có cửa sổ là nơi ở, nơi làm việc của thầy, chúng tôi chỉ thấy toàn sách. Bất cứ khi nào không lên lớp, hình ảnh thầy trong trí nhớ của chúng tôi là hình ảnh ông giáo ngồi bên bàn đọc, viết sách, chấm bài. Một cách tự nhiên, chúng tôi không cần ai nhắc, ôm sách vở lên thư viện, lên phòng học tự học, tự đọc. Từng chút một, sau 3 năm, từ những cô cậu học trò non nớt, chúng tôi lớn lên, rời đi, sống và làm việc mỗi ngày bằng ánh hào quang từ thầy tỏa ra. Có gặp hay không gặp lại thầy thường xuyên, có nói hay không nói ra bằng lời, tất cả chúng tôi đã trưởng thành từ nguồn năng lượng không bao giờ mất đi, được khơi lên từ chính con người của thầy tôi. Chúng tôi vẫn luôn mang theo trong tim mình hình ảnh người thầy tay dắt xe đạp, tay ôm cặp, nở nụ cười chỉ có thương yêu khiêm cung mà cao lớn vời vợi.
***
Giờ chơi, tôi mở điện thoại nhắn cho chị bạn: “Em nhớ thầy. Em muốn viết về thầy, chị ạ!”. Gần như ngay tức thì, người chị trên tôi 1 lớp gửi mấy tấm ảnh chị ngồi bên mộ thầy, gương mặt dường như vẫn còn vương nước mắt, với lời nhắn: “Chị mới ra thăm thầy về, khóc một hồi. Thầy nằm hiu quạnh chắc tủi thân. Thầy vốn tình cảm em hén!”. Tôi nghe nước mắt trào lên ngay khóe mi, cố kìm nén không để rơi ra. Giống như ngày thầy đi, học trò chúng tôi lũ lượt kéo nhau về thắp nén nhang kính tiễn thầy lần cuối. Đứa này bảo đứa kia nhất định không được khóc. Thầy “mít ướt” lắm. Thầy sẽ khóc theo.
Thầy tôi đã ra người thiên cổ. Ở một nơi nào đó, chắc thầy sẽ vui khi biết rằng dù hơn 1.000 cây số, vẫn có học trò vượt đường xa, tìm về ngồi bên cạnh thầy. Ở một nơi nào đó, chắc thầy sẽ vui khi biết rằng có những học trò đang đi tiếp con đường của thầy. Ở một nơi nào đó, chắc thầy sẽ vui khi biết rằng chúng tôi đã lớn, đã nên người trong ánh hào quang của một người thầy.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...