Ảnh "giả" đừng mong tình thật

08/12/2024 - 14:42

PNO - AI hay những trò lừa đảo dưới hình thức này khác đều là sản phẩm "sáng tạo" của con người, từ con người mà ra cả. Chẳng phải thế sao?

Từ khi công nghệ AI xuất hiện, tôi cũng như nhiều bạn bè khác, tập tành thử khả năng "sáng tạo" của AI bằng cách yêu cầu tạo ảnh đại diện trên Facebook. Chỉ cần cung cấp vài thông tin như màu áo, kiểu tóc, bối cảnh... là tôi có ngay nhiều lựa chọn cho những "phiên bản" khác của mình. Đó cũng là những bức ảnh lung linh "hết nước chấm" như cách nói vui của các cư dân mạng.

Lúc đầu, tôi khá hứng thú với trò chơi thú vị này vì tôi có thể bỗng chốc xinh đẹp theo cách mình muốn. Tôi chọn tấm ưng ý nhất làm ảnh bìa và nhận được nhiều bình luận vui vui. Với mấy tấm ảnh ảo vầy mà đi lừa tình biết đâu "dưới miếng mồi ngon tất có (lắm) con cá chết". Tuy nhiên, dù đã cố gắng miêu tả yêu cầu giống mình nhất nhưng những bức ảnh AI vẫn "không giống tôi" như vài người nhận xét. Nói cách khác là trông giả giả thế nào ấy. Tôi nhận ra những bức ảnh thật không qua chỉnh sửa có thể không hoàn hảo, không "chuẩn chỉnh" nhưng đó mới thật là tôi.

Bức ảnh khiến nhiều người xúc động thời bão Yagi thực ra là ảnh giả, được dàn dựng (chụp từ Facebook)
Bức ảnh khiến nhiều người xúc động thời bão Yagi thực ra là ảnh giả, được dàn dựng (chụp từ Facebook)

Thỉnh thoảng tôi nhận được lời mời kết bạn trên Facebook. Có thêm người muốn làm bạn là vui rồi nhưng không hiểu sao khi nhìn ảnh đại diện - thứ giúp tôi có thể "đọc hiểu" được họ chỉ trong vài giây, tôi lại thấy mất thiện cảm nếu đó là một tấm ảnh AI.

Dĩ nhiên, tôi không trả lời mấy yêu cầu kết bạn như thế. Có thể bạn cho rằng "nước trong thì không có cá, xét nét quá thì không có bạn", chơi mạng mà khắt khe như thế thì còn gì vui? Nhưng một người không câu nệ hình thức như tôi thà làm bạn với người có hình thức khiêm tốn hơn là có cảm giác bị lừa dối, hay tệ hơn là bị xem thường. Một người đem ảnh giả để kết giao với mình liệu có đáng tin?

Những ngày cơn bão Yagi hoành hành miền Bắc, trong nhiều bức ảnh miêu tả sự đau thương, mất mát của người dân nơi cơn bão đi qua, có bức ảnh chú chó cõng trên lưng một em bé gái đang vượt lũ bị phát hiện là ảnh giả. Bức ảnh được công nghệ AI xử lý khéo như thật từng khiến tôi, một người vốn đa nghi và hay cảnh giác với những thông tin giả trên mạng, cũng bị mắc lừa.

Chỉ cần ra đề: Me in a forest with falling leaves, long sleeveless blue dress, high heels shoes, straight hair, AI sẽ cho ra những bức ảnh tôi như thế này
Chỉ cần ra "đề": "Me in a forest with falling leaves, long sleeveless blue dress, high heels shoes, straight hair", AI sẽ cho ra những bức ảnh "tôi" như thế này

Một câu chuyện trên mạng kể anh chàng nọ hớn hở hẹn gặp người yêu cũ sau khi thấy mấy bức ảnh đẹp lung linh của nàng trên Facebook. Lúc gặp mặt, chàng ngỡ ngàng khi tình cũ của chàng là một người đàn bà trung niên sồ sề, luộm thuộm với nhiều biểu hiện lão hóa. Hóa ra, những bức ảnh đẹp đẽ trên mạng là do nàng dùng các ứng dụng chỉnh sửa. Quá thất vọng, chàng bỏ hẳn ý định nối lại "mười năm tình cũ".

Ngoài đời thực, hẳn cũng không thiếu những câu chuyện tương tự khi vẻ đẹp hình thức là cái dễ quyến rũ đối phương nhất và vì vậy, cũng nhiều người bị "sụp hầm" vì mấy bức ảnh "ảo tung chảo". Nhờ vậy mới biết các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh cũng có công dụng tích cực là gìn giữ hạnh phúc gia đình chứ đâu chỉ tào lao như nhiều người lên án?

Tôi thích sưu tầm ảnh đẹp trên Facebook. Vậy mà, nhiều lần, tôi thất vọng khi phát hiện những bức ảnh thiên nhiên đẹp mê hồn hoặc những mẫu nhà được thiết kế lãng mạn chỉ là ảnh AI. Có những bức ảnh, tác giả để nguồn gốc nhưng nhiều người lại "lập lờ" không ghi gì cả khiến người xem dễ ngộ nhận đó là ảnh thực. Vài lần "bị lừa" như thế, tôi không còn hứng thú ngắm ảnh đẹp trên mạng nữa.

Cho dù mục đích của người dùng ảnh ảo là để không bị thành người "tối cổ" với công nghệ, để cho vui, để che lấp những khuyết điểm trong đời thực hay để đánh lừa những đôi mắt dễ dãi thì cũng có một điều mà "dân chơi mạng" cần nhớ: nếu ta đem sự giả dối đến cho người khác thì đừng mong nhận được sự trung thực hay tấm chân tình. Suy cho cùng, điều đó cũng phải thôi.

Chúng ta không có lỗi khi không có khả năng nhận diện những bức ảnh "giả" và vô tình tiếp tay cho việc lan truyền, nhưng chúng ta có thể nói không với ảnh giả và những tác giả không trung thực. Người tạo ra một bức ảnh lừa mị cảm xúc người xem và gọi đó là "sáng tạo nội dung" (content creation) cũng có thể được gọi là những "nhà sáng tạo kỹ thuật số" (digital creator) kém văn minh.

Có người đổ lỗi cho sự tiến bộ của công nghệ AI đã tiếp tay cho sự nhân bản của những bức ảnh (và nhiều thứ khác nữa) lừa dối. Nhưng suy cho cùng, AI hay những trò lừa đảo dưới hình thức này khác đều là sản phẩm "sáng tạo" của con người, từ con người mà ra cả. Chẳng phải thế sao?

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI