Anh em họ Lê, 1975 và những ám ảnh

30/04/2019 - 06:30

PNO - Ở những dự án của mình, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải xuất hiện giống hệt nhau, trong cùng một bộ phim, trong trang phục giống nhau, trong thứ ký ức chung không đầu không cuối.

Chiến tranh đã lùi rất xa, nhưng những giấc mơ đầy ẩn ức vẫn tái lặp, như một ám ảnh. Sự hiện tồn của đời sống cá nhân và những biến động không ngừng của đất nước thôi thúc nghệ sĩ đi tìm câu trả lời. Cặp sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (thường gọi là Le Brothers - anh em họ Lê) tạm khép lại 10 năm nỗ lực thực hành nghệ thuật đương đại, để diễn giải và tự hiểu chính mình, khi chạm vào một đề tài được xem là gai góc: câu chuyện hậu chiến, vấn đề Nam - Bắc, thống nhất đất nước…

Anh em ho Le, 1975  va nhung am anh
Le Brothers là tên thường gọi của cặp nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải

Bắt đầu với The Bridge (Cây cầu, 2010-2016), kế tiếp là The numbers (Những con số, 2011), Before 86 (Trước 86, 2011-2012), The Game (Trò chơi, 2013-2015), The 365 days (365 ngày, 2014)… Le Brothers đã mất gần 10 năm để trả lời câu hỏi: tôi là ai? Ở đó, 1945, 1975, 1986…  không chỉ là con số mang tính cá nhân mà đã trở thành khái niệm không - thời gian, bày ra trước mắt cảnh đoàn tụ - ly tán, thống nhất - chiến tranh, còn - mất, sống - chết, nụ cười - nước mắt và cả những khoảng lặng dài im phăng phắc đã bị rớt lại cùng với hiện thực nằm sâu trong lòng đất, khiến thế hệ hậu chiến trăn trở, suy tư về quá khứ mà họ chưa một lần chứng kiến hoặc chỉ được nghe kể lại.

Để rồi, những câu chuyện cá nhân, những vật dụng thường ngày, những mốc thời gian quen thuộc, những gương mặt nhớ nhớ quên quên mang tính biểu tượng, dù bằng cách thể hiện nào đi nữa, vẫn thấy ở đó một đời sống tâm trí đầy xáo động, không ngừng băn khoăn. “Năm 2012, con gái của chúng tôi tròn 11 tuổi, đúng bằng tuổi chúng tôi vào năm 1986 - dấu mốc quan trọng của đất nước khi bước vào công cuộc đổi mới” cũng khiến hai nghệ sĩ chất vấn chính mình. 26 năm sau, những ký ức về thời kỳ đầy khó khăn và biến động đó, những ký ức như vết sẹo thời gian luôn vận động, chuyển hóa… như cơ thể sống ấy vẫn luôn chực chờ ở đó, như một “vết thương tỉnh thức”.

“Chúng tôi cũng day dứt với câu hỏi: 26 năm sau, khi con gái chúng tôi bằng tuổi chúng tôi bây giờ, ký ức của con sẽ lưu giữ những gì ở thời điểm lịch sử 2012 này? Liệu con có suy tư về cái mốc lịch sử 1986? Con có còn quan tâm đến mốc lịch sử 1975 hay không? Con sẽ trưởng thành ra sao nếu thiếu đi những vết hằn lịch sử đó trong tâm thức người Việt?” - anh em họ Lê nói trong dự án Trước 86.

Anh em ho Le, 1975  va nhung am anh
Dự án Trò chơi của Le Brothers

Ở những dự án của mình, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải xuất hiện giống hệt nhau, trong cùng một bộ phim, trong trang phục giống nhau, trong thứ ký ức chung không đầu không cuối, “lúc u buồn, lúc giận dữ và trên hết là vô hướng, cái quá khứ ấy, đã hiện ra rõ ràng trong một ẩn dụ không thể nhầm lẫn về tiến trình miên viễn của thống nhất và phân ly”, như giám tuyển Nguyễn Như Huy từng viết.

Le Brothers là hai nghệ sĩ nổi tiếng của nghệ thuật đương đại Việt Nam, hoạt động chủ yếu ở TP.Huế và nhiều nơi trên thế giới. Mô phỏng những gì đã, đang xảy ra xung quanh, 10 năm qua, họ đấu tranh cho sự thống nhất chủ quan của riêng họ.

Phóng viên: Những dự án của hai anh nói về nhiều câu chuyện, nhưng đều trong mạch chuyện hậu chiến: vấn đề Nam - Bắc, hòa giải dân tộc, người trẻ có trách nhiệm gì với đất nước... Vì sao Le Brothers lại quan tâm tới câu chuyện này như vậy?

Le Brothers: Anh em chúng tôi sinh ngày 3/4/1975, tại một bệnh viện dã chiến ở Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - chỉ 27 ngày trước khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Lớn lên, chúng tôi vào Huế học, phải băng qua một cây cầu nối liền hai tỉnh, cũng là cây cầu nối liền hai miền Nam - Bắc. Cây cầu nằm ở ranh giới đó đã khiến chúng tôi tự hỏi không ngừng: nếu đất nước không thống nhất, bây giờ chúng tôi là ai. Đầu tiên, có lẽ chúng tôi không phải là những nghệ sĩ, mà có khi đang cầm súng ra chiến trường, trong cuộc chiến đẫm máu nào đó. Câu chuyện đó gợi trong chúng tôi rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ về thời cuộc, về những gì đã xảy ra, về nỗi đau của dân tộc này. Câu chuyện thống nhất, câu chuyện Nam - Bắc đã thay đổi cuộc đời chúng tôi, trở thành một ám ảnh nghệ thuật, theo một cách nào đó, như thế.

Dự án Cây cầu (2010 - 2016) đã khởi động chuỗi nội dung liên quan đến đề tài này. Đó là nỗ lực dùng nghệ thuật như phương tiện để thể hiện suy nghĩ của thế hệ trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh với quá khứ, với lịch sử đất nước; cũng là nỗ lực tỏ bày thái độ của họ trong cuộc chuyển biến không ngừng của lịch sử, của những cá thể nghệ sĩ - công dân.

Anh em ho Le, 1975  va nhung am anh
Một hình ảnh thuộc dự án Những con số

* Câu chuyện Nam - Bắc được xem là đề tài nhạy cảm trong nghệ thuật, ít có nghệ sĩ nào dám chạm vào...

-  Cái gì pháp luật không cấm, tại sao nghệ sĩ không làm mà lại tự giới hạn mình? Tại sao nghệ sĩ lại sợ những nỗi sợ vô hình, trong khi, mình là những người có trách nhiệm với xã hội, sao bàng quan, lãnh đạm được. Tôi nghĩ, vấn đề ở đây không phải là nhạy cảm, gai góc hay không, mà ở việc tài năng anh thế nào, có chịu học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo ra tác phẩm vượt thoát khỏi tính chất tuyên truyền hay không mà thôi. Nghệ sĩ là người đưa ra thông điệp về đời sống, bằng một cách tinh tế, gợi cảm xúc nhất. Hơn nữa, rõ ràng, đây là câu chuyện máu thịt của chúng tôi, trở thành ý hướng nghệ thuật, là điều cần làm và phải làm. Sự thôi thúc đó lại gặp gỡ niềm cảm hứng, sự yêu thích và quan tâm đặc biệt trong quá trình sáng tạo và hoạt động nghệ thuật.

* Trong cảm nhận của tôi, hai vị là anh em sinh đôi, tuy hai mà một, không thể tách rời, cũng giống như ý niệm Nam và Bắc trong một cơ thể đất nước vẹn toàn.

- Chính cái mốc 1975 và hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bản thân đã khiến anh em chúng tôi nghĩ rằng, phải trả lại cho mọi người một câu chuyện tốt đẹp nào đó, bằng nghệ thuật. Hồi còn nhỏ, mẹ thường ngồi vá những chiếc quần áo rách đôi lại cho chúng tôi. Chúng tôi rất thân nhau, như hình với bóng, lúc nào cũng liên tưởng mình giống như một mảnh đất mà Nam - Bắc hai trong một, ngày và đêm trong hai khoảng sáng - tối. Chúng tôi dùng hình tượng của bản thân để làm tác phẩm, để kể câu chuyện cá nhân, câu chuyện Nam - Bắc, câu chuyện chiến tranh, thống nhất đất nước.

Anh em ho Le, 1975  va nhung am anh
Le Brothers ở dự án Trước 86

* Quá khứ có phải là đối tượng để kết án, giễu nhại?

- Chúng tôi đặt vấn đề “cái bóng của cái bóng”. Không có điều gì tuyệt đối ở đây cả. Những gì chúng ta thấy trước mắt chưa chắc là sự thực. Vẫn có những điểm mù, những câu chuyện phía sau mà chúng ta chưa biết, cần ta tìm kiếm và chạm vào, bằng cách này hay cách khác.

Thống nhất đất nước, hòa giải dân tộc, là câu chuyện cần sự chung tay của nhiều người, không phải việc riêng của bất cứ ai, kể cả nghệ sĩ. So với những hình thức khác, nghệ sĩ thuận lợi hơn ở chỗ, họ có phương tiện, hình ảnh… để tiếp cận một cách tự do, gần gũi và không hề lên gân; giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử, tạo ra sợi dây liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai; tùy thuộc vào bối cảnh xã hội cũng như khả năng tương tác của nghệ sĩ, tầm ảnh hưởng của họ với xã hội. Thông qua đó, chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra ước mong về một xã hội tốt đẹp hơn.

* Cảm ơn hai anh. 

“Lúc còn bé, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, những trò chơi của trẻ con chúng tôi thời ấy thường có trò đánh trận giả. Vũ khí của cả hai phe là những khẩu súng gỗ, bẹ chuối… Cuộc chơi, từ đầu cho đến khi kết thúc, chẳng bao giờ mang màu sắc thù hận, mà chỉ đơn thuần là một trò chơi con trẻ. Bây giờ, khi đã trưởng thành, hai từ “chiến tranh” vẫn ám ảnh trong tâm thức chúng tôi và “chiến tranh”, theo một nghĩa nào đó, vẫn tồn tại, vẫn xảy ra, không ngừng mang đến đau khổ cho con người. Chúng tôi mong chiến tranh chỉ như một trò chơi con trẻ, cuộc chơi nghệ thuật, làm cho con người hạnh phúc.

Anh em ho Le, 1975  va nhung am anh

Hai bộ quân phục, tượng trưng cho hai chiến tuyến, được chúng tôi xử lý bằng cách cắt, trổ từng mảnh, theo những hình ảnh của chiến tranh: khẩu súng, viên đạn, bom, máy bay… và những hình ảnh hòa bình: bông hoa, con chim… đã được cách điệu như những đồ chơi; sau đó dùng những mảnh vải của bộ quân phục này may, ráp vào bộ quân phục kia… Bộ quân phục là sự nhận diện cơ bản của hai phía trong cuộc chiến, gợi nên cảm xúc về quá khứ, với nỗi đau của đất nước; nay đã mang một hình vóc khác, ngữ nghĩa khác, mang dáng dấp của một trò chơi con trẻ, cũng như khát vọng hòa bình và hòa hợp của người Việt, cũng như các dân tộc trải qua chiến tranh”.

Le Brothers nói về dự án Trò chơi


Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI