Anh điều tra vụ người mẹ phải cất giữ thi hài bé sơ sinh trong tủ lạnh

31/05/2022 - 14:00

PNO - Một bệnh viện ở London, Anh, đã mở cuộc điều tra sau khi một phụ nữ có con đã chết trong bụng mẹ phải sinh con ở nhà.

 

 

Laura Brody và chồng
Laura Brody và chồng

Laura Brody (làm việc cho một công ty tổ chức sự kiện) và người bạn đời của cô, Lawrence White White (nhà báo), cả hai đều 39 tuổi, đã cảm thấy như "rơi vào địa ngục" sau khi được Bệnh viện Đại học Lewisham cho về nhà và yêu cầu phải đợi 7 ngày thì mới có giường sinh con, sau khi các bác sĩ phát hiện đứa con của họ không còn nhịp tim.

Brody, người đã từng bị sẩy thai sớm (trước 12 tuần của thai kỳ) trước đó, cho biết cô được nhân viên bệnh viện nói rằng cô không nên tự sinh con tại nhà mà không có sự giám sát y tế.

Nhưng chỉ vài giờ sau, Brody, lúc đó đang mang thai được 4 tháng bị đau bụng dữ dội, đã sinh con trai trong nhà vệ sinh tại nhà.

Cặp vợ chồng muốn thực hiện các xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân vì người vợ đã từng sẩy thai trước đó, và họ đã gọi đến số 999 nhưng được thông báo rằng đây không phải là trường hợp khẩn cấp. Thay vào đó, họ buộc phải quấn thi hài của con mình trong một miếng vải ướt và đặt nó vào một hộp nhựa. 

Cả hai đem thi hài con đến phòng cấp cứu và được yêu cầu ngồi đợi trong phòng chờ chung nóng nực và ngột ngạt cùng với khoảng 20 hoặc 30 người khác.

Khi hai vợ chồng hỏi liệu thi hài của con mình có thể được đưa đến nhà xác hay không, thì họ được trả lời rằng họ không có hồ sơ phù hợp cho việc này.

Cuối cùng, vì muốn bảo quản thi hài của đứa trẻ một cách tốt nhất để khám nghiệm tử thi sau đó, White đưa thi hài bé về nhà và cất trong tủ lạnh. Brody phải ở lại bệnh viện để làm phẫu thuật loại bỏ nhau thai. 

Brody chia sẻ, cô đã lên tiếng sau khi xem một bộ phim tài liệu về sẩy thai toàn cầu: "Tôi muốn mọi người biết điều này đang diễn ra ở London, vào năm 2022, chứ không phải ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên thế giới". "Không nên có một gia đình thứ 2 phải đưa thi hài của con về nhà như chúng tôi nữa. Tôi mong rằng đây là một tình huống duy nhất".

Brody cho biết trải nghiệm của mình cho thấy những sai sót trong hệ thống y tế của nước Anh trong việc ứng phó với những ca sẩy thai muộn (sau 12 tuần của thai kỳ) và nhiều trở ngại khác mà phụ nữ phải đối mặt khi bị sự cố này.

Vụ việc đã làm dấy lên những lo ngại trên diện rộng giữa các nhà vận động. Họ cho rằng việc chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp bị sẩy thai cần được ưu tiên đúng mức trong các bệnh viện và các phòng cấp cứu.

Bà Maria Caulfield, Bộ trưởng An toàn Bệnh nhân và Chăm sóc Ban đầu của Anh, cho biết: "Mỗi lần mất con đều là một bi kịch, và tôi muốn gửi lời cảm thông sâu sắc nhất đến cô Brody và gia đình".

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI