Anh em không nhìn mặt nhau vì chuyện chia tài sản

12/04/2025 - 11:00

PNO - Do bất bình chuyện phân chia tài sản mà anh em ghét nhau đến nỗi có mặt người này thì sẽ vắng người kia.

Từ những bất đồng liên quan đến lợi ích dẫn đến anh chị em từ mặt nhau - Ảnh minh họa: Freepik
Từ những bất đồng liên quan đến lợi ích dẫn đến anh chị em không nhìn mặt nhau (ảnh minh họa: Freepik)

Trên mạng xã hội, thỉnh thoảng tôi đăng ảnh đi chơi của gia đình. Minh - chị đồng nghiệp - thường bình luận: “Nhìn gia đình em vui vẻ thấy mà thèm”. Lần khác chị lại: “Nhìn anh chị em đoàn kết mà chỉ biết ước”; “Làm sao để có được chuyến đi đông đủ như thế này nhỉ?”…

Tôi đã nghĩ đó là những câu từ xã giao mang tính ngợi khen, chứ không biết đó là tâm tư thật của chị. Mãi sau này nghe chị giãi bày, tôi mới hiểu.

Gia đình chị Minh cũng đông anh chị em như gia đình tôi, 10 người. Chỉ khác gia đình tôi là, cha mẹ của chị Minh rất giàu. Giàu từ đất đai, nhà cửa ông nội để lại. Bố chị Minh mất lâu rồi, chỉ còn mẹ. Ở lần mừng thọ mẹ chị Minh tuổi 80, bà cụ vẫn còn minh mẫn nên đã sắp xếp chia gia tài cho các con. Nghe đến số vàng được chia mà tôi ngỡ ngàng, bởi phần chia dư sức cho chị mua căn nhà mặt phố.

Nếu nói về những sự cố gây lủng củng mất đoàn kết từ việc chia gia tài thì nhà chị Minh không vướng phải. Bởi mọi thứ đã rõ ràng. Người nào nhận số vàng bao nhiêu đều ổn thỏa cả. Cứ nghĩ, bà cụ sáng suốt vậy, sau này yên tâm nhắm mắt xuôi tay, anh em sẽ không vì tài sản mà có chuyện tranh chấp gây bất hòa. Mặt khác, anh em nhà chị Minh ai cũng giàu có. Chưa kể tài sản được chia, thì ai cũng có nhà cửa khang trang, đất đai ở nơi nọ nơi kia, con cái đi du học, định cư… Tóm lại, không ai chật vật chuyện tiền nong.

"Vậy mà vẫn không yên...", chị Minh buồn bã nói và cho biết bây giờ anh em chị có những người ghét nhau đến nỗi có mặt người này thì không có mặt người kia. Đừng nói chuyện đi chơi cùng, ngay dịp lễ tết hay đám giỗ ba nhà cũng đã không đông đủ.

Chuyện là, bà cụ sau khi chia tài sản là vàng cho các con, căn nhà còn lại theo lẽ thường tình sẽ là nhà để thờ cúng tổ tiên, bà cụ giao cho cô con gái gần gũi bà nhất, để tiện chăm sóc cho bà quãng đời cuối. Mọi thứ rất hợp lý, vì ngay lúc chia, chẳng người con nào giành căn nhà vì ngại trách nhiệm chăm sóc mẹ.

Nào ngờ, sau hơn chục năm, giá nhà tăng vùn vụt, nếu tính giá trị tiền căn nhà thì nó đã cao hơn phần tài sản được chia của các thành viên khác đến 4 - 5 lần. Vài người nhanh chóng nhìn ra con số ấy, họ bất bình vì cho rằng, ai cũng là con thì tài sản phải được chia công bằng.

Sự so sánh vô lý ấy chính là nguồn cơn gây bất đồng, lời ra tiếng vào dẫn đến chuyện nhỏ hóa to. Đến giờ, bà cụ chưa mất mà anh em đã sứt mẻ tình cảm. Có người còn chẳng đến thăm mẹ chỉ vì không muốn giáp mặt em gái.

“Làm sao để có một gia đình lớn với các thành viên thuận hòa, gắn kết?”, chị Minh hỏi tôi như vậy. Tôi cũng chứng kiến không ít hoàn cảnh anh chị em xả thẳng vào mặt nhau bằng những câu từ rất nặng - điều này hoàn toàn không có trong bối cảnh gia đình tôi.

Ngay cả khi có những chuyện căng thẳng dẫn đến những ấm ức thì thành viên đó cũng nén lại, không để bật ra những câu từ mang tính xúc phạm bao giờ. Rồi sau đó, chỉ cần gặp gỡ, ăn với nhau bữa cơm là xóa nhòa mọi thứ.

Cha mẹ mất, thỉnh thoảng anh chị em tôi lại tổ chức những chuyến đi cùng nhau. Các anh chị lớn đều đã ở tuổi U70, gặp nhau là râm ran cả đêm không hết chuyện. Có những ký ức thân thương mà khi kể lại càng khơi nguồn yêu thương. Như chuyện hồi nhỏ chị Hai chăm bầy em như thế nào; cả những chuyện xấu hổ vô lý khi mẹ và con cùng mang thai, những kỷ niệm vui thời khốn khó mà kể lại vừa cười vừa thương cảm…

Sau những chuyến đi, các anh chị lại lên lịch hẹn nhau chuyến sau cùng đi, bởi ở tuổi này, còn sức khỏe để đi được với nhau là quý lắm.

Cuộc sống vô thường, tài sản chỉ là vật chất ngoài thân, vậy sao không chọn sống cho nhẹ nhàng khi còn có mặt trên cuộc đời này? Có lẽ, được sinh ra trong gia đình êm ấm, anh chị em thuận hòa đã là diễm phúc khiến tôi luôn biết ơn cuộc sống!

Thiên Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI